Trước Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, vào ngày 18/11/2022, thay mặt Ban Bí thư, đồng chí Võ Văn Thưởng, Thường trực Ban Bí thư đã ký Chỉ thị số 19-CT/TW, của Ban Bí thư về việc tổ chức Tết Quý Mão năm 2023. Chỉ thị yêu cầu thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, phát huy truyền thống đại đoàn kết, tinh thần "tương thân, tương ái" của dân tộc, chăm lo đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, bảo đảm mọi nhà, mọi người đều có điều kiện vui xuân, đón Tết. Quan tâm chăm lo cho các gia đình chính sách, người có hoàn cảnh khó khăn, các hộ nghèo, đồng bào các địa phương bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng dân tộc thiểu số và miền núi; công nhân, người lao động làm việc tại các khu kinh tế, khu công nghiệp, khu chế xuất, nhất là người bị mất việc làm.
Trong Chỉ thị lần này, Ban Bí thư đặc biệt quan tâm tới việc chăm lo Tết cho đối tượng công nhân, người lao động bị mất việc làm.
Tiếp đó, vào ngày 23/12/2022, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký ban hành Chỉ thị 22/CT-TTg về tăng cường các biện pháp bảo đảm đón Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm. Chỉ thị yêu cầu Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương theo dõi, nắm bắt tình hình lao động tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế, đặc biệt là những địa phương tập trung nhiều lao động, tạo thuận lợi cho người lao động nghỉ Tết và trở lại làm việc sau Tết; quan tâm hỗ trợ người lao động bị giảm sâu thu nhập, mất, thiếu việc làm. Thực hiện các giải pháp duy trì chuỗi cung ứng nguồn nhân lực, đáp ứng kịp thời lao động cho doanh nghiệp trước và sau Tết Nguyên đán.
Một lần nữa công nhân, người lao động bị mất việc làm lại xuất hiện trong diện quan tâm của công tác chăm lo Tết Quý Mão.
Trong đại dịch COVID-19, Việt Nam không bị suy thoái mà đã có sự phục hồi mạnh mẽ. Việc này được minh chứng bằng thực tế tăng trưởng GDP Việt Nam năm 2022 đạt 8,02%, là mức tăng cao nhất kể từ năm 2011. Bên cạnh đó, năm 2022, Việt Nam đã “ngược dòng” với thế giới khi kiểm soát lạm phát thành công với mức lạm phát cả năm là 3,15%, đạt mục tiêu Quốc hội đề ra…
Báo Asia Times nhận định Việt Nam kết thúc năm 2022 với tư cách là nền kinh tế hoạt động tốt nhất ở châu Á, chủ yếu nhờ khả năng thu hút đầu tư nước ngoài. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tại Việt Nam năm 2022 ước đạt gần 22,4 tỷ USD, tăng 13,5% so với năm 2021. Đây là số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện cao nhất trong 5 năm qua.
Tuy nhiên, với năm 2023, như nhận định của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đưa ra tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam vào chiều 17/12/2022, khó khăn nhiều hơn thuận lợi. Những khó khăn này sớm xuất hiện từ quý III, IV/2022 cùng với sự sụt giảm đơn hàng trong nhiều lĩnh vực như dệt may, thủy sản…, sang năm 2023 càng hiện rõ hơn. Báo Tin tức điện tử ngày 7/1 đưa tin ngay trước Tết Nguyên đán Đinh Mão đang cận kề, hàng ngàn lao động ở TP Hồ Chí Minh, nơi được coi là “đầu tàu kinh tế của cả nước”, phải chịu cảnh thất nghiệp. Tình hình tương tự cũng được ghi nhận ở nhiều tỉnh, thành khác.
Tuy nhiên, khó khăn của người lao động bị mất việc đã được giảm bớt phần nào khi các đơn vị, ban ngành, doanh nghiệp TP Hồ Chí Minh ngày đêm nỗ lực kết nối tìm việc làm cho họ. Lao động thất nghiệp càng ấm lòng hơn khi nhận thêm hàng loạt sự quan tâm thông qua các hoạt động như chợ Tết 0 đồng, chợ Tết công đoàn, Tết đoàn viên, Tết sum vầy, Tết Nhân ái, ngày hội nghĩa tình, ngày hội công nhân… mà ở đó, họ được trao quà Tết, được tặng vé máy bay, tàu hoả để về quê ăn Tết, thậm chí còn được cắt tóc, trang trí móng tay miễn phí…
Không chỉ có TP Hồ Chí Minh và cũng không chỉ có lao động thất nghiệp, các địa phương khác, từ đất mũi Cà Mau tới địa đầu Móng Cái hay vùng núi cao Hà Giang đều có kế hoạch, chủ động chăm lo Tết cho các đối tượng thuộc Chỉ thị số 19-CT/TW và Chỉ thị 22/CT-TTg. Với tinh thần “lá lành đùm lá rách”, “thương người như thể thương thân”, "lá rách ít đùm lá rách nhiều" của dân tộc ta, nhiều chương trình chung tay vì người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn đã được tổ chức trên khắp cả nước, góp phần giúp bà con đón Tết cổ truyền ấm áp và tươm tất. Tết càng đến gần, các hoạt động chăm lo Tết cho các gia đình có công với cách mạng, các hộ nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn, người dễ bị tổn thương… bằng các hình thức càng diễn ra sôi nổi. Đặc biệt, nhiều ngày qua, các đồng chí lãnh đạo thay mặt Đảng và Nhà nước đã đi thăm và tặng quà các gia đình tại nhiều địa phương trong cả nước.
Những việc làm thiết thực và nhân văn nêu trên tạo được sức lan tỏa rộng khắp và thể hiện tình cảm của Đảng, Nhà nước đối với người lao động, giai cấp công nhân, người có hoàn cảnh khó khăn…, trở thành truyền thống đoàn kết quý báu của dân tộc mỗi khi Tết đến, xuân về. Điều này không chỉ góp phần hỗ trợ, động viên, giảm bớt nỗi lo lắng của những nhóm dễ bị tổn thương trên cả nước, để mọi người đều được đón Tết đầm ấm, góp phần bảo đảm an sinh xã hội, đồng thời truyền đi thông điệp của lòng nhân ái, của sự sẻ chia, của niềm tin, sự thấu cảm và quyết tâm hành động để "không ai bị bỏ lại phía sau" trong hành trình xây dựng đất nước Việt Nam hòa bình - phồn vinh - ấm no - hạnh phúc.