Có thể điểm lại một vài vụ việc nổi cộm như sau: Du khách giằng kéo, lấy chuối của chị bán hàng rong; đốt tiền Việt Nam sau khi uống rượu say; hướng dẫn viên chui người Trung Quốc xuyên tạc lịch sử Việt Nam; công ty lữ hành Trung Quốc bao trọn gói tour, cắt giảm hết các chi phí khiến du khách không được hưởng các dịch vụ du lịch; du khách phải mua hàng với giá cắt cổ qua hướng dẫn viên...
Những hành vi và việc làm này thực sự đã gây phản cảm và khiến dư luận nước ta không khỏi bức xúc. Các vụ việc như trên không chỉ khiến các địa phương đón lượng lớn khách Trung Quốc thời điểm này như Nha Trang (Khánh Hòa), Đà Nẵng... thất thu ngân sách mà còn ảnh hưởng xấu đến môi trường du lịch địa phương; ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả hoạt động du lịch, chất lượng dịch vụ và hình ảnh điểm đến du lịch Việt Nam. Điều này cũng đặt ra cho ngành du lịch yêu cầu cấp thiết về việc quản lý điểm đến cũng như thu hút du khách quốc tế có chọn lọc.
Trước tình hình trên, các cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực du lịch và các địa phương có liên quan đã có biện pháp xử lý đúng đắn, răn đe chính các công ty Việt Nam “bảo kê”, tiếp tay cho công ty lữ hành Trung Quốc; đề nghị Cục Du lịch quốc gia Trung Quốc xử lý nghiêm trường hợp khách đốt tiền Việt Nam; thường xuyên phối hợp với Tổng cục Du lịch Việt Nam quản lý tốt khách du lịch hai bên... UBND các tỉnh, thành phố tăng cường công tác thanh, kiểm tra hoạt động kinh doanh du lịch, nhất là hoạt động lữ hành và hướng dẫn du lịch trên địa bàn; kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm để nâng cao ý thức chấp hành pháp luật trong lĩnh vực du lịch.
Du lịch được coi là “ngành công nghiệp không khói”, trong đó bao hàm một phạm trù rộng lớn về không gian văn minh, chiều sâu văn hóa trong đó du khách là chủ thể. Môi trường du lịch dù có phong phú đến mấy mà du khách ứng xử thiếu văn hóa thì môi trường du lịch cũng sẽ bị “ô nhiễm” - một loại "ô nhiễm văn hóa” sẽ biến tài nguyên du lịch thành vô giá trị. Như vậy, việc bảo vệ, phát huy, làm giàu tài nguyên du lịch đích thực là bảo vệ môi trường văn hóa không bị ô nhiễm; giữ được sự tinh khiết để văn hóa thực sự lắng sâu và thăng hoa trong lòng du khách. Chỉ có tinh hoa văn hóa, sự độc đáo riêng biệt của văn hóa, văn minh của quốc gia, dân tộc mới đủ sức thu hút, quyến rũ với du khách đến với Việt Nam, làm nên thành công của các mô hình du lịch cộng đồng. Giữ gìn môi trường văn hóa, môi trường tự nhiên, làm giàu cho nhân dân, đất nước chính là những việc cần làm để phát triển du lịch bền vững, có trách nhiệm.
Nếu phát triển du lịch chỉ chú trọng doanh thu, coi nhẹ quảng bá văn hóa, lịch sử của đất nước, dân tộc thì du khách không được hưởng thụ văn hóa đích thực. Điều này cũng có nghĩa là tài nguyên du lịch sẽ bị nghèo đi, hạ thấp tầm thụ hưởng văn hóa của du khách. Chính vì lẽ đó, ngành du lịch nước nhà cần coi trọng hơn nữa chất lượng du khách, đặc biệt là trên bình diện văn hóa. Chỉ khi du khách hiểu và trân trọng văn hóa, lịch sử của dân tộc Việt Nam thì họ mới có ứng xử văn minh, tương tác văn hóa, dẫn đến giao thoa văn hóa, làm giàu thêm tài nguyên du lịch.
Việc du khách Trung Quốc có các hành vi ứng xử vô văn hóa, thậm chí vi phạm pháp luật của Nhà nước ta đã đặt ra trách nhiệm cấp bách với ngành du lịch và các ngành liên quan trong việc hoạch định chiến lược thu hút du khách với các tiêu chí dựa trên việc thấu hiểu và tôn trọng văn hóa vật thể và phi vật thể. Việc quảng bá, thu hút du khách quốc tế đến Việt Nam cũng phải gắn liền với việc quảng bá, giới thiệu bản sắc văn hóa Việt Nam; kiên quyết xử lý những hành vi không đúng mực, sai phạm của bất cứ du khách nào xúc phạm đến danh dự, luật pháp, làm “ô nhiễm” môi trường văn hóa, du lịch nước ta...
Để làm được điều này, ngành du lịch cần có cái nhìn sâu sắc về mối quan hệ mật thiết giữa văn hóa và du lịch. Lợi nhuận về vật chất không phải là mục tiêu cao nhất trong hoạt động du lịch; thành quả kinh tế mà du lịch mang lại phải song hành cùng các giá trị văn hóa, văn minh. Chỉ như vậy ngành du lịch mới có thể loại bỏ được những du khách vô văn hóa, có cách hành xử như kẻ sống ngoài vòng pháp luật; đưa du lịch phát triển trên tầm cao của văn hóa.