Dân cư mạng mấy ngày qua đặc biệt quan tâm đến video clip một tài xế xe buýt vừa lái xe vừa đọc tin tức trên điện thoại di động. Clip trên được một hành khách quay trên chuyến xe buýt Cần Thơ - Hậu Giang ngày 6/2. Sự việc trên kéo dài hơn 3 phút và diễn ra gần 3 km xe chạy! Đã có rất nhiều vụ tai nạn giao thông thảm khốc xảy ra, cướp đi sinh mạng của nhiều người, mà nguyên nhân xuất phát từ sự chủ quan, coi thường tính mạng hành khách của lái xe. Nếu không được xử lý nghiêm, những sự việc tương tự chắc chắn sẽ lặp lại, xã hội sẽ tiếp tục phải gánh chịu những hậu quả đau lòng từ tai nạn giao thông.
Nhiều tờ báo (cả báo in và báo mạng) thời gian gần đây phản ánh tình trạng rải đinh tái diễn trở lại tại một số tuyến đường cao tốc ở khu vực Thành phố Hồ Chí Minh và trên cầu Cần Thơ. Lại có thêm nhiều người điều khiển phương tiện phải gánh hậu quả khi dính phải đinh của những kẻ thiếu lương tâm, vì hám lợi mà coi thường luật pháp, coi thường tính mạng của người khác. Mặc dù chính quyền địa phương đã tiến hành nhiều biện pháp ngăn chặn, nhưng tình hình vẫn không được cải thiện, thậm chí còn tiếp tục tái diễn với chiều hướng nghiêm trọng hơn.
Năm nào cũng vậy, cứ vào dịp lễ hội đầu xuân, thì tai nạn giao thông lại tăng vọt, đồng nghĩa với số người chết vì tai nạn giao thông cũng tăng theo. Thống kê của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia như một lời cảnh báo: Từ 9/2 đến 17/2 (từ 29 tháng Chạp đến mùng 8 tháng Giêng), toàn quốc đã xảy ra 373 vụ tai nạn giao thông, làm 314 người chết và 387 người bị thương. Trong đó, 80% số vụ tai nạn giao thông xảy ra là do người điều khiển phương tiện sử dụng rượu, bia. Vì tai nạn giao thông mà bao người phải chịu cảnh thương tật, bao gia đình mãi mãi mất người thân; không ít đứa trẻ bỗng dưng bơ vơ, thiếu sự yêu thương, chăm sóc của cha mẹ!
Như đã thành quy luật, vào dịp lễ hội hằng năm, các bệnh viện thường phải tiếp nhận khá nhiều ca chấn thương sọ não, tử vong do tai nạn giao thông liên quan đến đồ uống có cồn. Các cơ quan chức năng đã đề xuất nhiều giải pháp, nhưng chưa có giải pháp nào thật sự hữu hiệu. Điều đáng nói là ý thức của người tham gia giao thông vẫn chưa có sự chuyển biến đáng kể. Xe khách vào dịp này thì tìm đủ cách nhồi nhét khách, phóng nhanh vượt ẩu. Người điều khiển xe phương tiện thì say xỉn, bất chấp luật lệ, coi thường mạng sống của chính mình đồng thời gây họa cho người khác.
Những con số và vấn đề nêu trên quả là nhức nhối và vấn nạn tai nạn giao thông vẫn luôn là nỗi ám ảnh đối với bất kỳ ai. Người dân đang kỳ vọng vào những giải pháp quyết liệt, hiệu quả để giải quyết cấp bách các vấn đề tai nạn giao thông đang làm ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của họ; đồng thời gây thiệt hại không nhỏ về kinh tế cũng như tinh thần cho nhiều gia đình và cả xã hội.
Vấn đề cốt lõi là phải nâng cao ý thức và tâm lý phòng ngừa của mỗi người dân về tai nạn giao thông. Trong điều kiện cơ sở vật chất, hạ tầng giao thông còn yếu kém, chưa đồng bộ, cùng với tuyên truyền, đẩy mạnh kiểm tra thực hiện luật lệ giao thông, cũng rất cần thiết nêu cao văn hóa, đạo đức kinh doanh của các chủ doanh nghiệp vận tải và người lái xe. Nếu các chủ doanh nghiệp không vì lợi ích trước mắt mà sử dụng các phương tiện không bảo đảm an toàn; lái xe và người tham gia giao thông nghiêm túc chấp hành Luật Giao thông đường bộ, thì chắc chắn sẽ bớt đi những hệ lụy đau lòng từ tai nạn giao thông.
Yến Nhi