Nhưng thực tế, lợi nhuận thì chảy vào túi doanh nghiệp, còn cái lợi của người tiêu dùng chỉ như muối bỏ bể. Không còn là sự chây ì nữa, mà là thái độ vô trách nhiệm đối với xã hội của phần lớn doanh nghiệp vận tải. Có người đặt câu hỏi, liệu có dấu hiệu các doanh nghiệp vận tải bắt tay không giảm giá cước?
Đã có những động thái cho thấy sự vào cuộc của cơ quan quản lý nhà nước nhằm làm lành mạnh lĩnh vực kinh doanh vận tải, đồng thời để bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng. Cuối tháng 8 và đầu tháng 9 vừa qua, các bộ Tài chính, Giao thông Vận tải đã có văn bản gửi các sở Tài chính, Giao thông Vận tải địa phương, yêu cầu hối thúc doanh nghiệp vận tải giảm giá cước khi giá xăng dầu đã giảm mạnh; đồng thời có biện pháp xử lý nghiêm nếu doanh nghiệp chây ì. Đáp lại, vẫn chỉ là sự im lặng của các doanh nghiệp vận tải.
Đây không phải lần đầu tiên doanh nghiệp chây ì với việc giảm giá cước khi giá xăng dầu giảm. Đầu năm nay, khi giá xăng dầu trong nước giảm mạnh, cơ quan quản lý Nhà nước cũng từng có văn bản yêu cầu các doanh nghiệp giảm giá cước, nhưng chỉ là sự giảm giá nhỏ giọt, giảm cho có, mang nặng tính đối phó. Đơn cử, một số hãng taxi chấp nhận giảm giá mở cửa, nhưng lại rút ngắn khoảng cách của km đầu tiên được tính tiền; hoặc giảm km đầu tiên, nhưng không giảm các km tiếp theo...
Về mặt lý thuyết, giá xăng, dầu được điều hành theo Nghị định 84/NĐ-CP của Chính phủ, tuân thủ nguyên tắc hài hòa quyền lợi của Nhà nước - doanh nghiệp - người tiêu dùng. Thế nhưng, thực trạng giá xăng dầu giảm sâu, trong khi giá cước vận tải không giảm, khiến dư luận đặt dấu hỏi xung quanh vấn đề quản lý, điều hành lĩnh vực kinh doanh vận tải. Với những động thái nêu trên, phần nào cho thấy công tác điều hành giá cước vận tải thời gian qua đã bị buông lỏng. Việc thiếu thông tin minh bạch về công tác điều hành giá khiến người tiêu dùng không mấy tin tưởng quyền lợi của mình được bảo đảm hài hòa với quyền lợi của các bên còn lại.
Điều này cũng phản ánh cơ chế phối hợp quản lý giữa các bộ liên quan chưa thích ứng với diễn biến thị trường. Quy luật của thị trường là khi chi phí đầu vào giảm, thì đương nhiên giá thành sản phẩm (hay giá dịch vụ) phải giảm theo. Tuy nhiên, đối chiếu với thực tế giá xăng giảm trong thời gian vừa qua, thì vấn đề lại không theo nguyên tắc như vậy, cũng không phản ánh đúng các tín hiệu khách quan của thị trường.
Vì vậy, để tình trạng chây ì giảm giá cước không tiếp diễn trong thời gian tới, nhiều ý kiến đề xuất, nếu cứ để doanh nghiệp vận tải tự giác giảm giá thì rất khó, mà các cơ quan chức năng phải tăng cường thanh tra, kiểm tra và xử lý đối với trường hợp phớt lờ quyền lợi người tiêu dùng. Trước mắt, cần tiến hành thanh tra, kiểm tra về thuế thu nhập đối với các doanh nghiệp chây ì; nếu phát hiện sai phạm thì phải xử lý nghiêm; đồng thời phải có chính sách buộc doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm về mức giá cước vận tải mà họ áp đặt. Chỉ khi nào giá cước vận tải được bóc tách rành rẽ, bảo đảm sự minh bạch..., thì khi đó, người tiêu dùng mới không bị “móc túi”.