Canh cánh bữa ăn mất an toàn

Liên tục xảy ra các vụ ngộ độc tại các bếp ăn tập thể đang là hồi chuông cảnh báo về nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm hiện nay. Mới nhất là vụ ngộ độc tập thể xảy ra tại Công ty giầy Gia Nghĩa (Bình Dương) khi trên 130 công nhân phải nhập viện trong tình trạng nôn ói, đau bụng, tiêu chảy.


Theo Bộ Y tế, trong 9 tháng năm 2015, cả nước đã phát hiện hơn 12.000 cơ sở vi phạm về an toàn vệ sinh thực phẩm; trong đó gần 700 cơ sở bị đình chỉ hoạt động và hơn 4.000 loại sản phẩm bị tiêu hủy...

Tuy nhiên, những con số vừa nêu chỉ là phần rất nhỏ so với thực tế về mức độ vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm xảy ra trong thời gian gần đây. Tình trạng này sẽ khó được ngăn chặn, khi hàng ngày, hàng giờ người tiêu dùng vẫn mua phải rau tưới bằng nước bẩn, thịt, cá có chất tăng trọng, trái cây bị ngâm đẫm chất bảo quản bị cấm... rồi cả nguồn thực phẩm không an toàn được tuồn vào nội địa từ các cửa khẩu biên giới. Với cảm quan và trực giác, người tiêu dùng không thể biết loại thực phẩm nào, loại rau quả nào không chứa hóa chất độc hại? Người tiêu dùng không thể biết hết thông tin thực phẩm không an toàn, thế nên họ đặt nhiều hy vọng vào các cơ quan chức năng.

Trên thực tế, công tác kiểm tra, xử lý vi phạm ở lĩnh vực này lại chưa theo kịp tình hình, đặc biệt là chưa ngăn chặn từ gốc những nguy cơ có thể dẫn đến mất an toàn vệ sinh thực phẩm (từ khâu sản xuất, tập kết nguyên liệu, chế biến đến thực phẩm thành phẩm bày bán và đến tay người tiêu dùng). Việc kiểm tra lâu nay chủ yếu tập trung vào giấy tờ, giấy phép, mà chưa coi trọng đến công tác an toàn vệ sinh thực phẩm (đơn cử, với thức ăn đường phố thì điều kiện vệ sinh ra sao, vấn đề giết mổ, quản lý thực phẩm tại chợ…, thì không được cơ quan có trách nhiệm quan tâm một cách đầy đủ). Do vai trò của các cơ quan chức năng quá mờ nhạt, nên thực phẩm tươi sống, rau quả trên thị trường đang ở trạng thái rơi tự do, đồng thau lẫn lộn; không chỉ gây thiệt hại cho người tiêu dùng, mà còn với những cơ sở làm ăn chân chính.

Một lần nữa, câu hỏi trách nhiệm lại được đặt ra, cụ thể là trách nhiệm của các bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương, Y tế cùng quản lý lĩnh vực an toàn thực phẩm. Những vụ buôn lậu thực phẩm không an toàn được phát hiện gần đây cho thấy, phần lớn nó được tuồn vào thị trường nội địa từ biên giới phía Bắc. Rất lạ là ô tô chở nội tạng ôi thối vẫn qua mắt các trạm kiểm soát ở nhiều tỉnh rồi đổ về các đô thị lớn. Luật An toàn thực phẩm có hiệu lực cách đây 3 năm. Luật với những chế tài mạnh được kỳ vọng sẽ làm giảm tình trạng mất an toàn vệ sinh thực phẩm. Nhưng trên thực tế, luật không phải "thuốc bách bệnh". Nếu các văn bản dưới luật không có những quy định rõ ràng về phạm vi trách nhiệm quyền hạn của từng cơ quan chuyên ngành, thì thực phẩm bẩn, thực phẩm mất an toàn vẫn còn đất để tồn tại, đe dọa sức khỏe cộng đồng.

Bởi vậy, chỉ khi trách nhiệm được phân công rõ ràng, những kẽ hở trong công tác quản lý được bịt lại, mới mong hóa giải "ma trận" an toàn thực phẩm! Hy vọng, tình trạng bát nháo trong nuôi trồng, chế biến, kinh doanh thực phẩm "bẩn" sẽ dần được loại trừ, để người tiêu dùng không còn nơm nớp nỗi lo về bữa ăn mất an toàn.

Yến Nhi
Cấp cứu 48 công nhân có triệu chứng ngộ độc thực phẩm
Cấp cứu 48 công nhân có triệu chứng ngộ độc thực phẩm

Ngày 6/10, sau ca ăn trưa tại Công ty TNHH Youngor Smart Shirts Việt Nam (khu công nghiệp Mỹ Trung, xã Mỹ Trung, huyện Mỹ Lộc, tỉnh Nam Định), 48 công nhân của Công ty đã có nhiều triệu chứng ngộ độc thực phẩm và rối loạn tiêu hóa.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN