Cải cách… báo cáo

1. Cuối năm bao giờ cũng bận, trăm sự bận, trong đó có cái bận của việc làm báo cáo. Báo cáo là một phương tiện phục vụ cho công tác lãnh đạo, quản lý, điều hành. Báo cáo là một công cụ của công tác thống kê. Một năm làm việc, cuối năm tổng kết lại bằng báo cáo, đó là điều cần thiết. Tuy nhiên, xung quanh chuyện báo cáo cũng có điều cần bàn.

2. Một lần tham gia một đề tài nghiên cứu, tôi có dịp tiếp cận với các báo cáo tổng kết năm của một cơ quan. Sau khi đọc các báo cáo tổng kết trong vòng 5 năm, tôi phát hiện ra một điều: Các báo cáo này rất dài, với rất nhiều nội dung, từ tình hình thế giới, trong nước, đặc điểm của cơ quan, những thuận lợi, khó khăn, biện pháp đến kết quả đạt được với những ưu điểm, nhược điểm và phương hướng, mục tiêu, kiến nghị, vân vân và vân vân… Tuy nhiên, nội dung các báo cáo giống nhau tới… 95%, chỉ khác nhau ở các con số và một số điểm nhỏ về tình hình, nhiệm vụ các năm… Thậm chí, có báo cáo năm sau vẫn viết “nhầm” tên năm trước. Điều này chứng tỏ người ta chỉ cần coppy báo cáo năm trước, sửa lại một số điểm và thay các số liệu mới…, thế là xong. Khi tôi nói về vấn đề này, không ít người cho rằng đó là tình trạng phổ biến.

3. Đối với cấp làm báo cáo, điều đó chứng tỏ hoặc là sự cẩu thả, coi nhẹ, “lười” làm báo cáo; hoặc là đơn vị chẳng có gì nhiều để báo cáo nhưng vẫn cứ phải “kéo” ra cho… hoành tráng. Còn đối với cấp nhận báo cáo, có lẽ do phải xử lý quá nhiều báo cáo để tổng hợp lại, làm… báo cáo gửi cấp trên nên cũng không đủ thời gian để đọc kỹ các báo cáo của cấp dưới gửi lên. Và hình như họ cũng chỉ cần quan tâm đến các số liệu để tổng hợp.

4. Hãy khoan nói về sự đúng sai, tốt xấu trong cách làm và xử lý báo cáo nói trên, một vấn đề đặt ra: Như vậy có nhất thiết cứ phải làm báo cáo như cách hiện nay nhiều địa phương, nhiều ngành, cơ quan, đơn vị vẫn làm, nghĩa là có đầy đủ các nội dung từ tình hình thế giới đến trong nước, đơn vị… trên trời dưới biển, hay không? Hay nên “biểu mẫu hóa” báo cáo, nghĩa là cấp dưới chỉ cần cung cấp các số liệu bằng các biểu mẫu theo các tiêu chí mà cấp trên cần. Bên cạnh đó, nếu có những điểm gì đặc biệt thì phản ánh, phân tích, kiến nghị một cách ngắn gọn. Làm như thế sẽ thiết thực hơn, không nặng về hình thức, chỉ cần báo cáo cái mà cấp trên cần. Và như thế sẽ tiết kiệm được khá nhiều thời gian cho cả cấp báo cáo và cấp nhận báo cáo. Và người ta sẽ không còn ngại làm báo cáo.

5. Thiết nghĩ, trong cải cách hành chính, nên chăng cũng cần cải cách cách làm báo cáo.

TUỆ DUYÊN

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN