Cách tiếp cận đúng hướng

Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) vừa công bố báo cáo về chỉ số năng lực cạnh tranh toàn cầu (GCR), trong đó nền kinh tế Việt Nam đã có bước nhảy ngoạn mục lên thứ hạng 67, tăng 10 bậc so với năm ngoái.

Trong phần nhận xét chung, báo cáo của WEF nhấn mạnh: 10 năm kể từ khi xảy ra khủng hoảng tài chính toàn cầu, bất chấp nỗ lực của các ngân hàng trung ương đã bơm hơn 10.000 tỷ USD để tiếp sức, nền kinh tế thế giới vẫn sa lầy trong một chu kỳ năng suất thấp. Tuy nhiên, trong bối cảnh u ám chung, các nền kinh tế chọn cách tiếp cận toàn diện để giải quyết những thách thức về kinh tế-xã hội sẽ vươn lên thành điểm sáng.

Chú thích ảnh
Kinh tế Việt Nam liên tục tăng trưởng cao và ổn định trong những năm qua. Ảnh TTXVN 

GCR là một trong số ít các báo cáo kinh tế vĩ mô toàn cầu có uy tín mà các quốc gia trên thế giới có thể tham chiếu để đánh giá kết quả và nỗ lực điều hành kinh tế vĩ mô trong nước. Với lịch sử 40 năm thực hiện, GCR xếp hạng 141 quốc gia và nền kinh tế, dựa trên hơn 100 chỉ số trên nhiều lĩnh vực khác nhau từ năng lực đổi mới sáng tạo, nền tảng tài chính, quy mô thị trường tới y tế, giáo dục. Với tôn chỉ "đánh giá năng lực kiến tạo thịnh vượng cho người dân của các quốc gia", GCR không chỉ nhấn mạnh vào tốc độ tăng trưởng kinh tế mà còn kèm theo các yếu tố bền vững thể hiện ở tiềm năng tăng trưởng trong tương lai và sự gắn kết xã hội.

Có thể thấy việc Việt Nam trở thành một điểm sáng trong báo cáo là nhờ sự kết hợp hoàn hảo của hai yếu tố nói trên. GDP tăng trưởng liên tục và ổn định ở mức cao; lạm phát duy trì trong mục tiêu đặt ra; an ninh quốc phòng được đảm bảo... Trong khi đó, tinh thần cải cách thể chế kinh tế hừng hực từ phía chính phủ đang khơi dậy làn sóng khởi nghiệp trong dân tiếp tục minh chứng cho tiêu chí "gắn kết xã hội" được duy trì trong nhiều năm qua. Báo cáo của WEF ghi nhận rất cao các yếu tố này, qua đó giúp Việt Nam đạt điểm số cao nhất (100 điểm) cho hai chỉ số "tỷ lệ lạm phát ổn định nhất" và "mức độ xảy ra khủng bố thấp nhất".

Nhìn vào các chỉ số trong nước, thống kê mới nhất của Bộ Công Thương cho thấy kim ngạch xuất khẩu 9 tháng đầu năm đã tăng 8,2% so với cùng kỳ năm trước. Việc tham gia các hiệp định thương mại tự do với các cam kết cắt giảm thuế quan của các đối tác đối với hàng có xuất xứ Việt Nam đã làm tăng khả năng cạnh tranh và giúp hàng hóa của Việt Nam mở rộng thị phần tại các thị trường đối tác. Đáng chú ý, kim ngạch xuất khẩu của khu vực kinh tế trong nước tăng tới 16,4%, cao hơn nhiều so với khu vực có vốn đầu tư nước ngoài.

Trong khi đó, theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thông qua đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài trong 9 tháng đạt 26,16 tỷ USD, tăng 3,1% so với cùng kỳ năm 2018. Tỷ lệ vốn đầu tư/GDP cho phát triển toàn xã hội cũng tăng lên 33,4%, tiếp tục khẳng định xu hướng tăng dần đều trong các năm qua và thuộc loại cao trên thế giới. Điều này cho thấy một niềm tin rất lớn của các doanh nghiệp trong nước vào tinh thần cải cách, khuyến khích đầu tư của Chính phủ. Đó không chỉ là những chỉ thị hô hào suông, mà là những hành động, giải pháp cụ thể để tạo điều kiện tốt nhất cho một tinh thần khởi nghiệp đang dâng cao.

Thành tựu của một năm có được là nhờ những nỗ lực bền bỉ của nhiều năm trước đó cộng lại. Tiến trình cải cách thể chế trong thời gian qua của Việt Nam được thể hiện bằng việc ký kết và thực thi nhiều hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương, thúc đẩy cơ chế Một cửa quốc gia ASEAN; kết hợp với những cải cách ở trong nước như chương trình cắt giảm, đơn giản hóa 50% điều kiện kinh doanh và thủ tục hành chính kiểm tra chuyên ngành; thúc đẩy chính phủ điện tử và nền kinh tế số; xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo; nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh ở các địa phương...

Câu chuyện tăng trưởng kinh tế không nhất thiết phải đánh đổi với phát triển bền vững hay ổn định xã hội đã được nhiều quốc gia trên thế giới chứng minh. Sự ghi nhận của WEF cho thấy Chính phủ đang có cách tiếp cận đúng hướng trong điều hành vĩ mô, lấy ổn định là mục tiêu hàng đầu mà không theo đuổi thành tích tăng trưởng.

Vũ Hội
Việt Nam tăng 10 bậc năng lực cạnh tranh trong đánh giá của WEF
Việt Nam tăng 10 bậc năng lực cạnh tranh trong đánh giá của WEF

Trong "Báo cáo Năng lực cạnh tranh toàn cầu 2019", Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) đã ghi nhận sự tiến bộ vượt bậc của một số nền kinh tế, trong đó có Việt Nam, trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị và thương mại đang khiến kinh tế thế giới trở nên bất ổn, và có thể làm giảm tốc thương mại toàn cầu.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN