Cả nước vì Bắc Ninh, Bắc Giang

Đối diện với đợt dịch COVID-19 phức tạp và nguy hiểm nhất từ trước đến nay, có thể khẳng định ngay một điều, rằng Bắc Ninh, Bắc Giang và cả những vùng có dịch khác ở Việt Nam đều không đơn độc…

Tròn 1 tháng bùng phát đợt dịch COVID-19 thứ tư, Việt Nam đã ghi nhận những con số đáng lo ngại: Trên 3.100 ca mắc trong nước từ ngày 27/4/2021, trong tổng số trên 4.600 ca mắc trong nước kể từ khi dịch xuất hiện đầu năm ngoái. Kể từ ngày 14/5 đến hết 26/5, ngày nào số ca mắc mới trong cộng đồng cũng ở mức ba con số, cá biệt ngày 25/5 ghi nhận mức kỷ lục 444 ca. Mới đây thôi, ca tử vong đầu tiên không phải do bệnh lý nền cũng được ghi nhận, là công nhân khu công nghiệp và ở tuổi 38… Đây thực sự là đợt dịch khốc liệt nhất mà Việt Nam phải đối mặt, giữa lúc “sóng thần COVID-19” vẫn đang hoành hành và làm kiệt quệ nhiều khu vực trên thế giới, trong đó có Đông Nam Á.

Mặc dù đợt dịch này lây lan mạnh với các chùm ca bệnh rất phức tạp ở nhiều địa phương trên cả nước, nhưng Bắc Giang và Bắc Ninh hiện vẫn là những điểm nóng nhất của dịch bệnh với nhiều trường hợp F1 chuyển thành F0 một cách nhanh chóng. Đến thời điểm này, số ca mắc mới COVID-19 ở Bắc Giang đã vượt 1.500 ca - xấp xỉ con số lây nhiễm của cả nước ở cả 3 đợt dịch trước đó; còn Bắc Ninh cũng đã ghi nhận trên 600 ca mắc.

Nếu như các ca bệnh ở Bắc Giang chủ yếu là công nhân ở các khu công nghiệp, có nguy cơ lan ra dân cư, thì các ca bệnh ở Bắc Ninh lại chủ yếu ở khu dân cư, có nguy cơ lây lan vào các khu công nghiệp. Như vậy, có thể nói đợt xâm nhập dịch lần này đã tấn công trực diện vào “mục tiêu kép” mà Việt Nam phấn đấu duy trì sau một năm 2020 thành công ấn tượng cả về chống dịch lẫn phát triển kinh tế. Làn sóng dịch lần này có những biến thể mới của virus, xuất hiện ở khu vực tập trung đông công nhân, người lao động với môi trường tiếp xúc cao nên lại càng trở nên nguy hiểm, dễ lây lan rộng.

Những ngày qua, hình ảnh các lực lượng tuyến đầu ở Bắc Giang và Bắc Ninh kiệt sức sau những nỗ lực quên mình để khám chữa bệnh, xét nghiệm, truy vết, vận chuyển người cách ly… khiến cho bất cứ ai cũng không khỏi xúc động. Có những y, bác sĩ Bắc Giang không dám cởi bỏ bộ đồ bảo hộ kín mít giữa thời tiết oi bức khắc nghiệt đầu hè để… đi vệ sinh, vì “đồ bảo hộ khi cởi ra là phải bỏ, nếu liên tục cởi bỏ vừa mất thời gian vừa rất tốn kém”. Hay như chia sẻ của các nhân viên y tế ở Bắc Ninh thì “chúng tôi quên cả hôm nay là thứ mấy”, vì nơi tâm dịch đâu có ngày và đêm... Mồ hôi và cả những giọt nước mắt của các lực lượng nơi tuyến đầu đã đổ xuống, và đặc biệt là nguy cơ chính mình bị lây nhiễm virus là điều mà khó có huân huy chương nào có thể tưởng thưởng cho xứng.

Trân quý biết bao sự hy sinh, tận tâm, tận lực của lực lượng tuyến đầu ở Bắc Ninh, Bắc Giang và cả ở những vùng có dịch khác trên cả nước hiện nay, tất cả sức lực đó của họ không ngoài kiên trì thực hiện “mục tiêu kép” mà Chính phủ đã đề ra là bảo vệ sức khỏe của nhân dân trên hết, đồng thời bảo đảm không bị đứt gãy sản xuất, kinh doanh.

Và khi Bắc Ninh, Bắc Giang gọi, cả nước đã trả lời. Nhiều ngày qua, các đoàn bác sỹ, nhân viên y tế từ nhiều vùng miền khác nhau đã lên đường chi viện cho hai địa phương này. Ngay cả những vùng cũng đang là điểm nóng dịch bệnh như Hải Dương, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh… trong điều kiện của mình cũng đi theo lời kêu gọi “Cả nước vì Bắc Ninh, Bắc Giang” của người đứng đầu Chính phủ. Nhiều giảng viên, sinh viên y khoa đã “xếp bút nghiên” để lên đường tiếp ứng cho hai vùng tâm dịch. Thậm chí, nhiều người 40 - 50 tuổi cũng tình nguyện xin tham gia chống dịch theo lời kêu gọi khẩn cấp của Tỉnh đoàn Bắc Giang mới đây…

Cũng trong những ngày qua, bên cạnh những quyết sách kịp thời của Chính phủ để tập trung dập dịch và hỗ trợ Bắc Ninh, Bắc Giang, thì nhiều tập thể, cá nhân và doanh nghiệp trên cả nước đã khởi xướng, thực hiện nhiều chương trình quyên góp ủng hộ cho hai tỉnh này. Các trang thiết bị y tế, sinh phẩm xét nghiệm, test nhanh kháng nguyên... cùng nhiều tỷ đồng đã được trao tặng cho Bắc Ninh, Bắc Giang để phục vụ công tác phòng, chống dịch. Cũng có những món quà vô cùng nhỏ bé như bó rau, chục trứng gà… hay đơn sơ một cánh tay chào, nhưng lại khiến người ta rớt nước mắt. Sự động viên, khích lệ cả vật chất và tinh thần đó chính là nguồn động lực to lớn tiếp sức cho tuyến đầu vững bước “đánh giặc COVID”.

Có thể nói, càng khó khăn bao nhiêu thì tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái, lá lành đùm lá rách truyền thống ở người Việt Nam lại càng được thổi bùng lên và lan tỏa bấy nhiêu. Lịch sử hàng nghìn năm của dân tộc đã chứng minh. Và bây giờ cũng như vậy. Dù đây đó vẫn có những “con sâu làm rầu nồi canh” lơ là phòng, chống dịch, phớt lờ những biện pháp hạn chế và tệ hơn là trốn tránh cách ly, khai báo y tế, tiếp tay cho xuất nhập cảnh trái phép…, nhưng tất cả không thể che mờ được tinh thần chung sức chống dịch lấp lánh của cả đất nước. Chính tinh thần “không để ai bị bỏ lại phía sau” đã tạo nên điểm sáng trong các đợt dập dịch thành công trước đây ở Vĩnh Phúc, Đà Nẵng, Hải Dương… và điều đó vẫn đang tiếp tục được phát huy ở đợt dịch nguy hiểm nhất này, để chúng ta vững tin sớm khắc chế đại dịch một lần nữa.

Chú thích ảnh
Trung Sơn
Bộ Y tế chi viện thêm 300 nhân lực xét nghiệm cho Bắc Giang
Bộ Y tế chi viện thêm 300 nhân lực xét nghiệm cho Bắc Giang

Bộ Y tế vừa tiếp tục huy động thêm 300 nhân lực từ các tỉnh, thành như Hà Nội, Hải Dương… đến tâm dịch Việt Yên, Bắc Giang hỗ trợ chống dịch.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN