Bước tiến để ‘gần dân’ hơn

Một mô hình chính quyền địa phương với tầm nhìn dài hạn, tinh gọn, hiệu quả hơn, nhằm phục vụ người dân một cách gần gũi và sát sao hơn nữa, là đích đến của công tác cải cách thể chế, sắp xếp, tổ chức lại bộ máy chính quyền.

Chú thích ảnh
Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu khai mạc Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII. Ảnh: TTXVN

Phát biểu khai mạc Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII ngày 10/4, Tổng Bí thư Tô Lâm đã nhấn mạnh một trong những vấn đề quan trọng bậc nhất trong công tác cải cách thể chế hiện nay: Việc tiếp tục sắp xếp, tổ chức lại bộ máy chính quyền địa phương theo mô hình hai cấp. Nội dung này đã được tập trung phân tích, thảo luận thấu đáo với các ý kiến sâu sắc, thực tiễn.

Đây không chỉ là vấn đề tổ chức bộ máy hành chính mà còn là cuộc cách mạng trong cách thức phân cấp, phân quyền, cũng như cơ chế giám sát và trách nhiệm trong hệ thống chính trị.

Chú thích ảnh
Uỷ viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Lương Cường điều hành Phiên khai mạc Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII. Ảnh: TTXVN

Chủ trương cải cách tổ chức chính quyền hai cấp mà Tổng Bí thư nêu ra trong bài phát biểu mang tính lịch sử và đột phá. Mục tiêu là xây dựng một chính quyền địa phương tinh gọn, hiệu quả hơn, nhằm phục vụ người dân một cách gần gũi và sát sao. Đặc biệt, mô hình hai cấp chính quyền này sẽ góp phần cải thiện chất lượng phục vụ, đồng thời tạo điều kiện phát triển các địa phương, với tầm nhìn dài hạn cho ít nhất 100 năm tới.

Việc tổ chức chính quyền hai cấp là kết quả của quá trình xây dựng bộ máy nhà nước gắn với nguyên tắc phân quyền, phân cấp hợp lý, bảo đảm quản lý hiệu quả, gần dân và phục vụ dân tốt hơn. Mô hình này đã và đang hiện diện tại một số quốc gia trên thế giới như Nhật Bản, Singapore và Pháp, phát huy hiệu quả, giúp giảm chi phí hành chính, nâng cao tính minh bạch, trách nhiệm và gần gũi với người dân. Mô hình này giúp các cơ quan nhà nước có thể phát huy tối đa khả năng khi giải quyết những vấn đề thực tế mà không bị phân tán nhiệm vụ qua quá nhiều cấp.

Chú thích ảnh
Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 74/NQ-CP về Kế hoạch thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp. Ảnh minh họa: TTXVN

Tại nước ta, mô hình này được nghiên cứu và khẳng định đáp ứng nhiều tiêu chí. Trước tiên, với lãnh thổ trải dài, dân số đông, cơ cấu dân cư và địa hình rất đa dạng thì chính quyền hai cấp giúp chia nhỏ đơn vị quản lý, từ đó giảm áp lực cho cấp trung ương và tăng tính chủ động cho địa phương. Thêm vào đó, cấp cơ sở nắm sát tình hình, từ đó có thể giải quyết vấn đề nhanh hơn, phù hợp hơn với thực tiễn. Bên cạnh đó, mô hình hai cấp cho phép cấp trên kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc triển khai, thực thi nhiệm vụ ở cấp dưới, đồng thời lắng nghe trực tiếp thực tế triển khai các chính sách, là một trong những biện pháp để chống quan liêu, tham nhũng và thiếu minh bạch. Bản thân mô hình chính quyền 2 cấp cũng góp phần tăng cường khả năng huy động nguồn lực, giúp địa phương chủ động kêu gọi, tổ chức các dịch vụ công, quản lý ngân sách phù hợp hơn với nhu cầu dân sinh. Việc sắp xếp lại đơn vị hành chính tại các địa phương sẽ giúp tăng cường tính chủ động trong giải quyết công việc, giảm thiểu những vướng mắc do quá nhiều cấp chính quyền trung gian. Khi các đơn vị hành chính được tinh gọn và chính quyền hai cấp được tổ chức hợp lý, bộ máy nhà nước sẽ vận hành hiệu quả hơn, người dân sẽ được phục vụ nhanh chóng và thuận tiện hơn, không còn phải chịu cảnh xin phép, chờ đợi qua nhiều khâu trung gian như hiện nay.

Trên thực tế, với hơn 100 triệu dân và địa hình trải dài từ Bắc vào Nam, mỗi vùng miền của nước ta có những đặc thù riêng, việc triển khai thiết lập mô hình chính quyền địa phương hai cấp tại nước ta không thể một sớm một chiều. Tuy nhiên, đây là giải pháp cấp thiết để giảm bớt sự chồng chéo và cồng kềnh trong bộ máy hành chính, đồng thời là lực đẩy mạnh mẽ cho phát triển đất nước, mở ra một tương lai ổn định và bền vững.

Chú thích ảnh

Như Tổng Bí thư đã phân tích, việc triển khai chính quyền hai cấp là một bước tiến đột phá và mang tính chiến lược nhằm hoàn thiện bộ máy nhà nước, mang lại hiệu quả quản lý cao hơn và gần dân hơn. Tuy nhiên, để mô hình này thực sự phát huy hiệu quả, cần phải có quá trình chuẩn bị kỹ lưỡng, từ việc điều chỉnh cơ cấu tổ chức, đến việc sử dụng tài nguyên, nhân sự một cách khoa học và hợp lý, đảm bảo bộ máy chính quyền sẽ không chỉ được tinh gọn về mặt số lượng, mà còn phải được xây dựng trên cơ sở phân cấp hợp lý, minh bạch và gần gũi với người dân.

Khi áp dụng mô hình chính quyền hai cấp, không chỉ đơn giản là sáp nhập các đơn vị hành chính, mà cần phải xem xét lại cách phân bổ tài nguyên, cơ sở vật chất (trong đó có các trụ sở làm việc) và phân công nhân sự sao cho hợp lý và hiệu quả nhất. Cần đảm bảo rằng tài sản và nguồn lực con người không bị lãng phí mà phải được sử dụng tối ưu để phục vụ nhiệm vụ công, tránh cảnh thừa thãi về các đơn vị làm việc mà không thể giải quyết hết công việc, ngược lại lại tạo ra sự chồng chéo công việc và gây tốn kém. Việc này sẽ giúp giảm thiểu sự lãng phí tài sản công, đồng thời tối ưu hóa năng lực và chất xám của đội ngũ cán bộ công chức, từ đó nâng cao chất lượng công việc.

Quan trọng nhất, việc sắp xếp lại các đơn vị hành chính không thể chỉ dừng lại ở giảm số lượng các cấp chính quyền mà cần phải bảo đảm rằng các nhiệm vụ công vẫn được thực hiện trơn tru và hiệu quả ở các địa bàn rộng, đặc biệt là ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, nơi mà mạng lưới dịch vụ công chưa phát triển đầy đủ. Để làm được điều này, một trong những giải pháp là tăng cường phân quyền cho các đơn vị hành chính cấp dưới, tạo điều kiện cho chính quyền các địa phương có thể chủ động quyết định các vấn đề phù hợp với thực tiễn, giảm bớt thủ tục hành chính, từ đó giúp các địa phương phát triển mạnh mẽ hơn.

Như đã nêu, mô hình chính quyền hai cấp là một đổi mới mang tính lịch sử và đột phá. Sự đổi mới này sẽ chỉ có thể thành công nếu tất cả các cấp chính quyền, cán bộ công chức, và người dân đều nhận thức rõ vai trò, trách nhiệm của mình trong quá trình thay đổi này. Vậy nên, trước mắt, mỗi ngành, mỗi địa phương, mỗi đơn vị cần tiếp tục làm rõ các nhiệm vụ cụ thể, hoàn thiện cơ chế, chính sách, để đảm bảo chính quyền hai cấp không chỉ là một quyết định về tổ chức mà thực sự là một bước phát triển quan trọng của hệ thống chính trị. Đặc biệt, trong khi các chính sách lớn đang được thảo luận xây dựng và triển khai, thì điều quan trọng là tránh làm gián đoạn các hoạt động sản xuất, kinh doanh cũng như đời sống dân sinh, cũng như giải quyết những vấn đề phát sinh trước mắt. Tất cả để đảm bảo rằng việc triển khai chính quyền hai cấp là bước đi cần thiết trong quá trình cải cách hành chính của Việt Nam, giúp đất nước phát triển mạnh mẽ, bền vững trong kỷ nguyên mới.

Thùy Hương
Phát biểu khai mạc của Tổng Bí thư Tô Lâm Tại Hội nghị Trung ương 11 khóa XIII
Phát biểu khai mạc của Tổng Bí thư Tô Lâm Tại Hội nghị Trung ương 11 khóa XIII

Sáng 10/4, Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã khai mạc trọng thể tại Thủ đô Hà Nội. Tổng Bí thư Tô Lâm chủ trì, phát biểu khai mạc Hội nghị.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN