Bảo hiểm nông nghiệp (BHNN) đã được thực hiện tại nhiều nước có nền nông nghiệp hiện đại. Ở nước ta BHNN cũng đã được triển khai từ nhiều năm trước nhưng không mang lại thành công như mong muốn. Nguyên nhân là do sản xuất nông nghiệp ở nước ta có nhiều rủi ro vì điều kiện thời tiết, trình độ canh tác, qui trình sản xuất và hệ thống pháp luật liên quan đến BHNN chưa hoàn chỉnh. Nhiều doanh nghiệp bảo hiểm đã vào cuộc nhưng người nông dân chưa hưởng ứng, quĩ BHNN không đáng kể.
Thực tế cho thấy sản xuất nông nghiệp ở nước ta luôn phải hứng chịu nhiều thiên tai, dịch bệnh làm ảnh hưởng tiêu cực đến cây trồng và vật nuôi, nhiều hộ nông dân đã trắng tay hoặc lâm vào hoàn cảnh khó khăn sau những thiên tai và dịch bệnh. Trong hoàn cảnh đó, BHNN thực sự là cần thiết với người nông dân nói riêng và nền sản xuất nông nghiệp nói chung. Vì vậy, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định triển khai thí điểm BHNN từ năm 2011 đến 2013 trên phạm vi 21 tỉnh cho gia súc, gia cầm, nuôi trồng thủy hải sản và cây trồng. Cái mới và cũng là tính ưu việt của quyết định này là Chính phủ sẽ hỗ trợ 100% phí bảo hiểm cho hộ nông dân nghèo, 80% cho hộ cận nghèo và 60% cho hộ không thuộc diện nghèo.
Có BHNN nông dân đã có một điểm tựa hay là “giá đỡ” để vượt qua những rủi ro trong sản xuất, bảo đảm cuộc sống và duy trì sản xuất sau những thiên tai, dịch bệnh. Nhưng BHNN không chỉ đơn giản là để người nông dân đến nhận tiền bồi thường thiệt hại mà điều quan trọng hơn, khi đã có BHNN thì người nông dân sẽ tự tin hơn để chủ động thay đổi phương thức sản xuất tạo ra sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao, đủ sức cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng với nền kinh tế thế giới. Theo ý nghĩa đó, BHNN không chỉ nhắm đến mục đích giảm thiểu rủi ro cho nông dân mà quan trọng hơn là vì sự phát triển bền vững của nền sản xuất nông nghiệp nước nhà; đồng thời cũng tạo thêm nguồn lực cho chương trình xây dựng nông thôn mới và thực hiện chính sách “tam nông” của Đảng và Nhà nước ta.
Tuy nhiên, cũng cần phải nhấn mạnh rằng, chính sách hỗ trợ BHNN của Chính phủ đối với 21 tỉnh chỉ là hỗ trợ ban đầu mang tính chất thí điểm. Chính phủ không thể đóng BHNN thay cho nông dân mãi mãi mà chính người nông dân phải có ý thức về việc tham gia BHNN vì quyền lợi sát sườn của mình. Song, trong điều kiện sản xuất nhỏ lẻ, manh mún chưa hình thành một nền sản xuất hàng hoá với nhiều nơi, không có một qui trình sản xuất nông nghiệp khoa học thì rủi ro cao, hiệu quả thấp; khiến nông dân không có khả năng mua bảo hiểm và doanh nghiệp bảo hiểm cũng ngán ngại.
Do đó với quyết định hỗ trợ BHNN cho nông dân của Chính phủ sẽ như một sự tạo đà, một gói kích cầu để nông dân tự tin và chủ động sáng tạo trong sản xuất nhằm làm cho nền sản xuất nông nghiệp phát triển bền vững; đồng thời đưa chính sách BHNN vào thực tiễn, bảo đảm quyền lợi hài hòa giữa Nhà nước, nhà nông và doanh nghiệp bảo hiểm.
Nguyễn Quang Vinh