Vụ từ chức tập thể cách đây ít ngày của 11 Bộ trưởng thuộc Phong trào Hồi giáo vũ trang Hezbollah và đồng minh ở Libăng đã ngay lập tức khiến chính phủ của Thủ tướng Saad Hariri sụp đổ.
Và sau mỗi lần chính phủ tan rã như cơm bữa của đất nước từng được coi là “Thụy Sĩ của Trung Đông” này, người ta lại rút thêm được bài học nữa về chủ quyền quốc gia, sức mạnh dân tộc, cũng như những con dao không chỉ hai, mà là nhiều lưỡi của bên ngoài.
Chính phủ Libăng bị chết yểu âu cũng là quy luật tất yếu. Thủ tướng đương nhiệm Saad Hariri được phương Tây hậu thuẫn, trong khi Hezbollah, chiếm tới 1/3 số ghế trong chính phủ ấy, luôn cả tự coi lẫn được coi là “quả đấm thép” để bảo vệ an ninh cho Libăng, vẫn bị phương Tây coi là tổ chức khủng bố, làm cho chính phủ này luôn trong cảnh “đồng sàng, dị mộng”, là cuộc hôn nhân bất đắc dĩ, để rồi mỗi bên lại dựa vào một, hay một nhóm nước ngoài nào đấy, chống lại bên kia. Như thế, chính phủ ấy không đổ sớm mới là lạ!
Từ nhiều thập kỷ nay, Libăng luôn bị xáo động bởi những cuộc tranh giành ảnh hưởng, lợi ích giữa các tôn giáo và hơn 70 đảng phái chính trị, dẫn đến những cuộc nội chiến đẫm máu, để rồi họ phải “trải thảm đỏ” mời quân nước ngoài tới, khiến đất nước này mang tiếng là của người Libăng đấy, nhưng trên thực tế, người ngoại bang mới là những ông chủ thực sự ở đây.
Ngay cả cái chính phủ vừa sụp đổ kia cũng đã phải nhờ đến bàn tay dàn xếp của nước ngoài cách đây một năm rưỡi mới có thể ra đời được, dù ai cũng thừa biết nó hoàn toàn không đủ mạnh để cai quản một đất nước luôn bị chia năm sẻ bảy này.
Và nữa, do lực bất tòng tâm, nên từ lâu lắm rồi, các chính quyền kế tiếp nhau ở Libăng cứ phải ngậm đắng, nuốt cay chấp nhận để cho phe đối lập (Hezbollah) mạnh hơn mình, được lòng dân hơn mình và đương nhiên là lấn lướt mình, đến mức ai ai cũng thừa nhận đấy là một hình thức “Nhà nước trong nhà nước”. Lại thêm một bài học đắt giá về quản trị quốc gia.
Một con người để mất chính mình, chỉ biết “tát nước theo mưa” thì khó mà đứng vững trong xã hội đầy nhiễu nhương, với những biến hóa khôn lường của các khái niệm đúng - sai, tốt - xấu. Rộng ra, một cộng đồng khó mà tồn tại nếu luôn bị xô đẩy, chèo kéo từ bên ngoài vốn chỉ nhằm trục lợi. Và cũng như vậy, một chính phủ ắt phải sụp đổ khi không đủ mạnh để tự cai quản đất nước, mất khả năng tự chủ và quyền tự quyết.
Tiếc rằng những thông tin mới nhất cho thấy Libăng không phải là trường hợp duy nhất: Chỉ vì thiếu cái quyền tự quyết ấy mà chính phủ của ông Yousuf Gilani ở Pakixtan đã suýt phải sụp đổ khi các đối tác trong liên minh cầm quyền “phá ngang”; và cũng vì Tổng thống Ben Ali thiếu quyết đoán, mất bình tĩnh sau vụ tự thiêu của một thanh niên đã kéo theo các cuộc biểu tình có đổ máu, và đình công trên cả nước, khiến chính phủ Tuynidi phải sụp đổ, và đương nhiên, vị tổng thống mà đã hơn hai chục năm qua luôn được coi là không có đối thủ ở đất nước Bắc Phi này phải chạy trốn ra nước ngoài, v.v.
Dù còn rất nhiều dẫn chứng khác nữa, nhưng Libăng vẫn là bài học đầy đủ nhất cho những ai còn chưa thực sự là chính mình, cho những nhóm người, đảng phái nào còn “xao xuyến” trước những lời dụ dỗ ngon ngọt từ bên ngoài, và cho tất cả mỗi con người, mỗi dân tộc khi không thể tự giải quyết được những vấn đề của chính mình…
Bích Liên