Bài học dệt may

Ngành dệt may vừa lập một kỷ lục ngoạn mục trong năm 2010: Đứng trong TOP 5 thế giới về kim ngạch xuất khẩu. Cũng trong năm 2010, dệt may còn có một con số ấn tượng nữa: Doanh thu nội địa cả năm đạt trên 1.000 tỷ đồng. Có thể nói, 2010 là năm thắng lợi của toàn ngành dệt may, trên cả 2 phương diện “đối nội và “đối ngoại”.

Một thành công thường có nhiều nguyên nhân. Nhưng với dệt may, có một điều nổi bật là các doanh nghiệp trong ngành đã rất tích cực, chủ động đến với “thượng đế”. Với thị trường trong nước, dễ nhận thấy là ở các đô thị, hệ thống đại lý, cửa hàng phân phối sản phẩm dệt may thương hiệu Việt đã phát triển rất mạnh.


Còn ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, hàng may mặc nội địa cũng đã tìm nhiều cách để phục vụ bà con. Với hệ thống phân phối này, người tiêu dùng dễ dàng tìm thấy sản phẩm chính hãng mình cần, không lo hàng giả, cũng không lo giá bán bị đẩy lên.

Đó là “đối nội”. Còn trên phương diện “đối ngoại”, các đơn vị dệt may được đánh giá là đã chớp được thời cơ để ký kết được nhiều hợp đồng xuất khẩu, phát triển những thị trường mới... Suy cho cùng, đó cũng là thành quả của việc doanh nghiệp tích cực tìm đến với “thượng đế”.

Vừa qua, có một “câu chuyện hàng Việt” rất đáng chú ý: Tỉnh giáp biên Lạng Sơn, lâu nay mệnh danh là “lãnh địa hàng nhập khẩu” bởi làn sóng hàng hóa giá rẻ từ bên kia biên giới dồn dập tràn về.


Nhưng gần đây, với các đợt đưa hàng Việt về với xứ Lạng, người dân sở tại đã dần “nói không” với hàng ngoại. Và bà con nói rằng, thực ra trước kia họ cũng muốn mua hàng Việt nhưng không biết mua ở đâu. Đủ thấy khâu phân phối quan trọng đến thế nào.

Có một câu chuyện khác cũng rất đáng chú ý. Đó là theo nhiều chuyên gia kinh tế, trong khâu phân phối sản phẩm một số ngành của ta, còn tồn tại quá nhiều khâu trung gian, làm cho người tiêu dùng không được tiếp xúc với đại diện chính hãng, dẫn đến nghi ngờ về chất lượng hàng hóa và họ lại phải chịu giá bán quá cao.

Có thể nói, ngành dệt may đã nêu một bài học: Nhà sản xuất, bên cạnh việc làm ra những sản phẩm tốt, còn phải cần chủ động đưa hàng hóa đến với “thượng đế”. Làm cho bên cung, bên cầu gặp nhau, đó chính là lời giải của bài toán phát triển.

Hà Nguyễn

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN