Bắc Cực nóng

Cuộc tranh giành ảnh hưởng và chủ quyền ở Bắc Cực vốn âm ỉ lâu nay đã lại bùng lên cùng với tuyên bố mới đây của NATO về một cuộc tập trận lớn ở khu vực này. Không chỉ có sự hấp dẫn về dầu mỏ và các loại khoáng sản, với vị trí quan trọng và những tuyến đường biển thuận lợi qua khu vực này, Bắc Cực thực sự đang trở thành một trọng tâm mới của các cường quốc trên thế giới khi những nước này đang liên tục tung ra các chiến lược với tham vọng trở thành bá chủ vùng đất băng giá này.

Cuộc đua giành quyền kiểm soát tại Bắc Cực bắt đầu tăng nhiệt khi Nga cắm lá cờ quốc gia bằng titan ở độ sâu 4.261 mét tại vùng biển Bắc vào tháng 8/2007. Mặc dù động thái trên được cho là mang tính biểu tượng song cũng thể hiện rõ quyết tâm của Mátxcơva muốn xác định chủ quyền ở hầu hết khu vực Bắc Cực. Ngay lập tức, NATO, Liên minh châu Âu (EU) và các nước có biên giới giáp với Bắc Băng Dương cũng xúc tiến các động thái nhằm khẳng định chủ quyền của mình. NATO tuyên bố Bắc Cực là khu vực mang lợi ích chiến lược lâu dài đối với tổ chức này vì vậy Bắc Cực phải nằm trong kế hoạch an ninh của các nước trong liên minh. EU cũng nhảy vào cuộc khi Nghị viện EU thông qua một hiệp ước quốc tế nói rằng Bắc Cực là một khu vực không thuộc chủ quyền của bất cứ quốc gia nào.

Song song với các tuyên bố, các nước công bố các kế hoạch quân sự. Mới đây nhất là thông báo của NATO về cuộc tập trận mang tên "Phản ứng Lạnh 2012" từ ngày 12 - 21/3 với sự tham gia của hơn 16.000 quân cùng tàu chiến và máy bay chiến đấu của Mỹ, Anh, Đan Mạch, Canađa, Hà Lan, Na Uy, Pháp và Thụy Điển. Động thái này được cho là đối phó lại với việc Nga đang đẩy mạnh sự hiện diện quân sự tại Bắc Cực thông qua công bố kế hoạch triển khai tàu chiến hiện đại. Thậm chí, Nga còn thông báo dự định thành lập một lực lượng quân sự riêng để bảo vệ lợi ích của Nga tại khu vực.

Tuy nhiên, cho đến thời điểm này, mọi mâu thuẫn liên quan đến Bắc Cực vẫn chỉ dừng ở các tuyên bố và những động thái thăm dò. Nga và NATO đều khẳng định sẽ giải quyết bất đồng trên cơ sở hòa bình.

Bầu không khí Bắc Cực đang nóng dần lên vì cuộc chạy đua tranh giành chủ quyền. Tuy nhiên, dù có bất đồng về toan tính chiến lược, các bên vẫn cần phải loại bỏ những cái đầu nóng và bình tĩnh cùng thương lượng. Chắc chắn việc biến Bắc Cực trở thành một khu vực hợp tác quốc tế hiệu quả sẽ có lợi ích hơn rất nhiều việc đối đầu về quân sự.

Cẩm Tuyến

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN