Bỉ vừa thoát khỏi cuộc khủng hoảng chính trị kéo dài nhất trong lịch sử sau khi liên minh cầm quyền mới của Thủ tướng Elio Di Rupo tuyên thệ nhậm chức chiều ngày 5/12. Cuộc khủng hoảng này bắt đầu từ sau cuộc bầu cử Quốc hội ngày 13/6/2010, do bất đồng giữa các chính đảng của cộng đồng nói tiếng Pháp và cộng đồng nói tiếng Hà Lan. Các cuộc thương lượng kéo dài từ đó cho tới nay đã khiến nước Bỉ bất đắc dĩ lập kỷ lục thế giới với 541 ngày trong tình trạng vô chính phủ.
Vương quốc Bỉ lâu nay bị chia rẽ nặng nề. Cộng đồng nói tiếng Hà Lan thường phàn nàn rằng nền kinh tế phát triển hơn của họ phải bao cấp cho cộng đồng nói tiếng Pháp với những thành phố kém phát triển hơn. Đáp lại, cộng đồng nói tiếng Pháp tuyên bố không muốn phục tùng một nước Bỉ luôn bị thống trị bởi người nói tiếng Hà Lan. Căng thẳng tăng cao tưởng chừng như nước Bỉ đang đứng trước nguy cơ ly khai. Những xung đột về lợi ích kinh tế và chính trị này đã khiến các chính đảng của hai cộng đồng không thể bắt tay nhau để thành lập chính phủ. Nước Bỉ càng bị dồn ép nhiều hơn khi khủng hoảng chính trị lại xảy ra vào đúng thời điểm nền kinh tế khó khăn do ảnh hưởng từ khủng hoảng tài chính của Mỹ và châu Âu. Chính vì vậy, việc Brúcxen lại có người lãnh đạo sau hơn 18 tháng hỗn loạn đã làm không ít người dân vui mừng. Tất nhiên, chìa khóa để khai thông khủng hoảng chính trị vẫn là kinh tế. Sáu chính đảng lớn của Bỉ đã đạt được thỏa thuận về việc giảm thâm hụt ngân sách năm 2012 xuống còn 2,8% GDP và đảm bảo đến năm 2015 sẽ cân bằng ngân sách nhằm đáp ứng các yêu cầu của châu Âu.
Có thể nói đây là kỳ tích đầu tiên của tân Thủ tướng Di Rupo khi kết hợp được hai cộng đồng vào thời điểm căng thẳng nhất. Tân Thủ tướng đã kêu gọi người dân đoàn kết nhằm đưa đất nước thoát khỏi khỏi khủng hoảng và xây dựng nền kinh tế thịnh vượng. Tuy nhiên, đây không phải là nhiệm vụ dễ dàng khi Thủ tướng mới phải cầm cương một liên minh có tới sáu đảng. Sự tồn vong của chính phủ mới hoàn toàn phụ thuộc vào triển vọng đoàn kết được hai cộng đồng lớn nhất Bỉ để có thể thực hiện được những quyết sách quan trọng. Rõ ràng chỉ có những biện pháp hữu hiệu thúc đẩy phát triển kinh tế và khôi phục hệ thống tài chính mới cứu vãn được nền chính trị quốc gia này.
Cuộc khủng hoảng của Bỉ đã thấy ánh sáng cuối đường hầm. Tuy nhiên, tia sáng này có thể khai thông hoàn toàn được đường hầm hay không vẫn còn là một vấn đề khó giải đáp.
Cẩm Tuyến