Ý kiến bạn đọc về “trào lưu tâm thư”

Dư luận hiện rất quan tâm đến việc các thí sinh thi vào Học viện CSND bị trượt do án tích của cha, sau khi viết tâm thư đã được Bộ Công an đồng ý cho vào học.


Nếu cứ trượt, viết “tâm thư” là lại được vớt vào ĐH, thì liệu có công bằng với những thí sinh khác. Ảnh: kenhtuyensinh.vn


Bạn đọc Trung Tuyến:

Ngày mình còn bé, cái thời bao cấp, đói khổ, mỗi khi nghe nói đến hai chữ "tâm thư" thấy điều gì đó rất thiêng liêng, kiểu những bức thư viết bằng máu xin đi ra chiến trường đánh giặc, hay những lời nói thẳng, nói thật của nhân sĩ trí thức "comment" với chính quyền về vận nước. Tóm lại, ít ra thì "tâm thư" cũng có tầm kiểu như “Thất trảm sớ” của người xưa.

Giờ, "tâm thư" hầu hết đều là đôi lời kể khổ của những người không may, hoặc dăm ba dòng thanh minh bê bối của các anh chị làng showbiz.

So sánh vậy mới nhận thấy rằng, bây giờ mà nói chuyện cái tâm mới thực là tầm phào.

Bạn đọc Thanh Hằng:

Thời gian qua liên tục có các “tâm thư" vì bố có tiền án. Phàm có quá khứ không tốt, chẳng ai muốn nhắc lại. Càng không muốn con cái biết. Bằng chứng là cả bố mẹ của hai thí sinh đều nói "đã quên", mà mình tin, không ai có thể quên "vết" đó. Vậy mà chỉ vì không vào được trường công an, trong khi vẫn còn cơ hội khác, các bạn ấy nỡ la làng lên, khiến cả nước biết ông bố từng có án. Nói thật, bị "vạch mặt" tội buôn lậu và chống người thi hành công vụ ở tầm... quốc gia thế, không ai thích thú đâu. Lại nữa, cứ quyết vào công an trong bối cảnh miễn cưỡng, là chưa nghĩ xa. Đành rằng học trường công an, bố mẹ không phải nuôi, ra trường không lo xin việc. Nhưng phía trước còn cả một cuộc đời dài dặc, có cần phải bằng mọi giá thế không?

Nói thật, cái gì đã phải chiếu cố với ưu tiên thì trong mắt mọi người cũng không còn như bình thường! Chính mình, ai được nhận vào cơ quan nào đó, hay làm sếp vì những lý do phi chuyên môn, không bao giờ mình coi trọng!

Trong bối cảnh tất cả đồng nghiệp đều có lý lịch không tì vết, một mình lại có bố dính án, sẽ là môi trường sống không đơn giản!

Nếu em đã học giỏi, lo gì cả việc học lẫn công việc, nhất là khi em đã có vài trường đón nhận và tặng học bổng! Không vào công an, em vẫn còn nhiều cơ hội an toàn, phẳng lặng hơn. Cá nhân mình nghĩ, khôn ngoan nhất, muốn quá khứ thật sự ngủ yên - đó là cách có hiếu với bố mẹ - thì em nên chọn trường khác, đặc biệt là trong bối cảnh lý lịch vẫn là một vấn đề! Sẽ chẳng lo ai moi móc chuyện tiền án của bố em ra nếu em ở ngành nghề mà chuyện lý lịch không là quan trọng. Và cơ hội phấn đấu cũng lạc quan hơn!”.

Bạn đọc Nguyễn Hương:

Sao không ai nói cho các cháu hiểu: Luật thì phải tuân thủ. Chứ cứ châm chước thì xã hội loạn hết. Mà các lãnh đạo cũng phải dứt khoát tuân thủ luật, chứ cứ châm chước ai xin gì cho nấy, thì sao mà cho cả xã hội được.

Bạn đọc Hà Mai:

Đã có quy định tuyển sinh thì nên thực hiện nghiêm túc. Mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật. Dù sao cũng không nên xin xỏ bằng được để vào trường thế này. Bé tí đã chấp nhận mất danh dự để đạt mục đích, thì lớn lên sẽ thế nào đây.

Bạn đọc Hoài Thu:

Cũng bởi ta đã tạo ra một “tiền lệ” khi chấp nhận “tâm thư” của một thí sinh và “phá rào” cho em đỗ, nên mới dẫn tới “mưa tâm thư” như hiện nay. Em nào trượt cũng lại lăm le viết tâm thư, âu tìm một con đường đỗ cho mình. Nếu các em thật sự giỏi, sao không chấp nhận làm lại, vào một trường khác, tìm một ngành khác, phù hợp với những tiêu chuẩn mà các em đạt được; thay vì xin xỏ, buộc các cơ quan quản lý phải “lách luật” như vừa qua.

Rõ ràng các em viết tâm thư đều không phải bị oan, mà các em có vi phạm các quy định về xét tuyển của trường, của ngành giáo dục... Vậy tại sao đã đề ra quy định, mà chính những người ở vị trí cao nhất của ngành lại tự phá quy định, giải quyết bằng tình như vậy? Liệu cái nghiêm của luật sẽ đi đâu, về đâu sau những chuyện như thế này. Chưa kể, với những trường hợp được chiếu cố này, họ đã làm thiệt thòi cho những trường hợp vào học một cách “danh chính ngôn thuận”, hoặc những trường hợp tương tự họ, nhưng chấp nhận trượt, vì không viết tâm thư!
    
AM (ghi)
Trào lưu “tâm thư”: Vẫn cần làm theo “lý”
Trào lưu “tâm thư”: Vẫn cần làm theo “lý”

Thời gian qua, dư luận rất quan tâm đến hàng loạt các vụ việc như thí sinh treo biển được Bộ trưởng Bộ GD - ĐT “vớt” đỗ, hai thí sinh thi vào học viện Cảnh sát Nhân dân bị trượt do án tích của cha, sau khi viết tâm thư đã được Bộ Công an đồng ý cho vào học. Việc làm này đã được một bộ phận dư luận xã hội hoan nghênh, coi như cách làm có tình có lý của các cơ quan chức năng. Nhưng nhiều ý kiến cho rằng, điều này lại thể hiện sự thiếu chuyên nghiệp trong hoạt động của các cơ quan chức năng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN