Bộ Giáo dục và Đào tạo đã công bố Hướng dẫn xác định tiêu chí đảm bảo chất lượng đầu vào đại học, cao đẳng 2014, trong đó nêu rõ: Sau khi có kết quả kỳ thi đại học, cao đẳng, Bộ sẽ công bố 3 - 4 mức điểm xét tuyển cơ bản... Việc có nhiều mức điểm này đã vấp phải ý kiến trái chiều của các nhà giáo, nhà quản lý, chuyên gia giáo dục.
Nguy cơ các trường “vét” thí sinh kém
Theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD - ĐT), mức điểm xét tuyển cơ bản này là tổng điểm 3 môn thi không nhân hệ số. Đồng thời, 3 - 4 mức điểm này được tính từ cao xuống thấp, cho từng khối thi. Căn cứ vào đó, các trường sẽ lựa chọn điểm chuẩn phù hợp nhưng bắt buộc phải dựa trên mức xét tuyển cơ bản nêu trên.
Các Sở Giáo dục và Đào tạo phía Nam bàn giao hồ sơ đăng ký dự thi cho các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn TP Hồ Chí Minh. Ảnh: Phương Vy-TTXVN |
Ngoài quy định “cứng” như trên, Bộ GD - ĐT cũng cho phép các trường, trong trường hợp cần thiết, có thể nhân hệ số môn thi chính để lựa chọn những thí sinh phù hợp. Tuy nhiên, nếu chọn cách làm này, trường phải công khai trước ngày 20/5 hàng năm.
Dự thảo quy định này của Bộ GD - ĐT đã gặp phải những ý kiến phản đối. Nhiều chuyên gia giáo dục cho rằng, đưa ra quy định như vậy sẽ tạo điều kiện cho các trường ngoài công lập - vốn gặp khó khăn trong tuyển sinh - có thể tiến hành tuyển sinh bao giờ đủ chỉ tiêu mới dừng.
Theo hướng dẫn này, Bộ GD - ĐT quy định đối với các trường, ngành không qui định môn thi chính: Xác định và công bố công khai mức điểm xét tuyển cơ bản và điểm chuẩn xét tuyển vào trường hay vào từng ngành của trường. Điểm chuẩn xét tuyển này không được thấp hơn mức điểm xét tuyển vào ĐH, CĐ mà Bộ đã công bố và trường đã lựa chọn.
Với các trường, ngành đã công bố môn thi chính: Xác định và công bố công khai mức điểm xét tuyển cơ bản và điểm chuẩn xét tuyển có tính đến hệ số của môn chính. Nguyên tắc xác định điểm chuẩn xét tuyển trong trường hợp này là giá trị trung bình của điểm chuẩn xét tuyển có tính đến hệ số của môn chính không được thấp hơn giá trị trung bình của mức điểm xét tuyển cơ bản vào ĐH hoặc CĐ đã được Bộ công bố và trường đã lựa chọn (các điểm trung bình này được làm tròn với 2 số lẻ). |
Phó trưởng phòng Đào tạo, ĐH Mỏ - Địa chất Hà Nội, ông Lê Trọng Thắng, khẳng định: “Bộ nói đưa ra quy định này để đảm bảo chất lượng đầu vào, nhưng nhìn vào thực tế không phải như vậy. Nếu quy định chỉ để các trường ngoài công lập tuyển sinh được, thì sẽ không đảm bảo chất lượng. Phải nhìn nhận thực tế là các trường ngoài công lập từ nhiều năm “thất thu” trong tuyển sinh là hậu quả của việc ồ ạt mở trường”.
Chia sẻ về điều này bà Lê Thị Thu Thủy, Trưởng phòng Đào tạo, ĐH Ngoại Thương cho rằng, quy định “Bộ GD - ĐT cũng cho phép các trường nếu trong trường hợp cần thiết có thể nhân hệ số môn thi chính để lựa chọn những thí sinh phù hợp” đồng nghĩa với việc số lượng thí sinh có đủ điều kiện xét tuyển tăng hơn nếu nhiều trường áp dụng tiêu chí nhân hệ số.
“Ở mỗi khối thi xét tuyển cho nhiều ngành, một ngành lại tuyển ở nhiều khối, đồng thời lại còn vấn đề cộng điểm ưu tiên nữa, như vậy sẽ gây khó khăn trong công tác tuyển sinh. Mức điểm xét tuyển mà chỉ để tháo gỡ khó khăn của các trường khó tuyển thì không hợp lý. Điều này sẽ kéo theo chất lượng đầu vào xuống thấp”, GS Phạm Minh Hạc, nguyên Bộ trưởng Bộ GD - ĐT, nhấn mạnh.
Không mới
Nguyên Bộ trưởng Bộ GD - ĐT Phạm Minh Hạc cho biết, cách đưa ra 3 - 4 mức điểm xét tuyển cơ bản cho từng khối thi thực chất không khác gì điểm sàn đã áp dụng trong nhiều năm nay. Quy định này không giải quyết được vấn đề cốt yếu là đảm bảo chất lượng giáo dục.
Để nhà trường thuận lợi hơn trong tuyển sinh, theo các chuyên gia, Bộ cần đưa ra một mức điểm thấp nhất mà thí sinh phải đạt được. Chúng tôi băn khoăn là mức điểm của Bộ được xây dựng trên tiêu chí nào. Nhìn vào mức xét tuyển cơ bản như trên có thể tiên lượng rằng điểm đầu vào có thể thấp hơn những năm trước, như vậy sẽ rất khó đảm bảo chất lượng đầu vào”, ông Lê Hữu Lập, Phó Hiệu trưởng Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông, cho biết.
Ông Hoàng Minh Sơn, Trưởng phòng Đào tạo, ĐH Bách khoa cho rằng, Bộ nên có một ngưỡng điểm xét tuyển tối thiểu, từ đó các trường sẽ tự tính toán điểm đầu vào cho từng ngành. Điểm này phải đảm bảo không thấp hơn mức điểm tối thiểu và đảm bảo công bằng trong tuyển sinh.
Ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục, Bộ GD - ĐT cho biết, mục đích của quy định này để đảm bảo chất lượng đầu vào, tạo sự công bằng, minh bạch trong tuyển sinh, đồng thời, từng bước thực hiện phân tầng cơ sở giáo dục đại học. Qua đó, giúp cho thí sinh biết về chất lượng đầu vào của từng trường, từng ngành để đưa ra lựa chọn phù hợp với năng lực.
Mục tiêu của Bộ là như vậy, tuy nhiên khi quy định đưa ra, đã bộc lộ những “bất cập” do thực tế đào tạo và tuyển sinh hiện nay. Vậy nên chăng, Bộ GD - ĐT nên sớm xem xét, điều chỉnh lại quy định về tiêu chí đảm bảo chất lượng đầu vào, nhất là khi kỳ thi ĐH - CĐ đã cận kề.
Lê Vân