Các đổi mới trong tuyển sinh như: Đăng ký xét tuyển trước khi diễn ra kỳ thi, không giới hạn nguyện vọng, công khai nguyện vọng xét tuyển… đã giúp thí sinh chủ động với kỳ thi cuối cấp THPT. Nhưng cùng với đó, các trường đại học phải tìm cách giảm tỷ lệ thí sinh ảo.
Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, năm nay, cả nước có 886.000 thí sinh đăng ký dự thi THPT Quốc gia và xét tuyển đại học năm 2019, giảm gần 40.000 thí sinh so với năm 2018. Trong đó, có hơn 650.000 thí sinh đăng ký xét tuyển đại học, số còn lại đăng ký dự thi chỉ để xét công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông (chiếm 27,8%).
Bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết: Số lượng nguyện vọng đăng ký xét tuyển đại học năm 2019 cho thấy, 650.000 thí sinh đăng ký hơn 2,5 triệu nguyện vọng xét tuyển. Số lượng nguyện vọng trung bình của mỗi thí sinh đăng ký xét tuyển đại học năm nay là 3,94 nguyện vọng. Trong đó, thí sinh đăng ký số lượng nguyện vọng nhiều nhất là một thí sinh của Hà Nội với 50 nguyện vọng xét tuyển.
Năm 2019, cụm thi THPT Quốc gia được chia thành 2 nhóm: Cụm thi liên tỉnh (2 tỉnh một cụm thi) và cụm thi trong nội bộ mỗi tỉnh. Cụm thi liên tỉnh dành cho thí sinh dùng kết quả để xét tuyển Đại học, Cao đẳng; Cụm thi trong nội bộ tỉnh thì dùng kết quả để xét tốt nghiệp THPT. Nhiều thí sinh sẽ chỉ thi tại cụm nội tỉnh.
“Sử dụng kết quả thi chung nhưng làm thế nào để xét tuyển và giảm được tỷ lệ ảo” luôn là bài toán của các trường đại học trong vài năm gần đây. Bắt đầu từ năm 2016, ĐH Bách khoa Hà Nội là một trong những trường tiên phong trong việc đề xuất nhóm các trường đại học để tập trung xét tuyển.
PGS TS Trần Văn Tớp, Phó Hiệu trưởng ĐH Bách khoa Hà Nội cho biết: “Năm 2016, trước những vấn đề trong xét tuyển xảy ra từ năm trước đó, ĐH Bách khoa Hà Nội lập nhóm xét tuyển lấy tên là GX, với 12 trường tham gia. Phần mềm lọc thí sinh ảo do ĐH Bách khoa xây dựng dựa trên thuật toán gọi vui là “kết hôn bền vững”, nghĩa là một người đăng ký được nhiều trường nhưng chỉ đỗ 1 trường trong nhóm. Những năm sau đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép mỗi thí sinh đăng ký nhiều nguyện vọng thì số lượng các trường tham gia nhóm lên tới 55. Tiếp đó là việc hình thành hai nhóm xét tuyển lớn: Nhóm xét tuyển miền Bắc và nhóm xét tuyển miền Nam. Cùng với đó là sự ra đời của phần mềm lọc ảo của Bộ”.
Năm 2019, nhóm xét tuyển miền Bắc vẫn tiếp tục hoạt động và ĐH Bách khoa Hà Nội là trường chủ trì việc xét tuyển này. “Phần mềm lọc ảo đã hoạt động rất tốt. Dù có hai nhóm xét tuyển lớn nhưng sự giao thoa giữa thí sinh hai miền là không lớn. Ví dụ, trong 6.500 thí sinh nhập học vào trường ĐH Bách khoa Hà Nội năm 2018, tỷ lệ thí sinh từ Quảng Trị trở vào rất thấp, chưa tới 5%”, PGS TS Trần Văn Tớp nói.
Sau khi có hai nhóm xét tuyển lớn trên cả nước, để hỗ trợ nhiều trường chưa tham gia, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đưa ra phần mềm lọc ảo chung. Mỗi đợt xét tuyển, Bộ thực hiện lọc ảo 2- 3 lần. Tuy nhiên, lãnh đạo nhiều trường đại học cho biết, có phần mềm lọc ảo của Bộ Giáo dục và đào tạo, hai nhóm xét tuyển lớn của hai miền nhưng tỷ lệ thí sinh ảo vẫn có. Bởi có những thí sinh dự thi để lấy điểm xét tuyển đi học nước ngoài hoặc chủ yếu lấy phiếu trúng tuyển. Hiện nay, phần mềm lọc ảo cho phép dự đoán được một tỷ lệ nhất định số dôi dư.
Theo lãnh đạo nhiều trường đại học, có những trường ngoài nhóm bởi họ sử dụng phương pháp như đăng ký xét tuyển theo phương thức học bạ. Nhiều trường không chờ sau khi thi THPT quốc gia kết thúc mà việc xét tuyển bằng học bạ diễn ra từ tháng 3, tháng 4 và tổ chức cho thí sinh làm thủ tục xác nhận nhập học sớm. Thí sinh vẫn còn 1 cơ hội để điều chỉnh nguyện vọng sau khi thi THPT quốc gia. Sau đợt này, nhiều trường trên cả nước sẽ có những đợt tư vấn xét tuyển với quy mô rộng để thí sinh tiếp tục lựa chọn, có cơ hội thay đổi nguyện vọng để “chốt” ngành học.
Hiện nay, việc xét tuyển của nhiều trường đại học vẫn dựa chủ yếu vào kết quả thi THPT quốc gia, xét tuyển học bạ, và khả năng tình trạng “thí sinh ảo” vẫn tồn tại dù đã được cải thiện. Nhưng với những đổi mới trong thi và tuyển sinh theo yêu cầu của Luật giáo dục đại học thì sau 2020 câu chuyện xét tuyển sẽ theo hướng tự chủ. Lúc này, việc lọc ảo không chỉ là ở nhóm các trường nữa mà còn là những đổi thay trong công tác thi, tuyển sinh, xét tuyển đại học để không lặp lại kịch bản “vỡ trận” trong xét tuyển như những năm trước đây.