Mặc dù phải hơn 4 tháng nữa mới đến kỳ thi tuyển sinh đại học, cao đẳng (ĐH, CĐ) năm 2013 nhưng hiện tại, rất nhiều thí sinh và cả các trường ĐH, CĐ quan tâm tới vấn đề điểm sàn. Phương án xây dựng điểm sàn mới đang được Bộ GD - ĐT trưng cầu ý kiến. Cách xác định điểm sàn như thế nào cho phù hợp với thực trạng tuyển sinh đang có khá nhiều ý kiến khác nhau.
Học sinh tìm hiểu thông tin tuyển sinh trên cẩm nang điện tử. |
Chia sẻ sau Hội nghị thi, tuyển sinh ĐH, CĐ 2013 (tháng 1/2013 tại Hà Nội), Thứ trưởng Bộ GD - ĐT Bùi Văn Ga cho biết, hiện tại Bộ GD - ĐT đang bàn và lấy ý kiến các trường để đưa ra phương án tính điểm sàn của kỳ thi ĐH, CĐ 2013 trên nguyên tắc đảm bảo chất lượng đầu vào nhưng cũng đảm bảo nguồn tuyển cho các trường. Hiện có hai phương án được đưa ra thảo luận. Phương án 1, điểm sàn sẽ là điểm trung bình của tất cả các thí sinh theo khối thi; phương án 2 điểm sàn sẽ lấy mức điểm mà nhiều thí sinh đạt được nhất.
Thực tế, hai phương án nêu trên đã phần nào khẳng định sự tiếp thu của Bộ GD - ĐT về các ý kiến của các trường ĐH, CĐ. Dự kiến, mức điểm sàn đưa ra sẽ chỉ ở mức tương đối để đảm bảo thí sinh có đủ năng lực vào học ở một trường.
Từng tham gia trong Hội đồng xác định điểm sàn của Bộ GD - ĐT, ông Đặng Kim Vui, Giám đốc ĐH Thái Nguyên cho rằng, với mức chênh lệch như hiện nay cần có mức điểm sàn riêng với những trường “top” dưới hoặc theo từng khu vực. Mặc dù ở những vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa, thí sinh đều có ưu tiên cộng điểm nhưng thực tế cho thấy số điểm được ưu tiên chưa “cứu vãn” được sự chênh lệch trình độ của học sinh giữa các vùng miền.
Ông Đặng Kim Vui lấy dẫn chứng, tại ĐH Thái Nguyên, mỗi năm số lượng thí sinh dự thi ước tính 50.000 lượt, nhưng chỉ 10% con số trên đạt điểm sàn theo quy định của Bộ GD - ĐT. “Cần nói rõ những trường nào được hưởng mức điểm sàn ưu tiên, quy định điểm sàn đó chỉ áp dụng cho những ngành khó tuyển, những ngành cần nhu cầu nhân lực như nông lâm, cơ khí, kỹ thuật. Còn những ngành kinh tế, sư phạm đang được cảnh báo dư thừa thì các trường ĐH địa phương không thể áp mức điểm sàn thấp hơn bình thường được”, ông Vui nhấn mạnh.
Phản ứng mạnh mẽ nhất với cách xây dựng điểm sàn trong những năm vừa qua là khối các trường ĐH, CĐ ngoài công lập. Các kiến nghị về đổi mới chính sách tuyển sinh ĐH, CĐ 2013 của Hiệp hội các trường ĐH, CĐ ngoài công lập gửi tới Bộ trưởng Bộ GD - ĐT khẳng định: “Quy định điểm sàn theo sáng kiến của Bộ GD - ĐT làm cho nhiều trường ĐH, CĐ ngoài công lập và cả các trường của địa phương rất khó khăn trong tuyển sinh, do nguồn tuyển từ điểm sàn trở lên ngày càng cạn kiệt, đặc biệt khi nhiều trường đại học công lập xác định điểm chuẩn vào trường sát điểm sàn của Bộ”.
Theo GS Trần Hồng Quân, Chủ tịch Hiệp hội các trường ĐH, CĐ ngoài công lập, nếu lý giải điểm sàn là để đảm bảo chất lượng đồng đều của thí sinh trúng tuyển thì điểm sàn cần phải xây dựng riêng cho từng vùng. Còn nếu làm điểm sàn chung cho thí sinh cả nước thì mặc nhiên đã xem hệ thống giáo dục đại học cả nước như một trường đại học khổng lồ. Cách làm đó dẫn tới hậu quả là làm cho các chính sách của Đảng và Nhà nước về ưu tiên phát triển giáo dục đào tạo và phát triển nguồn nhân lực cho các vùng khó khăn khó đi vào cuộc sống.
Một trong những điểm mới trong kì thi tuyển sinh ĐH, CĐ 2013 là Bộ GD - ĐT cho phép các trường trên địa bàn Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam bộ được xét tuyển thí sinh có hộ khẩu thường trú từ 3 năm trở lên, học 3 năm liên tục và tốt nghiệp THPT tại 3 khu vực trên với mức điểm thi thấp hơn điểm sàn 1 điểm, nhưng phải học dự bị 6 tháng sau khi trúng tuyển. Thứ trưởng Bộ GD - ĐT Bùi Văn Ga cho biết, các trường ĐH, CĐ ngoài công lập vẫn phải tuân thủ mức điểm sàn chung. Hiệp hội các trường ĐH, CĐ ngoài công lập vừa đề nghị xin được tuyển sinh riêng. Bộ đã yêu cầu các trường xây dựng phương án nếu khả thi thì sẽ cho phép tuyển sinh riêng. Khi đó, các trường ngoài công lập có thể có điểm sàn riêng.
Khẳng định tại Hội nghị thi và tuyển sinh, Thứ trưởng Bộ GD - ĐT Bùi Văn Ga cho biết, không thể bỏ quy định điểm sàn vì nếu làm như vậy sẽ ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng đầu vào.
Lê Vân