TS Vũ Thu Hương trong giờ học giới tính tại một trường tiểu học. |
Theo bà, điều gì khiến hiện tượng lạm thu vẫn tồn tại, phải chăng vì những văn bản của ngành giáo dục chưa đủ chế tài?
Với việc lạm thu, nếu chưa xử lý tận gốc, mà chỉ tập trung vào giải quyết bề ngoài, thì chắc chắn mọi chuyện vẫn sẽ tiếp diễn. Đặc biệt khi động tới vấn đề quyền lợi, tiền bạc, mọi chuyện sẽ không hề đơn giản. Các trường hoàn toàn có thể lách bằng các biên bản tự nguyện của phụ huynh. Và điều này đã và đang xảy ra.
Nhà trường hoàn toàn không nên có những quỹ kiểu như thời gian qua báo chí đã phản ánh về tình trạng lạm thu. Ngoài tiền học, các khoản thu khác được thu chi thế nào, có tuân thủ theo nguyên tắc tài chính hay không? Hóa đơn và các chứng từ ra sao? Rõ ràng chúng ta không có quy định rõ ràng như tài chính ở các công ty. Chính vì vậy, mọi chuyện không dễ dàng xử lý trong một vài quy định nhỏ.
Lâu nay người ta vẫn nhắc đến ban đại diện phụ huynh như đại diện tiếng nói của phụ huynh nhưng 10 người thì có tới 9 người khẳng định đây là cánh tay nối dài chuyện lạm thu trong trường học. Ban đại diện phụ huynh đã được hợp thức hóa trong điều lệ trường học nhưng thực chất hoạt động không hiệu quả. Ý kiến của bà về vấn đề này và bà hãy phân tích mặt được, chưa được của hình thức này.
Ban phụ huynh là một tổ chức mà theo tôi thực sự không cần thiết trong các hoạt động giáo dục của nhà trường. Sự tồn tại của ban phụ huynh đã khiến cho mọi việc thêm rối tung lên. Trước hết, các phụ huynh khác đều không cảm nhận hết được trách nhiệm của họ với hoạt động của trường. Ngoài ra, cho dù họ có thu chi đúng đắn đến đâu thì rõ ràng quỹ phụ huynh không có một quy tắc thu chi nào, các phụ huynh khác cũng sẽ xì xào. Điều này sẽ ảnh hưởng đến uy tín của trường cũng như những hoạt động của học sinh.
Ban đại diện phụ huynh ngoài việc giúp giáo viên thu các loại phí theo gợi ý của nhà trường, họ chỉ cử đại diện xuất hiện trong các buổi lễ của nhà trường hoặc tổ chức ngoại khóa cho trẻ.
Tuy nhiên, các phụ huynh đi kèm trong các buổi ngoại khóa thường chăm sóc trẻ quá đà khiến các cháu hầu như không học hỏi được gì ngoài việc chơi cho thỏa thích và đòi hỏi. Rõ ràng, sự hiện diện của ban đại diện phụ huynh trong những buổi ngoại khóa thật sự không cần thiết.
Vậy ban phụ huynh cần tồn tại để làm gì? Chúng ta nên thẳng thắn nhìn nhận vấn đề này và nên dẹp bỏ sớm nếu tổ chức này thực sự không hữu dụng.
Một thực trạng là con các cha mẹ nằm trong ban phụ huynh đôi khi sẽ được ưu ái hơn các cháu khác hoặc các phụ huynh nghĩ là vậy. Chính vì lý do đó, các bậc phụ huynh được cô giáo đề nghị tham gia trong ban phụ huynh đều cảm thấy may mắn và họ rất dễ dàng sốt sắng làm theo các gợi ý của nhà trường.
Trách nhiệm xã hội của phụ huynh trong vấn đề “tiền trường” là gì thưa bà?
Trong một số trường hợp, khi trường sở chưa được cấp vốn để nâng cấp cơ sở vật chất quá sập xệ, nhà trường sẽ huy động từ vốn của phụ huynh. Tuy nhiên, việc này chỉ nên tiến hành khi cơ sở vật chất thực sự là một vấn đề nghiêm trọng có thể gây ảnh hưởng đến việc học tập và sinh hoạt của các cháu. Hơn nữa, việc huy động vốn này cũng không nên tiến hành thường xuyên, chỉ nên vài năm một lần mà thôi.
Bà có thể kê liều thuốc để “tiệt” căn bệnh này trong bối cảnh hiện nay?
Với bệnh lạm thu, một cơ chế tài chính chặt chẽ, yêu cầu hóa đơn chứng từ nghiêm túc và việc dẹp bỏ sự tồn tại của ban đại diện phụ huynh sẽ là liều thuốc rất đắng nhưng chắc chắn sẽ chữa khỏi hoặc thuyên giảm tối đa căn bệnh lạm thu.
Xin cảm ơn bà!