Năm học 2024 - 2025 là năm học đầu tiên học sinh khối lớp 5, 9 và 12 học sách giáo khoa mới biên soạn theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Các năm học trước đó, chương trình này đã được thực hiện ở 9 khối lớp gồm: 1, 2, 3, 4, 6, 7, 8, 10 và 11. Hiện, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã hoàn thành việc giới thiệu sách giáo khoa mới lớp 5, lớp 9 và lớp 12 tới cán bộ, giáo viên các trường Tiểu học, Trung học Cơ sở, Trung học Phổ thông và Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên trên địa bàn thành phố.
Cơ sở lựa chọn sách giáo khoa
Với mục tiêu đặt quyền lợi của học sinh lên hàng đầu, các nhà trường đang khẩn trương, tập trung triển khai lựa chọn sách giáo khoa đúng quy định và bảo đảm nguyên tắc dân chủ, khách quan, công khai, minh bạch, vì quyền lợi học sinh, phù hợp với đặc điểm kinh tế - xã hội của địa phương và điều kiện dạy, học của nhà trường.
Theo ông Trần Quốc Đạt, Hiệu trưởng Trường Trung học Cơ sở Trưng Vương (huyện Mê Linh, Hà Nội), việc lựa chọn sách giáo khoa lớp 9 là quyền lợi, cũng là trách nhiệm rất lớn của các nhà trường. Nhà trường sẽ chủ động chọn được bộ sách giáo khoa phù hợp với nhận thức của học sinh và văn hóa vùng miền nơi trường đóng chân. Bên cạnh đó còn phù hợp cả yếu tố về điều kiện kinh tế chung của các gia đình học sinh.
Với sách giáo khoa lớp 5, ông Trần Anh Tuấn, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Mê Linh (huyện Mê Linh) cho biết, Hội đồng lựa chọn sách giáo khoa của trường gồm 15 thành viên, có mời đại diện cha mẹ học sinh. Các sách giáo khoa đưa ra lựa chọn đều nằm trong danh mục đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt.
“Nhà trường lựa chọn sách giáo khoa trên cơ sở tuân thủ các quy định của Thông tư số 27/2023/TT-BGDĐT cùng với các đặc điểm vùng miền, điều kiện kinh tế, nhận thức của học sinh. Bên cạnh đó, việc lựa chọn sách còn căn cứ vào trình độ giáo viên, điều kiện đội ngũ của nhà trường bởi giáo viên là người hiểu rõ đối tượng học sinh trường mình và các điều kiện dạy học, từ đó lựa chọn sách phù hợp”, ông Trần Anh Tuấn chia sẻ.
Tâm huyết, khách quan trong lựa chọn
Ở 3 khối lớp cuối cùng 5, 9, 12 triển khai sách giáo khoa biên soạn theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã chỉ đạo các nhà trường xác định rõ trách nhiệm, đặc biệt lưu tâm để triển khai đúng, đủ quy trình theo quy định.
Tại Trường Trung học Cơ sở Trưng Vương (huyện Mê Linh, Hà Nội), nhà trường đã thành lập Hội đồng lựa chọn sách giáo khoa lớp 9 gồm 17 thành viên là giáo viên cốt cán, thực hiện đúng quy trình lựa chọn sách giáo khoa theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Bên cạnh các thành viên theo quy định của Bộ, năm nay có thêm đại diện cha mẹ học sinh cùng tham gia.
Nhà trường còn yêu cầu tất cả giáo viên của nhóm chuyên môn vào cuộc để cùng nghiên cứu, lựa chọn trên cơ sở vừa đảm bảo chất lượng kiến thức, vừa đảm bảo sự tiếp nối của sách giáo khoa các học sinh đã học lớp 8 từ năm học trước. Nhà trường đặc biệt chú trọng đến yếu tố hiệu quả với điều kiện dạy học ở trường mình và phù hợp với học sinh, giúp các em phát huy năng lực tốt nhất.
Ông Lê Việt Dương, Hiệu trưởng Trường Trung học Phổ thông Trương Định (quận Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết, nhà trường đã thành lập Hội đồng lựa chọn sách giáo khoa lớp 12, xây dựng kế hoạch để các tổ, nhóm chuyên môn tổ chức nghiên cứu, tìm hiểu sách giáo khoa. Trong đó, nhà trường lưu ý những điểm mới trong quy trình lựa chọn quy định tại Thông tư số 27/2023/TT-BGDĐT do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành; đồng thời, đề nghị các thành viên Hội đồng lựa chọn xác định rõ vai trò, trách nhiệm của mình đối với bộ sách giáo khoa sẽ giảng dạy tại trường.
Nhấn mạnh vai trò của nhà trường trong việc lựa chọn sách giáo khoa lớp 5, 9, 12 để sử dụng từ năm học 2024 - 2025, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Phạm Quốc Toản yêu cầu, các đơn vị cần nghiên cứu kỹ Thông tư số 27/2023/TT-BGDĐT, nhất là những điểm mới về trách nhiệm và quy trình lựa chọn sách giáo khoa để bảo đảm triển khai nghiêm túc, minh bạch, công bằng và bảo đảm tiến độ công bố danh mục sách giáo khoa được phê duyệt trước ngày 30/4/2024. Mỗi nhà trường, tổ, nhóm chuyên môn, mỗi giáo viên cần ý thức rõ trách nhiệm trong việc nghiên cứu, lựa chọn sách giáo khoa phải xuất phát từ thực tiễn và hiệu quả dạy học, vì quyền lợi học sinh; đồng thời phù hợp với đặc điểm kinh tế - xã hội của địa phương và điều kiện tổ chức dạy, học tại các nhà trường./.