Trường nghề chỉ là lựa chọn cuối cùng Các bạn trẻ tham quan không gian triển lãm giới thiệu các trường nghề, trung tâm dạy nghề ở TP Hồ Chí Minh. Ảnh: Mạnh Linh/TTXVN |
Chia sẻ của nhiều học sinh và phụ huynh, trường nghề là lựa chọn cuối cùng của nhiều học sinh sau khi không thi đậu vào đại học. Em Võ Thanh Trân, học sinh Trường Trung học Phổ thông Bình Hưng Hòa (quận Bình Tân, Thành phố Hồ Chí Minh) cho biết: Năm nay, em đăng ký thi vào Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh và cũng chưa nghĩ đến việc thi trường nghề. Theo Trân, học đại học mới có cơ hội việc làm tốt, thu nhập ổn định.
Em Trần Thị Tố Trâm, học sinh Trường Trung học Phổ thông Nguyễn Hữu Huân (quận Thủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh) đăng ký vào Đại học Y dược Thành phố Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, Trâm cho biết sẽ suy nghĩ đến việc học tại một trường dạy nghề nếu không trúng tuyển vào đại học năm nay.
Mặc dù học lực của con gái chỉ xếp hạng trung bình nhưng chị Ngô Thị Oanh, ngụ tại phường Tam Bình, quận Thủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh vẫn quyết tâm đăng ký cho con thi vào Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh. Chị Oanh chia sẻ, dù biết con không có khả năng đậu vào trường này nhưng chị vẫn muốn cho con gái thi thử sức. Nếu không thi đậu, lúc đó tìm các trường nghề cũng chưa muộn.
Theo đại diện nhiều trường đào tạo nghề, năm nay, công tác tuyển sinh các nhiều trường sẽ khó khăn hơn khi không kết nối được với dữ liệu tuyển sinh của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Nhà trường phải “tự thân vận động”, tổ chức tư vấn tuyển sinh tại các trường phổ thông, tuy nhiên cũng không dễ thu hút được học sinh.
Ông Nguyễn Đăng Lý, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng quốc tế Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, một trong những rào cản khi các trường dạy nghề đi tư vấn tuyển sinh là không nhận được sự hợp tác của các trường trung học phổ thông, trung học cơ sở. Thậm chí có trường còn từ chối không muốn các trường nghề đến hướng nghiệp, tư vấn tuyển sinh do tâm lý của các trường vẫn muốn học sinh của mình thi vào đại học để lấy thành tích.
Đồng tình với quan điểm này, ông Trần Ngọc Cường, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghề Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, chính sách phân luồng hiện nay của Thành phố Hồ Chí Minh đưa ra mục tiêu 30% học sinh tốt nghiệp Trung học Cơ sở sẽ học nghề. Tuy nhiên thực tế hiện nay, tất cả phụ huynh và học sinh đều muốn học lên trung học phổ thông và vào đại học.
Ở góc độ khác, bà Nguyễn Thị Hằng, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Kỹ Nghệ II chia sẻ: Năm nay, khi nhà trường đi tư vấn tuyển sinh tại một số trường Trung học Phổ thông mới được biết đơn vị của mình là trường nghề thứ 40 đến tư vấn. Việc mở quá nhiều các trường dạy nghề, các trường lại mở quá nhiều ngành nghề khiến cho phụ huynh và học sinh “bội thực” với dạy nghề. Mặt khác, việc tuyển sinh ở các trường đào tạo nghề ngày càng khó khăn hơn khi điều kiện vào đại học ngày càng rộng mở.
Một trong những rào cản thu hút người vào học ở các trường nghề là hiện một số ngành nghề đào tạo do các trường nghề cấp bằng không được chấp nhận ở một số vị trí công việc. Về vấn đề này, ông Nguyễn Đăng Lý, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng quốc tế Thành phố Hồ Chí Minh nêu dẫn chứng: Cách đây mấy năm, trường đã đào tạo hệ trung cấp ngành Công tác xã hội khóa đầu tiên với 38 em tốt nghiệp. Tuy nhiên, khi các em ra trường đi xin việc ở các đơn vị, cơ quan nhà nước nhưng hồ sơ không được ngành Nội vụ chấp nhận.
Để mở rộng đối tượng tuyển sinh, các trường đào tạo nghề đều xây dựng quy chế tuyển sinh, ông Lâm Văn Quản, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, bên cạnh việc tuyển sinh dựa vào kết quả thi Trung học Phổ thông quốc gia, nhà trường kết hợp tuyển sinh căn cứ kết quả học tập lớp 12 để mở rộng đối tượng. Bên cạnh đó, năm nay, quy định của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho phép các trường đào tạo nghề được tuyển sinh nhiều lần trong năm, do đó nhà trường sẽ tuyển sinh từ tháng 5 đến hết tháng 12.
Nâng cao chất lượng đào tạo Các trường giới thiệu nghề đào tạo. Ảnh: Phương Vy/TTXVN |
Để tập trung nâng cao chất lượng đào tạo nghề nghiệp, đáp ứng yêu cầu thị trường lao động, từng bước khẳng định vai trò của hệ thống giáo dục nghề nghiệp, một trong những giải pháp quan trọng là quy hoạch lại hệ thống trường nghề. Bên cạnh đó, các trường đào tạo nghề cũng phải tự khẳng định thương hiệu với xã hội bằng việc nâng cao chất lượng đào tạo, để người học ra trường có việc làm tốt, đáp ứng yêu cầu thị trường lao động.
Bà Nguyễn Thị Hằng, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Kỹ Nghệ II, cho rằng cần quy hoạch lại một cách đồng bộ hơn hệ thống các trường nghề trên địa bàn thành phố. Trường có thế mạnh ở ngành nghề nào nên tập trung vào đào tạo ở ngành nghề đó để nâng cao chất lượng đào tạo. Các trường cần tập trung nâng cao chất lượng đào tạo, khẳng định thương hiệu nhà trường với người học, với xã hội bằng chất lượng sản phẩm "đầu ra". Để rút ngắn khoảng cách giữa đào tạo và thực tế, một trong những định hướng nhà trường tập trung là gắn kết chặt chẽ với doanh nghiệp, đào tạo nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển của thị trường lao động trong và ngoài nước, từ đó, học sinh ra trường có hội việc làm không chỉ trong nước mà còn ở nước ngoài.
Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh là một trong những trường tuyển sinh được nhiều học sinh trong những năm qua, ông Phạm Đức Khiêm, Hiệu trưởng nhà trường cho rằng, điều quan trọng nhất để thu hút người học là đảm bảo sản phẩm "đầu ra" – sinh viên ra trường đáp ứng ngay yêu cầu thị trường lao động. Các trường cao đẳng cần xác định vai trò, vị trí của mình trong hệ thống giáo dục là đào tạo nghề, cung cấp nhân lực là những người thợ lành nghề cho xã hội. Không chỉ là đào tạo nghề cho sinh viên, người dạy còn phải là người truyền cảm hứng, đam mê nghề nghiệp để người học tiếp tục theo đuổi con đường nghề nghiệp sau khi ra trường. Cả giáo viên và học sinh trường nghề đều không nên có tâm lý coi học nghề là bước đệm để người học liên thông lên học đại học.
Chia sẻ về việc chuyển chức năng quản lý giáo dục nghề nghiệp từ Bộ Giáo dục và Đào tạo sang Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, đại diện nhiều trường cho rằng, việc thay đổi khung chương trình đào do Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội quy định dẫn đến những khó khăn cho các trường trong yêu cầu giảm tải nội dung chương trình đào tạo. Cụ thể, theo chương trình khung của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, bậc trung cấp, thời gian đào tạo chỉ còn 1-1,5 năm (tùy đối tượng học sinh) và bậc cao đẳng sẽ đào tạo từ 2-2,5 năm chứ không kéo dài 3 năm nữa.
Để giải quyết vấn đề này, bà Nguyễn Thị Lý, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Công nghệ Thủ Đức cho rằng, các trường chủ động chuyển đổi chương trình đào tạo theo hướng giảm tải, tích hợp chương trình cho phù hợp. Thực tế, nhiều năm qua, nhà trường đã chú trọng đến khâu giảm tải chương trình bằng việc tích hợp cho phù hợp với chương trình đào tạo quy định, đảm bảo chương trình không cắt xén, đúng thời gian. Để làm được điều đó, nhà trường đang thực hiện việc học theo tín chỉ cho cả bậc trung cấp, cao đẳng.
Vừa tiếp nhận quản lý hơn 50 trường cao đẳng, trung cấp nghề từ ngành Giáo dục và Đào tạo thành phố, ông Lê Minh Tấn, Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Thành phố Hồ Chí Minh khẳng định, trên cơ sở những quy định chung, sở luôn tạo mọi thuận lợi trong công tác quản lý, không gây khó khăn về thủ tục cho các trường. Sở sẽ tiếp tục hướng dẫn, chỉ đạo các trường tập trung nâng cao chất lượng đào tạo; đặc biệt tập trung đào tạo nhân lực cho nhóm 9 ngành dịch vụ, 4 ngành công nghiệp trọng điểm của thành phố và 7 ngành nghề được dịch chuyển lao động tự do trong khu vực ASEAN; thực hiện mục tiêu đến năm 2020 số người trong độ tuổi lao động của thành phố qua đào tạo nghề đạt trên 85%.