Một cuộc khảo sát trên toàn quốc do Hội đồng Nghiên cứu Giáo dục Australia thực hiện cho thấy trẻ em nước này đang bị “hổng” lớn về kiến thức, nhất là kiến thức cơ bản về các loại thực phẩm.
Kết quả khảo sát áp dụng cho 900 trẻ từ 6-10 tuổi cho thấy có tới 3/4 học sinh cuối cấp tiểu học ở Australia tin rằng những đôi tất cotton là sản phẩm từ động vật, trong khi 27% học sinh cho rằng sữa chua được lấy từ trên cây. Trong một hộp đựng thức ăn, chỉ có 45% trẻ em 6 tuổi xác định được rằng phomát và chuối là sản phẩm của các nông trại.
Một buổi dã ngoại tìm hiểu văn hóa phương Đông của giáo viên và học sinh Australia. |
Hội đồng Nghiên cứu Giáo dục Australia cảnh báo kết quả trên là một “lời thức tỉnh”. Ngành giáo dục Australia bắt đầu bổ sung các bài học về nông nghiệp vào giáo trình quốc gia. Xét thực tế, khi học sinh được học- chơi, chơi- học ở mức độ hợp lý, điều đó mới mang lại kết quả như ý. Trong hai khái niệm trên, cái gì nhiều quá cũng không tốt.
Trò chuyện với nhiều bạn học sinh, sinh viên tại Australia, trong đó có cả người Việt Nam, tôi giật mình nhận ra không phải ai cũng nhớ mình đã được học những gì ở bậc đại học hay trung học, dù là những môn cơ bản nhất. Điều đó một mặt thể hiện sức ép học tập đối với nhiều người, ở nhiều cấp, là không hề có, một mặt cho thấy kết quả của quá nhiều sự lựa chọn cho học sinh, sinh viên tại Australia.
Ngay từ bậc tiểu học, học sinh Australia đã có những môn học tự chọn để phát triển khả năng của bản thân. Tới bậc đại học, các sinh viên càng có nhiều sự lựa chọn. Hỏi bất kỳ một phụ huynh nào có con chuẩn bị vào đại học, tôi đều nhận được câu trả lời rằng cả gia đình không ai lo lắng hết. Học sinh có rất nhiều sự lựa chọn để học, chuyển ngành, lại học.... cho tới khi nào thấy ngành học phù hợp với bản thân và định hướng được nghề mình yêu thích.
Xuyên suốt quá trình ngồi trên ghế nhà trường của một người, có thể nói đó là một chuỗi của giáo dục tự thân, bao gồm các yếu tố như rèn luyện sự tự tin, tự lập, tự nghiên cứu, chủ động trong suy nghĩ, thẳng thắn trao đổi ý kiến, không thụ động, tự lựa chọn nghề nghiệp và cả tự kiếm việc làm.
Nói vậy không có nghĩa là lượng kiến thức học sinh Australia thu được trong quá trình học ở cấp tiểu học, trung học là hoàn toàn hiệu quả. 100% những học sinh tôi biết có một thời gian học ở Australia đều không “dám” về Việt Nam để dự thi đại học, dù có “chấp” thêm 1-2 năm trung học để ôn luyện. Họ bảo sợ khó.
Có thể thấy chất lượng giáo dục của Australia dường như không có gì nổi trội ở các cấp tiểu, trung học, nhưng họ lại thể hiện tốt hơn ở bậc đại học. Có lẽ bí quyết của Australia là tạo được thói quen giáo dục tự thân cho học sinh trong cả quá trình học, để rồi khi vào đại học, các em sẽ bứt phá, sáng tạo trên chính nền tảng giáo dục đó.