Người ta vẫn rỉ tai nhau lời dặn dò mỗi khi tới Australia: “Dân Úc trọng nhất là trẻ em, tới đó là người già và phụ nữ rồi... sau nữa nữa mới đến đàn ông”. Khu vui chơi rèn luyện sức khỏe cho học sinh tiểu học Australia. |
Nghe có vẻ buồn cười, nhưng suy cho cùng thì nước Úc đã dành sự coi trọng cho quảng đại quần chúng, bởi tương lai của mỗi cá nhân, mỗi dân tộc đều bắt đầu từ trẻ em, sự nghiệp trồng người cũng bắt đầu từ đối tượng này.
Australia xác định tương lai sẽ được định hình phần lớn từ con người, phương hướng đào tạo đúng đắn cộng với ý thức học tập để trưởng thành của mỗi cá nhân. Thực tế chứng minh quan niệm đó đang trở thành chân lý.
Mặc dù mỗi bang ở Australia có quy định và phương thức hoạt động riêng trong sự nghiệp trồng người, song mô hình giáo dục tổng quan của Australia được phân chia thành ba cấp: Tiểu học (từ lớp chuẩn bị vào lớp 1 cho đến lớp 6), Trung học (từ lớp 7-12) và Cấp ba (Đại học hoặc cao đẳng, dạy nghề).
Mỗi cấp đều có những mốc quan trọng để kiểm tra và cấp chứng nhận dựa trên kết quả kiểm tra và thời gian học tập. Ở bậc đại học, nếu học 3 năm thì nhận bằng cử nhân, học thêm năm nữa thì được bằng danh dự. Để tiếp tục theo đuổi sự nghiệp học vấn, sinh viên sẽ phải mất thêm từ 2-6 năm.
Nói sự nghiệp học hành cũng mất thời gian, tốn công tốn của như vậy, nhưng thực tế học sinh, sinh viên theo học ở Australia không đến nỗi phải vất vả, nếu không muốn nói là rất thoải mái. Học sinh ở đây không phải đi học thêm, cũng chẳng bị sức ép về điểm số.
Giáo viên đứng lớp thường tạo ra không khí học tập rất thoải mái, gần gũi, sôi nổi. Các buổi học ngoài trời giáo viên và học sinh như hòa làm một, nhưng sự tôn trọng giáo viên vẫn được đảm bảo.
Với phương châm học- vui, vui- học, cách giáo dục của Australia chủ yếu là nhằm tạo sự tự tin, năng động, sáng tạo và hòa nhập cho học sinh ngay từ những ngày đầu đến trường. Kết quả học tập được giáo viên trao đổi trực tiếp với từng phụ huynh, vì vậy chẳng ai lo bị “mất mặt”.
Sự liên kết giữa giáo viên, nhà trường với học sinh, phụ huynh học sinh luôn được chú trọng. Mỗi ngày giáo viên đều niềm nở chờ đón phản hồi từ phía phụ huynh.
Mỗi tuần nhà trường lại có bản thông báo gửi tới các gia đình học sinh nhằm thông tin về tình hình hoạt động của trường trong tuần, trong tháng. Có khi trong đó là một lời cảm ơn chân thành dành cho một phụ huynh học sinh đã hỗ trợ trường trong một số hoạt động công ích.
Có lúc đó là một lời nhắc nhở về thực hiện nghiêm chỉnh các quy định của trường, hay kêu gọi tình nguyện hỗ trợ ban phụ huynh để tổ chức các buổi hoạt động ngoại khóa, hay mời tham dự hội thảo về sức khỏe, tâm sinh lý trẻ em...
Điều đó giúp duy trì tuyến thông tin giữa nhà trường với gia đình học sinh, tạo ra sự gần gũi vô cùng mà không phải nền giáo dục nào cũng có thể làm được.
Bài tập về nhà cho học sinh tại Australia là có nhưng không nhiều. Có lẽ việc giao bài tập về nhà cho học sinh chỉ là nhằm rèn luyện tính cẩn thận, cách lên kế hoạch cho bản thân. Mỗi cuối tuần hay các đợt nghỉ giữa học kỳ hầu như không có bài tập về nhà để học sinh có thể thoải mái thư giãn.
Báo chí Australia thậm chí còn đưa tin rầm rộ về một nghiên cứu cho rằng bài tập về nhà không giúp nhiều cho thành tích học tập, đặc biệt là ở học sinh bậc tiểu học. Các chuyên gia khẳng định đối với trẻ em, chơi để học bao giờ cũng có hiệu quả hơn là nhồi nhét.
Sinh viên Australia (kể cả sinh viên quốc tế) vẫn có thừa thời gian rảnh rỗi để vui chơi, nghỉ ngơi hay đi làm thêm. Chương trình giáo dục của Australia chú trọng ý thức tự học, tự nghiên cứu, sáng tạo, vì vậy sinh viên có thể bố trí thời gian hợp lý để cân đối giữa việc học và các hoạt động khác.
Thực tế cho thấy đa phần sinh viên đều tranh thủ đi làm để kiếm thêm thu nhập và tích lũy kinh nghiệm. Một số sinh viên lại tích cực tham gia công tác cộng đồng hay đi làm từ thiện. Đây cũng là các yếu tố được tính đến khi xem xét đánh giá “Sinh viên quốc tế của năm” hay các lợi ích khác ở các bang, bên cạnh thành tích học tập.
Kỳ tiếp: "Trồng người" tại Australia: Nỗ lực là vô biên
Bài, ảnh: Đỗ Vân (Pv TTXVN tại Australia)