Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đánh giá, hơn 10 năm thực hiện Nghị định số 82/2010/NĐ-CP của Chính phủ, việc dạy và học tiếng nói, chữ viết của dân tộc thiểu số thực hiện khá tốt. Nhưng hiện tại giáo viên dạy tiếng dân tộc thiểu số vẫn thiếu về số lượng, không đồng đều về chất lượng.
Thống kê cho thấy, đến năm học 2020 - 2021, cả nước có 1.026 giáo viên tiếng dân tộc thiểu số (DTTS), chiếm 0,2% tổng số giáo viên các cấp học phổ thông. Giáo viên dạy tiếng DTTS có ở cả ba cấp học thuộc bậc học phổ thông, trong đó cấp Tiểu học chiếm gần 90% số giáo viên tiếng DTTS trong cả nước.
Đánh giá chung của GD&ĐT cho thấy, đội ngũ giáo viên dạy tiếng DTTS nhìn chung trình độ còn thấp. Hiện nay chỉ có giáo viên tiếng Khmer được đánh giá là cơ bản đạt trình độ chuẩn đào tạo về chuyên môn tiếng dân tộc theo quy định. Giáo viên tiếng DTTS còn lại đều chưa có giáo viên đạt chuẩn đào tạo về tiếng DTTS. Một số giáo viên được đào tạo theo hệ 7+ hoặc 9+.
Nhằm nâng cao chất đội ngũ giáo viên tiếng DTTS, các địa phương có giảng dạy tiếng DTTS đã tổ chức đào tạo bổ trợ kiến thức theo các mô hình khác nhau. Chủ yếu là đào tạo theo mô hình bổ trợ, bồi dưỡng kiến thức trên nền tảng giáo viên cấp tiểu học. Theo đó, giáo viên tiểu học ngoài chuyên môn được đào tạo chính thức, giáo sinh được đào tạo bổ sung kiến thức, kỹ năng ngôn ngữ tiếng DTTS. Các hình thức đào tạo theo hướng bổ sung kiến thức, kỹ năng nên giáo viên được đào tạo không được cấp văn bằng.
Trong chương trình giáo dục phổ thông 2018, môn học tiếng DTTS là môn học tự chọn. Hiện nay, Bộ GD&ĐT đã ban hành 8 chương trình tiếng DTTS dạy học trong trường phổ thông và biên soạn 8 bộ sách giáo khoa để đưa vào dạy học trong nhà trường. Năm học 2022 - 2023, sẽ thực hiện dạy tiếng DTTS theo chương trình và sách giáo khoa tiếng DTTS mới.
Trên cơ sở quy mô dạy học tiếng DTTS của các địa phương với 8 thứ tiếng là Bahnar, Chăm, Khmer, Ê đê, Jrai, Mnông, Mông, Thái cần đáp ứng cho triển khai chương trình tiếng DTTS mới đến năm học 2024 - 2025 là khoảng gần 4.000 giáo viên, đến năm 2029 - 2030 là khoảng hơn 9.000 giáo viên.
Trong khi đó, cả nước hiện chỉ có một trường đại học đào tạo giáo viên chính quy và cấp bằng chuẩn trình giáo viên tiếng DTTS là Trường Đại học Trà Vinh. Các trường đại học cho rằng, để có thể đào tạo đội ngũ giáo viên tiếng DTTS đạt chuẩn, đáp ứng chương trình giáo dục phổ thông mới thì cần phải có cơ sở đào tạo đạt chuẩn. Tuy nhiên, đội ngũ giảng viên ngôn ngữ, văn hóa DTTS tại các trường đại học đều thiếu. Do đó, đây sẽ là vướng mắc cần tháo gỡ trong thời gian tới để giúp các trường đại học và các địa phương có thể thực hiện tốt nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng giáo viên tiếng DTTS.
Để đảm bảo chất lượng dạy học tiếng DTTS theo chương trình giáo dục phổ thông mới, một số Sở GD&ĐT kiến nghị cần phải có quy chuẩn về điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị trường học để giảng dạy tiếng DTTS.