Thông tin trên được ông Nguyễn Minh Thiên Hoàng, Phó trưởng Phòng Giáo dục Tiểu học, Sở Giáo dục và Đào tạo TP Hồ Chí Minh đưa ra tại hội nghị lấy ý kiến xây dựng đề án thu hút giáo viên Tiểu học ngày 7/2, do Sở Giáo dục và Đào tạo TP Hồ Chí Minh tổ chức.
Theo thống kê của Phòng Giáo dục Tiểu học, trong năm học 2022 - 2023, toàn Thành phố có tổng cộng 663.426 học sinh. Căn cứ theo điều lệ trường tiểu học quy định 35 học sinh/lớp, tổng số lớp phải là 18.955 lớp, tương ứng 18.955 phòng học, theo đó số lượng giáo viên tiểu học căn cứ tỉ lệ 1,5 giáo viên/lớp phải đạt 28.432 giáo viên. Hiện TP Hồ Chí Minh còn thiếu 1.758 lớp học, phòng học và 3.643 giáo viên.
Chia sẻ về thực trạng và chế độ làm việc của giáo viên tiểu học, ông Nguyễn Minh Thiên Hoàng cho biết, giáo viên tiểu học có đặc thù là vừa dạy nhiều môn vừa phải là giáo viên chủ nhiệm, đồng thời có những giáo viên phải kiêm nhiệm các chức danh khác như khối trưởng chuyên môn, Tổng phụ trách, Bí thư Chi Đoàn, Chủ tịch Công đoàn, giáo viên mạng lưới của Hội đồng bộ môn quận, huyện… Số tiết nghĩa vụ của giáo viên tiểu học là 23 tiết/tuần, kể cả giáo viên chủ nhiệm hoặc giáo viên dạy bộ môn.
Ngoài công việc giảng dạy chính khóa, giáo viên còn tham gia các hoạt động ngoài giờ lên lớp, hoạt động ngoại khóa của học sinh; hỗ trợ công tác Đoàn – Đội; các phong trào, hội thi của trường, phường, quận, thành phố và phối hợp với địa phương, các ban ngành tổ chức hoạt động, phong trào, tham gia các hội thi dành cho giáo viên; tham gia xây tiết các chuyên đề, lên tiết thao giảng ở trường, quận, thành phố theo yêu cầu của cấp trên.
Bên cạnh đó, để có những tiết dạy đạt hiệu quả cao, giáo viên phải nghiên cứu tài liệu, chuẩn bị và làm đồ dùng dạy học vào giờ nghỉ. Đáp ứng yêu cầu đổi mới của giáo dục, giáo viên còn tham gia các lớp học nâng cao về trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, Anh văn, Tin học ngoài giờ dạy.
Đối với các giáo viên bộ môn Mĩ thuật, Âm nhạc, Giáo dục thể chất, Tin học, Ngoại ngữ, mỗi giáo viên daytj 23 tiết nghĩa vụ/tuần, giáo viên được phân công từ 12 đến 23 lớp khác nhau tùy theo bộ môn và số lượng tiết dạy. Do đó, số lượng học sinh phải theo dõi, nhận xét, đánh giá cũng tăng theo số lượng lớp được phân công. Đặc biệt, có giáo viên phải thực hiện công tác đánh giá cho cả 805 học sinh/tháng. Ngoài ra, các giáo viên bộ môn Mĩ thuật, Âm nhạc, Giáo dục thể chất, Tin học, Ngoại ngữ thường là lực lượng nòng cốt của nhà trường, của phường, quận khi tham gia các hoạt động thi đua thể thao, biểu diễn văn nghệ.
Ông Nguyễn Minh Thiên Hoàng cho rằng, hiện nay khối lượng công việc của giáo viên dạy tiểu học rất nhiều và áp lực cao nhưng chế độ chính sách đối với giáo viên tiểu học hiện nay là chưa phù hợp. “Tính tổng thu nhập sau khi đã trừ 10,5% bảo hiểm xã hội, mỗi giáo viên mới ra trường nhận được khoảng 3.367.251 đồng, song còn phải đóng góp thường xuyên một số khoản như: 1% lương/tháng đóng công đoàn phí, nếu là đảng viên thì 1% lương/tháng đóng đảng phí; mỗi năm trừ một số ngày lương đóng góp các quỹ như: quỹ vì người nghèo, quỹ phòng chống thiên tai... và một số khoảng ủng hộ đột xuất khác”, ông Nguyễn Minh Thiên Hoàng phân tích.
Bên cạnh đó, khi bắt đầu triển khai thực hiện Chương trình Giáo dục Phổ thông 2018 ở cấp Tiểu học, hoạt động dạy buổi 2 trở thành hoạt động bắt buộc và không được thu phí, giáo viên các khối lớp thực hiện theo lộ trình triển khai chương trình Giáo dục Phổ thông 2018 dần dần không có được thu nhập từ dạy buổi 2.
Từ thực tế trên, Sở Giáo dục và Đào tạo TP Hồ Chí Minh cũng đã xây dựng đề cương đề xuất các chính sách hỗ trợ thu nhập giáo viên như tăng thêm 25% lương cơ bản, trợ cấp khuyến khích giáo viên có trình độ chuyên môn công tác tại các trường công lập; đối với giáo viên mới ra trường và nhân viên y tế, văn thư, kế toán, thư viện được tuyển dụng mới sẽ được hỗ trợ thêm thu nhập trong 3 năm đầu tiên công tác ở các mức: 100% lương cơ sở/người/tháng ở năm thứ nhất; 70% lương cơ sở/người/tháng ở năm thứ hai và 50% lương cơ sở/người/tháng ở năm thứ ba công tác, từ năm thứ tư trở đi thực hiện chế độ tiền lương theo quy định hiện hành.