Trong năm học 2019 - 2020, toàn thành phố tăng hơn 75.000 học sinh, trong đó hơn 15.000 học sinh không có hộ khẩu ở Thành phố Hồ Chí Minh. Tại nhiều quận huyện, vấn đề đảm bảo đủ chỗ học cho học sinh là ưu tiên hàng đầu, do vậy nhiều trường phải duy trì sĩ số học sinh của một lớp ở mức cao.
Ưu tiên đảm bảo đủ chỗ học
Hàng năm, quận Bình Tân là một trong những địa phương có số học sinh tăng cao nhất thành phố. Năm học mới này, quận tăng hơn 7.000 học sinh nên phải bổ sung thêm 52 phòng ở bậc Tiểu học và 42 phòng ở bậc Trung học cơ sở.
“Quận có thêm 2 trường mầm non mới, sửa chữa 7 trường Tiểu học (tăng 53 phòng), sửa chữa 4 trường Trung học cơ sở (tăng 59 phòng). Như vậy, số phòng học xây thêm cơ bản đáp ứng chỗ học cho tất cả học sinh trên địa bàn, còn tỷ lệ học sinh học 2 buổi/ngày không tăng (từ 38 - 40%), sĩ số học sinh là 42 học sinh/lớp cũng không được kéo giảm”, ông Ngô Văn Tuyên, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Bình Tân chia sẻ.
Tương tự, tại Quận 12 năm học này cũng tăng hơn 6.000 học sinh. Quận có thêm hơn 150 phòng học mới đưa vào sử dụng ở các cấp học. Theo lãnh đạo ngành giáo dục địa phương, trong điều kiện áp lực số học sinh tăng, quận tiếp tục ưu tiên giải quyết nhu cầu học tập cho toàn bộ học sinh, nỗ lực duy trì tỷ lệ học sinh học 2 buổi/ngày.
Theo số liệu của Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố, năm học 2019-2020, toàn thành phố có hơn 1,7 triệu học sinh các cấp, tăng 75.000 học sinh so với năm học trước. Số học sinh tăng nhiều ở khu vực đô thị hóa nhanh, dân số tăng cơ học cao như các quận 7, 9, 12, Gò Vấp, Tân Phú, Bình Tân, Thủ Đức và huyện Bình Chánh, Hóc Môn, Củ Chi. Đáp ứng nhu cầu học tập của toàn bộ học sinh trên địa bàn, thành phố sẽ đưa vào sử dụng gần 1.500 phòng học mới ở các cấp học (tăng thêm 1.239 phòng, xây thay thế 237 phòng).
Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh Lê Hồng Sơn khẳng định, năm học mới thành phố đảm bảo 100% con em sinh sống trên địa bàn có đủ chỗ học. Mặc dù vậy, mục tiêu giảm sĩ số học sinh/lớp, tăng tỷ lệ học sinh học 2 buổi/ngày và chuẩn bị trường lớp để triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới còn gặp nhiều khó khăn. Để đảm bảo chỗ học tất cả con em sinh sống trên địa bàn, nhiều trường phải duy trì sĩ số 40-50 học sinh/lớp. Điều này làm hạn chế phần nào công tác quản lý và chất lượng giảng dạy; điều kiện về sân chơi, bãi tập, thư viện đều co hẹp lại, ảnh hưởng đến các lớp đang học.
Để đảm bảo chỉ tiêu đến năm 2020 đạt 300 phòng học/10.000 dân trong độ tuổi đi học (từ 3-18 tuổi) theo Nghị quyết Đại hội X Đảng bộ Thành phố, Sở Giáo dục và Đào tạo đã rà soát tại 24 quận, huyện về kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2016-2020 với 832 dự án, quy mô 15.940 phòng học. Tính đến tháng 6/2019, toàn thành phố đạt 278 phòng học/10.000 dân trong độ tuổi đi học (từ 3-18 tuổi), đến hết 2019 ước đạt 288 phòng học/10.000 dân.
Xây dựng trường học thông minh
Nhằm đổi mới toàn diện, nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo, nhất là chuẩn bị triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới, việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, dạy và học là một trong những nhiệm vụ quan trọng.
Một trong những định hướng trong việc ứng dụng công nghệ thông tin mà Sở Giáo dục và Đào tạo chủ trương là triển khai thí điểm xây dựng mô hình trường học thông minh tại 5 trường Trung học phổ thông trên địa bàn gồm: Trung học phổ thông Chuyên Lê Hồng Phong, Trung học phổ thông Chuyên Trần Đại Nghĩa, Trung học phổ thông Lê Quý Đôn, Trung học phổ thông Nguyễn Hiền và Trung học phổ thông Nguyễn Du để làm cơ sở phát triển nhân rộng mô hình trong giai đoạn tiếp theo.
Theo đó, tại 5 trường học sẽ triển khai thí điểm, phương pháp dạy học, thi cử, đánh giá được đổi mới, phân hóa theo năng lực nhận thức của học sinh dựa trên chuẩn kiến thức. Quy mô đầu tư hệ thống trường học thông minh gồm: Hệ thống công nghệ thông tin; phòng học tiên tiến, thông minh; phòng tin học, ngoại ngữ, thi trắc nghiệm; thiết bị thực hành thí nghiệm; thư viện thông minh, đào tạo trực tuyến. Trường cũng sẽ có các hệ thống camera giám sát, thông tin giáo dục, thông tin quản lý, điểm danh thông minh, phần mềm phục vụ dạy và học.
Là một trong năm trường được chọn thí điểm mô hình xây dựng trường học thông minh, ông Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Nguyễn Du, cho biết đây là chủ trương của Sở, dù chưa được triển khai cụ thể nhưng hiện tại trường đã bắt tay vào thực hiện một số bước để đón đầu. Trong đó, việc chuẩn bị nguồn nhân lực để vận hành là rất quan trọng để triển khai thành công mô hình trường học thông minh. Nhà trường đã đầu tư cho toàn bộ giáo viên học tin học văn phòng quốc tế, hiện có 70/105 giáo viên nhận được bằng tin học. Trường còn mời các giáo viên bản ngữ về dạy tiếng Anh quốc tế cho đội ngũ giáo viên.
Mặt khác, Trường Trung học phổ thông Nguyễn Du đã ứng dụng công nghệ thông tin vào các hoạt động dạy học. Đặc biệt, năm học vừa qua, lần đầu tiên Trường áp dụng hình thức thi môn Toán trên máy tính thay vì làm trên giấy như trước. Đây là bước đi nhằm đón đầu việc triển khai thực hiện thí điểm mô hình trường học thông minh được Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố lựa chọn thực hiện.
Năm học 2019-2020, Thư viện điện tử tại Trường Trung học phổ thông chuyên Trần Đại Nghĩa được khánh thành, đưa vào sử dụng. Đây là trường công lập đầu tiên được Thành phố Hồ Chí Minh chọn xây dựng thư viện điện tử. Thời gian tới mô hình này sẽ tiếp tục được nhân rộng tại các trường tiên tiến và nhiều trường khác. Với mô hình này, dữ liệu của thư viện được lưu trữ trên thư viện điện tử, giáo viên và học sinh có thể truy cập mọi lúc, mọi nơi để khai thác phục vụ cho hoạt động giảng dạy và học tập. Qua đó, giúp học sinh có nguồn tư liệu tốt để học tập, nghiên cứu, nâng cao khả năng tự học của học sinh.
Cùng với việc thí điểm xây dựng mô hình trường học thông minh, Sở đang xây dựng Trung tâm điều hành thông minh để quản lý và phát huy cơ sở dữ liệu dùng chung của ngành. Ứng dụng công nghệ thông tin, vừa qua Sở đã công bố Trang thông tin dịch vụ giáo dục cung cấp thông tin của 4 loại hình dịch vụ giáo dục do Sở cấp phép hoạt động. Qua đó, giúp người dân thuận tiện trong tra cứu, tìm hiểu thông tin, đồng thời là cơ sở để chính quyền và người dân giám sát, thanh tra, kiểm tra.
Bài 2: Đảm bảo nguồn giáo viên