Theo đó, UBND TP Hồ Chí Minh đề nghị Sở Giáo dục và Đào tạo TP Hồ Chí Minh phối hợp với Sở Y tế hướng dẫn, hỗ trợ UBND huyện Cần Giờ, đặc biệt là phòng Giáo dục và Đào tạo cùng Ban giám hiệu 2 trường xây dựng kế hoạch đảm bảo công tác phòng, chống dịch COVID-19 thật cụ thể; có phương án ứng phó sẵn sàng với tình huống có phát sinh ca bệnh.
UBND TP Hồ Chí Minh cũng đề nghị công tác chuẩn bị phải đảm bảo để giáo viên, cán bộ y tế và phụ huynh, học sinh an tâm tuyệt đối và nắm rõ trách nhiệm của mình trong việc giữ an toàn phòng, chống dịch tại trường học. UBND TP Hồ Chí Minh giao UBND huyện Cần Giờ kiểm soát triệt để nguồn lây từ bên ngoài, chủ động huy động các nguồn lực sẵn có tại địa phương để chăm lo cho các em có hoàn cảnh khó khăn phương tiện học tập, đi lại, nơi ở...
Trên cơ sở thí điểm tổ chức dạy học trực tiếp (học sinh đến trường trở lại), huyện Cần Giờ rút kinh nghiệm và tiếp tục mở rộng đối với các xã, thị trấn còn lại của huyện. Ngoài ra, UBND TP Hồ Chí Minh đề nghị Sở Giáo dục và Đào tạo và Sở Y tế hướng dẫn các đơn vị rút kinh nghiệm để có đánh giá và làm cơ sở đề xuất từng bước mở cửa lại trường học đối với các địa bàn đã kiểm soát được tình dịch bệnh.
Trước đó, UBND huyện Cần Giờ đề xuất thí điểm dạy học trực tiếp từ ngày 20/10 với 250 học sinh ở các khối lớp 1, 2, 6, 9, 12 tại các trường học trên xã đảo Thạnh An. Ngay sau khi có đề xuất của UBND huyện Cần Giờ, Sở Y tế, Sở Giáo dục và Đào tạo TP Hồ Chí Minh đã tổ chức kiểm tra các điều kiện đảm bảo an toàn phòng, chống dịch COVID-19 cũng như các phương án đón học sinh trở lại trường tại xã đảo Thạnh An.
Sau khi kiểm tra, đoàn kiểm tra yêu cầu Ban chỉ đạo phòng, chống dịch xã đảo Thạnh An bổ sung thêm một số hoạt động cần thiết để hoàn thiện các phương án phòng, chống dịch như công tác đo nhiệt độ cần có cách tổ chức khoa học, không nên để học sinh dồn ứ; nhà trường cần hạn chế việc phụ huynh vào trường; thực hiện tầm soát, lấy mẫu xét nghiệm theo từng nhóm cán bộ, giáo viên, nhân viên trường, những người có triệu chứng nghi ngờ, người có yếu tố dịch tễ; thường xuyên kết nối với phụ huynh để nắm rõ tình hình sức khỏe của các em; tăng cường truyền thông đến phụ huynh học sinh...
Bác sĩ Chuyên khoa 2 Nguyễn Hữu Hưng, Phó Giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cho biết, việc tổ chức học cần được đánh giá lại sau 2 tuần thực hiện để điều chỉnh các phương án phù hợp với tình hình. Bên cạnh đó, nhà trường cũng cần đẩy mạnh truyền thông đến phụ huynh và các em học sinh về các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19; công tác phối hợp với trường, hướng dẫn học sinh cách đeo, tháo khẩu trang đúng cách; quy trình xử lý khi phát hiện F0...
Ông Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP Hồ Chí Minh nhấn mạnh: Những trường thực hiện thí điểm mở cửa đầu tiên cần hết sức thận trọng, đảm bảo công tác phòng, chống dịch. Hiện tại, các trường cần căn cứ theo Bộ tiêu chí an toàn trường học do Sở Giáo dục và Đào tạo tham mưu UBND TP Hồ Chí Minh để đối chiếu, rà soát; đồng thời xây dựng Tổ COVID-19 cộng đồng trong nhà trường, đảm bảo thực hiện nghiêm quy tắc 5K trong sân trường nếu trường học được phép hoạt động trực tiếp trước học kỳ I.