Ghi nhận thực tế cho thấy, công tác chuẩn bị các điều kiện đảm bảo an toàn phòng dịch, các biện pháp phòng dịch tại các trường được thực hiện nghiêm túc, từ khâu vệ sinh khử khuẩn trường học, bố trí nước rửa tay, đo nhiệt độ đến hướng dẫn học sinh khai báo y tế được thực hiện đầy đủ, chặt chẽ.
Tại Trường Mầm non Tuổi thơ (Quận 8), cô Phùng Thị Ngọc Hiền, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, qua khảo sát ý kiến phụ huynh, 90% phụ huynh có nhu cầu cho con trở lại trường. Để đảm bảo an toàn phòng dịch khi đón trẻ trở lại trường, nhà trường đã tổng vệ sinh, khử khuẩn các phòng học, đồ dùng, đồ chơi… Đồng thời, trường chú trọng tuyên truyền và phối hợp tốt với phụ huynh để cùng thực hiện các biện pháp phòng dịch khi các bé ở nhà cũng như đến trường.
Khi trẻ trở lại trường, trường chuẩn bị nước rửa tay khử khuẩn đặt ở nhiều vị trí. Hằng ngày, giáo viên đón trẻ, hỗ trợ, hướng dẫn rửa tay và tổ chức đo nhiệt độ cho các em. Trong ngày học sinh đi học trở lại, trường bố trí khu vực hướng dẫn phụ huynh khai báo tế ngay cổng trường. Đặc biệt, công tác tổ chức bữa ăn bán trú cho trẻ được nhà trường chú trọng nhằm đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, an toàn phòng dịch. “Ở lứa tuổi mẫu giáo, các bé đã nắm rõ và ý thức hơn trong việc thực hiện Thông điệp 5K của Bộ Y tế về phòng dịch. Tuy nhiên ở lứa tuổi nhà trẻ, vấn đề này khó khăn hơn, do đó cả phụ huynh và giáo viên phải chủ động thực hiện biện pháp bảo vệ trẻ” – cô Phùng Thị Ngọc Hiền chia sẻ
Trường Trung học cơ sở Sương Nguyệt Anh (Quận 8) có 1.280 học sinh. Thống kê của trường, trong sáng 1/3 có 29 học sinh vắng, chủ yếu là khối 6. Theo lãnh đạo nhà trường, trong số học sinh vắng có một số học sinh có biểu hiện mệt mỏi nên phụ huynh chủ động báo nhà trường cho các em ở nhà theo dõi để đảm bảo an toàn phòng dịch. Trong tiết chào cờ sáng 1/3, nhà trường cũng dành thời gian tuyên truyền về các biện pháp phòng dịch, hướng dẫn các em học sinh thực hiện theo Thông điệp 5K.
Về chương trình học sau khi học sinh trở lại trường, thầy Nguyễn Hoàng Dũng, Phó Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Sương Nguyệt Anh cho biết, tuần này trường triển khai dạy và học kiến thức mới của tuần 24 theo kế hoạch năm học. Đồng thời, giáo viên cũng kết hợp ôn tập củng cố kiến thức ở tuần 23 cho học sinh. Trước đó, 100% học sinh nhà trường đã học đủ chương trình học theo kế hoạch, thông qua nhiều hình thức học tập khác nhau. Thống kê hằng ngày có khoảng 900 học sinh của trường tham gia học trực tuyến tương tác. Còn những em chưa có điều kiện học trực tuyến tương tác cũng chủ động học tập qua video do nhà trường đưa lên trang web trường và nhiều kênh khác.
Trong sáng 1/3, Trường Mầm non Nam Sài Gòn (Quận 7) có 411 trong tổng số 480 trẻ đi học lại. Cô Lê Thị Xuân Thương, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, trong số những bé nghỉ học có một số trẻ về quê chưa về lại thành phố; một số gia đình có người trông giữ trẻ nên phụ huynh chưa cho con đến trường. Để đảm bảo điều kiện an toàn phòng dịch, bên cạnh công tác vệ sinh, khử khuẩn toàn trường đã được thực hiện trước khi đón trẻ trở lại trường, hằng ngày nhà trường thực hiện vệ sinh thường xuyên theo quy định.
Đón học sinh trở lại trường, Trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm (Quận 1) thực hiện nghiêm các biện pháp phòng dịch như tổ chức đo thân nhiệt cho học sinh, hướng dẫn học sinh rửa tay sát khuẩn trước khi vào trường. Cô Tống Thị Mai Hương, Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết, trường tổ chức đón học sinh ở 3 cổng để đảm bảo yêu cầu giãn cách. Đồng thời, trường không tổ chức sinh hoạt chào cờ ở sân trường mà hướng dẫn học sinh di chuyển thẳng về các phòng học để giáo viên sinh hoạt đầu tuần, lưu ý các biện pháp phòng chống dịch. Trong tuần đầu tiên trở lại trường, giáo viên sẽ linh hoạt việc dạy học, trong đó vừa học kiến thức tuần mới vừa ôn tập lại kiến thức đã học qua internet trong thời gian qua.
Chuẩn bị cho học sinh trở lại trường, Trường Trung học phổ thông Nguyễn Du (Quận 10) trang bị 3.500 khẩu trang y tế, hơn 300 nón chống tia bắn và 20 bộ đồ bảo hộ cho nhân viên y tế; đảm bảo đủ nước rửa tay khô cho học sinh, khu vực rửa tay đủ chuẩn theo quy định. Trường cũng bố trí 1 phòng cách ly và 1 phòng dự phòng cho các tình huống xảy ra. Trước khi đón học sinh trở lại trường, nhà trường tổng vệ sinh toàn trường nhiều lần.
Ông Lê Hồng Sơn, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, từ 22/2 đến nay, Sở tăng cường rà soát, nắm tình hình cơ sở để hướng dẫn các đơn vị thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng, chống dịch COIVD-19, sẵn sàng đón học sinh trở lại trường. Qua kiểm tra thực tế cho thấy, các trường đã chuẩn bị tốt các điều kiện đảm bảo an toàn phòng dịch theo khuyến cáo của ngành Y tế. Có kinh nghiệm từ năm học trước và sự chuẩn bị kỹ lưỡng nên các trường đều xây dựng kế hoạch phòng dịch tốt, giáo viên có sự chủ động trước các tình huống có thể xảy ra, tuy nhiên ngành giáo dục thành phố cũng quán triệt không chủ quan trước dịch. Thời gian tới, ngành giáo dục tiếp tục phối hợp chặt chẽ với ngành y tế để đảm bảo triển khai tốt công tác phòng, chống dịch trong trường học.
Ghi nhận trong sáng 1/3, do học sinh đi học trở lại, một số tuyến đường xảy ra tình trạng ùn tắc giao thông cục bộ. Khu vực Quốc lộ 13 hướng về vòng xoay cầu Bình Lợi, cầu Bình Triệu và trước khu vực bến xe miền Đông đã xảy ra ùn tắc kéo dài, dẫn đến ùn tắc dây chuyền sang đường Phạm Văn Đồng, hướng thành phố Thủ Đức về trung tâm Thành phố Hồ Chí Minh. Ngoài các khu vực trên, phần lớn các tuyến đường khác hướng về trung tâm thành phố, tình hình giao thông ổn định, dù lượng phương tiện đông hơn những ngày trước đó.