Thông thường, công việc của giáo viên là soạn giáo án và đứng lớp giảng dạy cho học sinh nhưng đối với giáo viên mầm non thì không chỉ đơn giản thế mà họ còn kiêm nhiệm luôn cả nhân viên dọn vệ sinh, bảo mẫu và nhiều chức vụ không tên khác. Bên cạnh đó, họ còn chịu nhiều áp lực từ phía nhà trường và phụ huynh học sinh nhưng thu nhập lại rất thấp. Đó cũng chính là những nguyên nhân dẫn đến nhiều giáo viên mầm non bỏ nghề.
Giáo viên kiêm nhiều việc
Cô Ngọc Châu, giáo viên trường mầm non Tuổi Xanh (quận Tân Bình), tâm sự: Một lớp chỉ có 2 cô giáo nhưng kiêm nhiệm đủ các loại công việc. Trước khi đón trẻ tôi phải lau chùi dụng cụ học tập, lau dọn khu vực phòng học thật sạch. Bên cạnh đó, chúng tôi phải cho trẻ ăn và vệ sinh cá nhân cho từng trẻ.
Giáo viên mầm non phải kiêm nhiệm quá nhiều công việc trong khi lương rất thấp. |
Tùy từng lớp học mà số trẻ nhiều ít khác nhau, nhưng một lớp chỉ có 2 giáo viên mà chăm sóc cho khoảng 12 trẻ với đủ các nhiệm vụ nên công việc khá vất vả. Khi các bé ngủ trưa hoặc vào cuối giờ chúng tôi phải ở lại trường để lau dọn phòng học và chuẩn bị dụng cụ học tập cho ngày hôm sau.
Bà Nguyễn Thị Quyết Tâm, Chủ tịch HĐND TP.HCM, nhận định: Hiện, trên 80% các lớp mầm non không có bảo mẫu nên giáo viên phải kiêm luôn các công việc của bảo mẫu. Giáo viên mầm non phải kiêm nhiệm quá nhiều nhiệm vụ trong một lớp học thì không thể tập trung cho việc nâng cao chất lượng giảng dạy và không đảm bảo theo sát để đảm bảo an toàn cho trẻ.
Theo Sở Giáo dục & Đào tạo TP.HCM, hiện thành phố có 9.066 lớp mầm non với 293.053 học sinh và 10.825 giáo viên mầm non, bình quân 1,19 giáo viên/lớp. Nếu theo quy định của Bộ GD & ĐT là phải có 2 giáo viên/lớp thì thành phố còn thiếu hơn 7.000 giáo viên. Đó là chưa xét đến quy định của Bộ là 2 giáo viên/lớp từ 25 - 30 học sinh, trong khi đó, hiện nay các lớp học đều quá tải, với số lượng học sinh trung bình là 50 - 55 trẻ ở các lớp trong nội thành và 40 - 45 trẻ/lớp ở ngoại thành, điều này cũng đã làm tăng thêm áp lực trong công việc của giáo viên mầm non.
Nguy cơ bỏ nghề vì lương thấp
Công việc nặng nhọc và nhiều áp lực như vậy nhưng mức lương bình quân của một giáo viên mầm non trung bình chỉ từ 1,2 - 1,4 triệu đồng/tháng. Với mức lương thấp như vậy, chỉ có những người yêu trẻ, tận tâm với công việc thì mới có thể tiếp tục với nghề. Theo Sở Giáo dục & Đào tạo TP.HCM, từ đầu năm đến nay đã có 442 cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên mầm non nghỉ việc.
Chị Nông Thị Ninh, trước đây là một giáo viên mầm non, tâm sự: “Tôi thi đậu vào Trường Cao đẳng mẫu giáo trung ương 3 TP.HCM. Ngày còn học tôi mơ trở thành một giáo viên mầm non, nhưng khi ra trường và đi dạy được một năm tôi nghĩ không biết mình có thể tiếp tục theo nghề được không nữa, bởi thu nhập quá thấp mà công việc thì quá nhiều. Lúc đó, sau khi kết thúc công việc ở trường, tôi phải đi làm thêm đủ thứ nghề để kiếm sống như phát tờ rơi, dạy thêm hoặc làm nhân viên phụ quán… Sau khi lập gia đình, tôi phải bỏ công việc giáo viên mầm non và ở nhà kinh doanh các dụng cụ học tập và đồ chơi học sinh”.
Để cải thiện tình trạng thiếu giáo viên mầm non, nhiều năm qua các trường sư phạm trong thành phố đã tăng chỉ tiêu tuyển sinh vào ngành này nhưng việc tuyển sinh cũng gặp nhiều khó khăn. Bởi, thực tế nhiều năm qua cho thấy, số người đăng ký thi vào ngành giáo dục mầm non ngày càng giảm. Số sinh viên sau khi tốt nghiệp bỏ nghề cũng chiếm tỉ lệ cũng không nhỏ. Cô Hồng Yến nhìn nhận: “Trong thời gian qua nhiều giáo viên mầm non bỏ việc là do công việc nhiều, vất vả nhưng thu nhập không đủ chi tiêu với thời buổi giá cả tăng như hiện nay. Do đó, giáo viên mầm non phải tận tâm với nghề thì mới có thể theo được nghề này lâu dài”.
Bài và ảnh: Đan Phương