TP Hồ Chí Minh đặt mục tiêu phát triển giáo dục đạt trình độ tiên tiến khu vực và quốc tế

Ngành Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh đạt trình độ tiên tiến của khu vực châu Á vào năm 2030, đạt trình độ tiên tiến thế giới vào năm 2045. Đó là mục tiêu đặt ra trong Chiến lược phát triển giáo dục từ nay đến năm 2023, tầm nhìn đến năm 2045 vừa được UBND Thành phố quyết định phê duyệt.

Chú thích ảnh
Sinh hoạt lớp 1 đầu năm học Trường Tiểu học Phạm Văn Chính (thành phố Thủ Đức).

Cụ thể, Thành phố tập trung xây dựng nền giáo dục tiên tiến, hiện đại, hội nhập, trở thành trung tâm giáo dục - đào tạo chất lượng cao của cả nước và khu vực châu Á; bảo đảm sự hài hòa giữa phát triển giáo dục và chất lượng giáo dục. Cùng với đó, xây dựng xã hội học tập, khuyến khích và tạo điều kiện công bằng, thuận lợi để mọi người dân được học tập suốt đời, đào tạo nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế, văn hóa-xã hội, hội nhập quốc tế.

Giai đoạn từ nay đến năm 2030, Thành phố đặt ra nhiều mục tiêu quan trọng về cơ sở vật chất, đội ngũ và chất lượng giáo dục. Trong đó, bảo đảm 60% trường Mầm non, 80% trường Tiểu học, 70% trường Trung học Cơ sở và 50% trường Trung học Phổ thông công lập, đáp ứng điều kiện cơ sở vật chất, trường lớp đạt chuẩn quốc gia. Mỗi quận, huyện, thành phố Thủ Đức có ít nhất 2 trường ở mỗi cấp học thực hiện chương trình chất lượng cao “Trường tiên tiến, hội nhập quốc tế”.

Thành phố có ít nhất 10 trường Trung học Phổ thông, trường Trung học Phổ thông chuyên có điều kiện cơ sở vật chất hiện đại, chất lượng dạy học đạt tiêu chí trường chất lượng cao; 100% trường học trên địa bàn phấn đấu xây dựng theo mô hình trường học thông minh, xây dựng mới 4 trường phổ thông có nhiều cấp học chất lượng cao tại thành phố Thủ Đức, hai huyện Bình Chánh và Củ Chi.

Để nâng cao chất lượng dạy và học, Thành phố đặt mục tiêu đến năm 2030 đảm bảo sỹ số ở các bậc học từ 30-35 học sinh/lớp; 100% trường Tiểu học, 70% trường Trung học Cơ sở, từ 80% trường Trung học Phổ thông dạy và học 2 buổi/ngày. Thành phố chú trọng nâng cao năng lực ngoại ngữ và tin học cho học sinh với mục tiêu 80% học sinh Trung học Phổ thông có thể thông thạo giao tiếp, tiếp cận học tập bằng ngoại ngữ (tương đương bậc 3 khung năng lực ngoại ngữ); 100% học sinh tốt nghiệp Trung học Phổ thông có trình độ ứng dụng công nghệ thông tin cơ bản, 50% học sinh có trình độ tin học đạt chuẩn quốc tế. Mỗi học sinh phổ thông biết chơi ít nhất một môn nghệ thuật, nhạc cụ và luyện tập ít nhất một môn thể thao.

Thành phố xây dựng chính sách thu hút tuyển dụng, phát triển đội ngũ nhà giáo đủ về số lượng và đảm bảo chất lượng. 100% giáo viên Mầm non tốt nghiệp Cao đẳng sư phạm trở lên, trên 85% giáo viên Mầm non có trình độ cử nhân thuộc ngành giáo dục Mầm non; 100% giáo viên Tiểu học, Trung học Cơ sở và Trung học Phổ thông có trình độ cử nhân thuộc ngành đào tạo giáo viên (hoặc tương đương) trở lên; 40% giáo viên Trung học Phổ thông có trình độ Thạc sỹ chuyên ngành. Về trình độ tin học, ngoại ngữ, 100% cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên được đào tạo, bồi dưỡng năng lực, kỹ năng số từ cơ bản đến nâng cao; 80% giáo viên đạt chuẩn mức độ 2 khung năng lực số, đáp ứng mục tiêu chuyển đổi số; 60% giáo viên thành thạo giao tiếp và tiếp cận học liệu bằng ngoại ngữ (tương đương bậc 3 khung năng lực ngoại ngữ).

Tầm nhìn đến năm 2045, Thành phố xây dựng ngành Giáo dục và Đào tạo văn minh, hiện đại, năng động, sáng tạo, phát huy truyền thống đoàn kết, nghĩa tình, tiếp tục văn minh của thế giới. Đặc biệt, thành phố sẽ là nơi thu hút nhân tài, chuyên gia, nhà khoa học, đặc biệt nguồn nhân lực chất lượng cao đến học tập, sinh sống và làm việc, góp phần xây dựng thành phố phồn vinh, cuộc sống người dân ấm no, gia đình hạnh phúc.

Thành phố Hồ Chí Minh hiện có khoảng 1,6 triệu học sinh, hơn 77.400 giáo viên, hơn 2.300 trường học từ Mầm non đến Trung học Phổ thông, trong đó có khoảng 15% trường chuẩn quốc gia, 57 thực hiện Trường tiên tiến, hội nhập quốc tế. Những năm qua, Thành phố luôn giữ vững kết quả phổ cập giáo dục các bậc học. Công tác giáo dục toàn diện cho học sinh được quan tâm, hoạt động giáo dục tư tưởng, đạo đức, lý tưởng sống, phẩm chất công dân; chất lượng đội ngũ nhà nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục không ngừng nâng cao, đảm bảo trình độ đạt chuẩn…

Tin, ảnh: Thu Hoài (TTXVN)
Hà Nội: Dự kiến mở rộng khảo sát đến học sinh lớp 11 toàn thành phố
Hà Nội: Dự kiến mở rộng khảo sát đến học sinh lớp 11 toàn thành phố

Nhằm giúp học sinh có điều kiện làm quen, tập dượt cho Kỳ thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội dự kiến tổ chức khảo sát toàn thành phố. Khác với mọi năm chỉ khảo sát học sinh lớp 12, năm học 2023 - 2024, Hà Nội sẽ mở rộng đối tượng khảo sát tới học sinh lớp 11.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN