Ông Đào Anh Tuấn, Phó Giám đốc Sở Giáo đục và Đào tạo Yên Bái: Những đề án giáo dục vùng khó khăn gắn chặt với chủ trương đổi mới giáo dục
Trong công cuộc công nghiệp hoá hiện đại hoá, chúng tôi bày tỏ sự tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng với giáo dục miền núi.
Video ông Đào Anh Tuấn chia sẻ:
Riêng với Yên Bái, được sự chỉ đạo của Tỉnh uỷ, Hội đồng nhân dân tỉnh đã thông qua chuyên đề nâng cao chất lượng đào tạo 2020-2025. Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh đã phê duyệt đề án về giáo dục và đào tạo; Đề án triển khai giáo dục phổ thông năm 2018 gắn với xây dựng trường chuẩn quốc gia trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2020 - 2025; Đề án phát triển giáo dục mầm non 2020 -2025; Đề án phát triển THPT chuyên Nguyễn Tất Thành.
Các đề án đó thể hiện quan điểm, tư tưởng lãnh đạo của Đảng, vì sự nghiệp giáo dục đào tạo và vì tương lai đồng bào các dân tộc miền núi, vùng cao Yên Bái.
Thầy Lê Thanh Long, Hiệu trưởng trường Tiểu học Kim Đồng (thành phố Yên Bái, tỉnh Yên Bái): Nỗ lực triển khai tốt chương trình giáo dục phổ thông mới
Trong sự nghiệp lãnh đạo vẻ vang, Đảng ta với những quyết sách đúng đắn đã đưa đất nước và dân tộc Việt Nam vững bước trên con đường đổi mới; trong đó giáo dục và đào tạo được đặc biệt quan tâm và là quốc sách hàng đầu. Nghị quyết 29-NQ/TƯ về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo đã tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về giáo dục và đào tạo trong những năm qua.
Video thầy Lê Thanh Long chia sẻ:
Là một Bí thư chi bộ, Hiệu trưởng của một trường tiểu học tại thành phố Yên Bái, chúng tôi nhận thức rõ nhiệm vụ của chi bộ và nhà trường trong việc cố gắng phấn đấu thực hiện hiệu quả việc triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018 tại nhà trường và địa phương, góp phần thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng về đổi mới giáo dục.
Kết thúc học kỳ đầu tiên triển khai sách giáo khoa lớp 1 theo chương trình giáo dục phổ thông mới, chúng tôi đã có những kết quả tốt. Đó là việc học sinh đọc thông, viết thạo; còn giáo viên đã vượt qua những rào cản “phương pháp mới”. Đến nay, cả giáo viên và học sinh về cơ bản đã tự tin bước sang học kỳ II, đồng thời, nhà trường chuẩn bị sẵn sàng đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất để triển khai chương trình, sách giáo khoa mới lớp 2, khi sách giáo khoa ở khối học này được phê duyệt.
Trong những ngày này, cán bộ, viên chức nhà trường đang tích cực thi đua lập thành tích chào mừng Đại hội Đảng XIII với niềm tin tưởng Đại hội sẽ thành công tốt đẹp. Đảng ta sẽ tiếp tục lãnh đạo đất nước lập thêm nhiều kỳ tích mới; giáo dục và đào tạo sẽ tiếp tục được quan tâm để hoàn thành sứ mệnh đổi mới; xây dựng con người Việt Nam mới, phát triển toàn diện, đáp ứng yêu cầu nguồn nhân lực trong thực hiện công cuộc đổi mới của Đảng, đưa đất nước sánh vai với các cường quốc năm châu như Chủ tịch Hồ Chí Minh mong đợi.
Ông Lưu Quang Lợi, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Văn Yên, Yên Bái: Những quyết sách về giáo dục đã đến được từng giáo viên, học sinh
Sau 4 năm thực hiện đề án sắp xếp quy mô mạng lưới trường lớp đối với giáo dục mầm non, phổ thông trên địa bàn tỉnh, về cơ bản, huyện Văn Yên đã đạt được mục tiêu đề ra của đề án. Huyện Văn Yên giảm 29 trường, giảm 85 điểm trường lẻ, vượt chỉ tiêu đề ra; tỷ lệ huy động học sinh tới lớp rất cao: 100% học sinh tiểu học; 99,9% học sinh THCS.
Chúng tôi đưa học sinh tập trung về một điểm trường chính với những điều kiện học tập tốt hơn, đồng thời, củng cố xây dựng thêm mô hình trường học bán trú. Sau khi sắp xếp mạng lưới trường lớp, huyện Văn Yên có 11 trường phổ thông dân tộc bán trú. Với mô hình bán trú đặc trưng, sĩ số đông, chúng tôi đã tham mưu với UBND huyện có những văn bản hướng dẫn nhằm đồng bộ những nội dung liên quan công tác bán trú của Sở GD&ĐT cũng như Hội đồng nhân dân tỉnh đã ban hành.
Cụ thể, bên cạnh Nghị định 116 của Chính phủ về chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức và người hưởng lương trong lực lượng vũ trang công tác ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, UBND tỉnh Yên Bái ban hành Nghị quyết 57 về chính sách hỗ trợ ăn trưa với học sinh trường phổ thông dân tộc bán trú, hỗ trợ kinh phí phục vụ thuê khoán lao động nấu ăn cho học sinh bán trú (giai đoạn 2016 - 2020). Thấy được những hiệu quả của Nghị quyết qua 3 năm thực hiện, vừa rồi, HĐND tỉnh tiếp tục ban hành Nghị quyết 70 thay thế Nghị quyết 57, trong đó cơ bản tiếp tục thực hiện chế độ ưu đãi và có 3 điểm mới ưu đãi hơn về số lượng phục vụ, kinh phí dành cho nhân viên phục vụ.
Cụ thể, trước đây Nghị định 116 quy định hỗ trợ 150.000 đồng/học sinh/tháng. Tuy nhiên, trên thực tế, sĩ số học sinh trường phổ thông dân tộc nội trú nhiều hơn, có trường 400- 500 học sinh, Hội đồng nhân dân tỉnh đã ban hành Nghị quyết hỗ trợ thêm số lượng nhân viên nấu ăn cũng như định mức kinh phí cho đảm bảo phục vụ chất lượng bữa ăn tốt hơn. Ngoài ra, trường phổ thông dân tộc bán trú có chế độ cho quản sinh cả ngày. Với những học sinh ở trường dân tộc bán trú học 2 buổi/ngày nhưng khoảng cách chưa đủ xa, đi lại trong ngày khó khăn, Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành quyết định hỗ trợ 150.000 đồng/học sinh/tháng.
Sau một thời gian triển khai, những chủ trương, quyết sách về giáo dục của Đảng, Nhà nước đã đến được từng giáo viên, học sinh. Học sinh đến trường đầy đủ, cuối tuần nhiều em xin ở lại trường để ôn tập. Ngoài việc học chính khoá, học sinh được tham gia lớp học buổi tối củng cố kiến thức; tham gia văn hoá văn nghệ, rèn luyện kỹ năng sống. Kết quả, công tác bán trú góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện của huyện Văn Yên nói riêng và của tỉnh Yên Bái nói chung. Đây là một minh chứng rất rõ về việc thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng gắn với nhu cầu thực tế của địa phương.