Tập trung bồi dưỡng cho 4 đối tượng
Trả lời về tiến độ triển khai biên soạn sách giáo khoa mới, ông Nguyễn Xuân Thành, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho biết: Thực hiện Nghị quyết 88/2014/QH13 của Quốc hội về việc đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ tổ chức biên soạn một bộ sách giáo khoa đầy đủ cho tất cả các môn học. Trong vài ngày tới, Bộ sẽ có thư mời và tuyển đội ngũ tác giả chủ biên, sau đó tổ chức tập huấn để đảm bảo sách giáo khoa thể hiện được mục tiêu, nội dung của chương trình giáo dục phổ thông mới theo phương pháp phát triển phẩm chất, năng lực học sinh.
Sau khi biên soạn, trong học kỳ I năm học 2019-2020, bản thảo sách giáo khoa sẽ được triển khai thực nghiệm ở một số cơ sở giáo dục phổ thông, tập trung vào lớp 1. Việc thực nghiệm được tiến hành ở những nội dung mới, phương pháp, cách thức tổ chức dạy học, đáp ứng yêu cầu phát triển phẩm chất, năng lực học sinh.
Liên quan đến lộ trình bồi dưỡng đội ngũ cho chương trình giáo dục phổ thông mới, theo ông Nguyễn Xuân Thành, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chuẩn bị kế hoạch cụ thể để triển khai, tập trung bồi dưỡng cho 4 đối tượng: Cán bộ quản lý cấp Sở Giáo dục và Đào tạo, phòng Giáo dục và Đào tạo; hiệu trưởng, phó hiệu trưởng các cơ sở giáo dục phổ thông; giáo viên và giảng viên sư phạm chủ chốt. Nội dung tập huấn bám theo chuẩn nghề nghiệp giáo viên, chuẩn hiệu trưởng cơ sở giáo dục phổ thông.
Trong năm 2019, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ tập trung bồi dưỡng để cán bộ quản lý và giáo viên hiểu về mục tiêu, nội dung, phương pháp giáo dục, kiểm tra đánh giá cũng như các điều kiện cần thiết để triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới. Nội dung tập huấn sẽ sát với từng đối tượng. Để làm được việc này, phương thức bồi dưỡng sẽ kết hợp giữa bồi dưỡng qua mạng và trực tiếp. Trong đó, việc thiết kế nội dung bồi dưỡng trên mạng được quan tâm. Các khóa tập huấn không chỉ cung cấp kiến thức lý thuyết mà còn tập trung nhiều vào nghiên cứu trường hợp cụ thể, có bài học minh họa.
Sửa đổi quy định về thi giáo viên giỏi
Liên quan đến vấn đề giảm áp lực cho đội ngũ giáo viên, ông Hoàng Đức Minh, Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục cho biết: Ngày 18/1/2019, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ký ban hành Chỉ thị số 138/CT-BGDĐT về việc chấn chỉnh tình trạng lạm dụng hồ sơ, sổ sách trong nhà trường. Theo Chỉ thị, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo, Hiệu trưởng nhà trường tuyệt đối không được quy định thêm hoặc yêu cầu giáo viên có thêm các loại hồ sơ, sổ sách ngoài những loại hồ sơ, sổ sách theo quy định tại Điều lệ hoặc Quy chế nhà trường do Bộ ban hành.
Giáo viên được phép chọn hình thức trình bày, viết tay hoặc đánh máy khi sử dụng các loại hồ sơ, sổ sách theo quy định. Các trường từng bước sử dụng hồ sơ, sổ sách điện tử thay cho các loại hồ sơ, sổ sách hiện hành theo lộ trình phù hợp với điều kiện của địa phương, nhà trường và khả năng thực hiện của giáo viên.
Về việc sửa đổi quy định của các cuộc thi giáo viên giỏi, giáo viên chủ nhiệm giỏi, ông Hoàng Đức Minh chia sẻ: Bộ Giáo dục và Đào tạo đã xây dựng dự thảo sửa đổi quy định về hai kỳ thi trên theo hướng chuyển việc thi sang xét giáo viên giỏi thông qua tiêu chí cốt lõi của chuẩn. Với giáo viên chủ nhiệm giỏi thì gắn với các tiêu chí về giáo dục; giáo viên dạy giỏi gắn với tiêu chí về giảng dạy trong chuẩn nghề nghiệp. Từ đó, các ngành chức năng sẽ tiến tới công nhận thông qua hậu kiểm, qua tiến bộ của người học, qua tín nhiệm của phụ huynh học sinh và cộng đồng. Đặc biệt, ngành giáo dục sẽ không gắn kết quả thi giáo viên giỏi, chủ nhiệm giỏi với thành tích tập thể mà coi đây là sân chơi để tôn vinh lao động của nhà giáo, đồng thời, bồi dưỡng nâng cao năng lực.
Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục đã trình Bộ trưởng dự thảo này và trong thời gian sớm nhất sẽ đăng tải công khai trên mạng để lấy ý kiến góp ý.
Tại cuộc họp báo, đại diện Vụ Giáo dục Trung học cũng đã giải đáp băn khoăn của một số phụ huynh liên quan đến việc trao giải Nhất cho một số công trình trong cuộc thi khoa học kỹ thuật cấp quốc gia dành cho học sinh trung học, khu vực phía Bắc.
Theo ông Nguyễn Xuân Thành, quy trình chấm giải của cuộc thi đã đảm bảo đúng quy chế. Ban Giám khảo được Bộ lựa chọn trong cuộc thi này là các nhà khoa học uy tín, có học vị tiến sĩ trở lên, thuộc các chuyên ngành phù hợp với các lĩnh vực dự thi. Mỗi nhóm lĩnh vực có từ 8-12 giám khảo. Các giám khảo sẽ bốc thăm để chọn dự án chấm. Mỗi dự án được chấm hai phần, tổng điểm là 100. Phần 1 chấm trên báo cáo tóm tắt với thang điểm tối đa là 45 điểm. Phần 2 tổng điểm là 55, bao gồm cả phỏng vấn thí sinh. Mỗi giám khảo sẽ chấm độc lập và tính điểm trung bình của tất cả các giám khảo. Nếu điểm của giám khảo nào chênh lệch quá 20% so với điểm trung bình thì điểm đó bị loại.
Ông Nguyễn Xuân Thành cũng nhấn mạnh: Việc chấm thi của cuộc thi này là chấm cả quá trình nghiên cứu khoa học của học sinh, không chỉ chấm kết quả sau cùng. Khi có ý kiến của một số phụ huynh chưa đồng tình với kết quả này, để đảm bảo quyền lợi của học sinh và tính công khai, minh bạch của cuộc thi, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã quyết định thành lập Hội đồng chấm thẩm định, gồm 2 tiểu ban, mỗi tiểu ban có 5 người. Kết quả chấm thẩm định cho ra kết quả phù hợp với kết quả đánh giá ban đầu của cuộc thi.