Lùi thời điểm thực hiện chương trình sách giáo khoa mới 2 năm

Quốc hội đã tiến hành biểu quyết thông qua Luật Cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài, Luật Thủy sản và Nghị quyết về lùi thời điểm triển khai chương trình giáo dục phổ thông và sách giáo khoa mới.

Toàn cảnh kết quả biểu quyết thông qua Luật Thủy sản (sửa đổi). Ảnh: Văn Điệp/TTXVN

Chiều 21/11, Quốc hội đã tiến hành biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài; biểu quyết thông qua Luật Thủy sản (sửa đổi) và Nghị quyết về việc lùi thời điểm triển khai áp dụng chương trình giáo dục phổ thông và sách giáo khoa mới tại Nghị quyết số 88/2014/QH13 ngày 28/11/2014 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.

Ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài.

Sau đó, Quốc hội tiến hành biểu quyết. Với 446/446 số phiếu tán thành, Quốc hội đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cơ quan đại diện nước  Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài.

Cũng trong chiều 21/11, ông Hoàng Thanh Tùng, Phó Chủ nhiệm UB Pháp luật của Quốc hội đã trình bày Dự thảo Nghị quyết điều chỉnh lộ trình thực hiện sách giáo khoa, giáo dục phổ thông sau khi đã tiếp thu và lấy phiếu ý kiến của đại biểu Quốc hội.

Theo đó, Quốc hội tán thành với việc điều chỉnh lộ trình áp dụng, thời hạn áp dụng chương trình theo hình thức cuốn chiếu, chậm nhất từ năm học 2020 - 2021 với cấp tiểu học, từ 2021 - 2022 đối với cấp trung học cơ sở, 2022 - 2023 với cấp phổ thông. Như vậy, không quy định “cứng” việc lùi thời điểm áp dụng chương trình này trong thời hạn 1 năm mà có thể chậm nhất là 2 năm.

Bên cạnh đó, Chính phủ chỉ đạo xây dựng chương trình sách giáo khoa mới bảo đảm không tăng kinh phí, bố trí đủ nguồn lực, điều kiện về đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục cơ sở vật chất để triển khai áp dụng.

Kết quả biểu quyết, các đại biểu đã thống nhất thông qua Nghị quyết với 445 đại biểu tham gia (chiếm 90,63%) và 438 đại biểu tán thành (89,21%).


Trước đó, tại cuộc thảo luận về Dự thảo Nghị quyết này, nhiều đại biểu đồng tình với việc lùi thời gian áp dụng 1 năm so với thời hạn ban đầu đưa ra. Tuy nhiên, cũng có ý kiến đề nghị lùi lại 2 năm, tức bắt đầu thực hiện từ năm 2020 - 2021 với cấp tiểu học. Nguyên nhân đưa ra là trong thời gian qua, công việc đã bị chậm tiến độ, phần việc còn lại lớn nên nếu chỉ lùi 1 năm sẽ không đáp ứng được chất lượng đổi mới. 

Căn cứ ý kiến, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã gửi phiếu lấy ý kiến của đại biểu, tuy nhiên, cả hai phương án đều đều không vượt quá 50%. Từ đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề xuất thời hạn bắt đầu chậm nhất là từ năm 2020 - 2021 với cấp tiểu học.

Cũng trong chiều 21/11, Quốc hội cũng biểu quyết thông qua Luật Thủy sản (sửa đổi) với 437/441 đại biểu Quốc hội tán thành.

H.V/Báo Tin tức
Quốc hội xem xét lùi thời điểm áp dụng chương trình sách giáo khoa mới
Quốc hội xem xét lùi thời điểm áp dụng chương trình sách giáo khoa mới

Chiều 2/11, Quốc hội thảo luận tại hội trường về việc lùi thời điểm triển khai áp dụng chương trình giáo dục phổ thông và sách giáo khoa mới.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN