Thúc đẩy giáo dục quốc tế tại Việt Nam

Theo các chuyên gia giáo dục, “làn sóng” học sinh, sinh viên đang du học muốn trở về Việt Nam do ảnh hưởng của dịch COVID-19 tại nhiều nước trên thế giới đang là "cú hích" thúc đẩy chương trình giáo dục quốc tế tại Việt Nam phát triển.

Xu hướng tất yếu

Tại Hội nghị thúc đẩy cơ hội học tập chương trình giáo dục quốc tế tại Việt Nam mới đây, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Phùng Xuân Nhạ khẳng định, việc kiểm định các chương trình quốc tế, trường đại học quốc tế tại Việt Nam sẽ là xu hướng tất yếu trong thời gian tới và sẽ trở thành chính sách thúc đẩy giáo dục quốc tế tại Việt Nam.

Chú thích ảnh
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ chia sẻ về chính sách mở với giáo dục quốc tế. Ảnh: LV.

Chia sẻ về thực trạng đào tạo quốc tế tại Việt Nam, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết: Những năm gần đây, xu hướng giáo dục quốc tế ngày càng phát triển mạnh, phương thức hợp tác giữa các trường đại học không chỉ dừng lại ở việc tổ chức trọn vẹn chương trình đào tạo ở nước ngoài, mà xuất hiện nhiều phương thức đào tạo linh hoạt, phù hợp với nhu cầu người học. Cụ thể, chương trình đào tạo được thiết kế, kiểm định linh hoạt, sinh viên không phải học ở một nơi từ đầu đến cuối khóa học. Trong quá trình học, sinh viên có quyền tiếp cận nhiều nền văn hóa khác nhau.

“Các trường không chỉ dừng lại ở nhu cầu của người học, mà rộng hơn là đáp ứng được yêu cầu của tất cả những người liên quan, người học, người dạy, phụ huynh... Thực tế, nhiều bậc phụ huynh  không muốn con em đi học nước ngoài suốt 4 năm, mà muốn con có thời gian ở cùng gia đình, nên chương trình đào tạo đáp ứng được nhu cầu xã hội này sẽ là xu hướng tất yếu”, Bộ trưởng cho biết.

Trên thực tế, Luật Giáo dục năm 2019, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học được ban hành đã thúc đẩy quá trình tự chủ đại học, đẩy mạnh kiểm định chất lượng giáo dục, mở ra nhiều hơn nữa cơ hội thu hút các trường đại học xuất sắc vào Việt Nam. Hiện nay, có 5 trường đại học quốc tế đã tới Việt Nam và dự kiến sẽ còn nhiều trường quốc tế tiếp tục đăng ký.

Do vậy, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho rằng, giáo dục đại học cần khuyến khích đầu tư các trường tư thục ở Việt Nam, hướng tới đẳng cấp quốc tế. Đơn cử hiện nay như trường VinUni là ví dụ điển hình về đẳng cấp quốc tế. Bộ GD&ĐT đã tham mưu với Chính phủ ban hành Nghị định 86/CP với nhiều quy định hợp lý về vấn đề này.

“Trong khi nhiều du học sinh Việt Nam đang lúng túng chưa biết định hướng như thế nào trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp tại nhiều nước, nếu trở về Việt Nam sẽ học ở đâu, thì sứ mạng của các trường đại học là tạo điều kiện cho du học sinh trở về được học ở môi trường tốt nhất và tạo cơ hội để các trường trong và ngoài nước kết nối với nhau, đưa ra các chương trình đào tạo phù hợp...", Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh.

Đào tạo chương trình quốc tế chất lượng ngay từ đầu

Chia sẻ về những chính sách mở trong thúc đẩy đào tạo giáo dục quốc tế, PGS, TS Phạm Quang Hưng, Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế (Bộ GD&ĐT) cho biết: Năm 2018, Bộ đã trình Chính phủ Luật Giáo dục sửa đổi, Nghị định 99/CP về đẩy mạnh quốc tế hoá giáo dục đại học, cho phép mở phân hiệu các trường đại học trên thế giới ở Việt Nam, trong đó nhấn mạnh tự chủ chương trình, nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế...

Bên cạnh đó, Bộ cũng trình Chính phủ ban hành Nghị định 86/CP/2018 về thúc đẩy đầu tư nước ngoài giáo dục đào tạo, trong đó quy định chương trình liên kết đào tạo, cho phép liên kết đào tạo online, thành lập trường đại học quốc tế ở Việt Nam, cho phép mở phân hiệu, đại diện cơ sở giáo dục nước ngoài ở Việt Nam...

Theo thống kê của Bộ GD&DDT, cả nước hiện có 452 chương trình quốc tế, chương trình liên kết đào tạo ở Việt Nam, với khoảng 27.000 sinh viên nước ngoài học tập tại Việt Nam đến từ nhiều nước như Pháp, Anh, Mỹ, Úc…

Về vấn đề này, theo Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, nếu chỉ nghĩ đến việc giữ chân học sinh, sinh viên Việt Nam ở lại Việt Nam sẽ bị bó buộc. Vì vậy, vừa phải khuyến khích học sinh đi du học, vừa phải tạo ra những chương trình liên kết đào tạo tốt để học sinh ở Việt Nam vẫn được học tập trong môi trường quốc tế ở trong nước.

Qua rà soát, trong số 452 chương trình liên kết đào tạo quốc tế, thì chủ yếu là lĩnh vực kinh tế, quản lý, còn thiếu nhiều ngành, lĩnh vực khác như: Công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, phần mềm, du lịch… Ngoài ra, các ngành thuộc lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn cũng còn nhiều tiềm năng để mở rộng liên kết đào tạo quốc tế, từ đó mở rộng cơ hội trải nghiệm cho sinh viên quốc tế tại Việt Nam, nhưng vẫn chưa được mở rộng.

Trước thực tế này, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh: Thực hiện chương trình liên kết đào tạo quốc tế, các trường đại học Việt Nam cần phải lưu ý đến chất lượng, kiểm định chất lượng đào tạo, để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của xã hội; đồng thời, đào tạo được chương trình nào cần phải phát triển mạnh chương trình đó ngay từ đầu, nhằm hướng tới chất lượng đào tạo quốc tế.

Lê Vân/Báo Tin tức
Lưu học sinh Việt Nam thận trọng với thông tin tổ chức chuyến bay về nước
Lưu học sinh Việt Nam thận trọng với thông tin tổ chức chuyến bay về nước

Ngày 22/4, Cục trưởng Cục hợp tác Quốc tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Phạm Quang Hưng vừa có văn bản thông báo cho lưu học sinh Việt Nam ở nước ngoài cần hết sức thận trọng với các tổ chức, cá nhân nhận danh nghĩa cơ quan đại diện ngoại giao để tổ chức chuyến bay về Việt Nam.  

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN