Thư viện tư nhân Dương Liễu: "Sân chơi” bổ ích cho thiếu nhi nông thôn

Tại xã Dương Liễu, Hoài Đức (Hà Nội), có một thư viện tư nhân đã trở thành điểm đến thú vị cho các em nhỏ mỗi khi rảnh rỗi. Đến với thư viện này, bên cạnh việc được mượn và đọc hoàn toàn miễn phí các loại sách, truyện theo sở thích, các em còn được tham gia trải nghiệm những hoạt động tập thể, giao lưu, trò chuyện nhằm nâng cao kỹ năng giao tiếp và làm quen một số kỹ năng sống…

Điểm đến quen thuộc

Cứ mỗi cuối tuần, bé Trần Thúy Nga (12 tuổi) lại náo nức chờ xong bữa cơm buổi tối để xin bố mẹ đưa đến thư viện Dương Liễu. Tại đây bé được đọc những quyển truyện tranh thiếu nhi yêu thích và gặp các bạn cùng trang lứa.

Thư viện tư nhân Dương Liễu góp phần hình thành văn hóa đọc cho trẻ em nông thôn.


Đã gần hai năm nay, thư viện Dương Liễu luôn nhộn nhịp các em nhỏ tìm tới, nhất là dịp cuối tuần và kỳ nghì hè. Với trên 1.500 đầu sách từ văn học, sách ngoại ngữ, giáo khoa, sách thiếu nhi, tới những cuốn “hạt giống tâm hồn” và truyện tranh… phù hợp với nhiều lứa tuổi từ thiếu niên tới nhi đồng nên đây luôn là địa điểm quen thuộc để các bạn nhỏ tới đọc và mượn sách, truyện mỗi khi rảnh rỗi.

Cô Nguyễn Thị Ngân, mẹ của bé Nhân (14 tuổi, ở đội 10 xã Dương Liễu) đánh giá: “Thư viện ra đời đã đáp ứng được mong muốn của nhiều bậc phụ huynh như chúng tôi về một không gian sinh hoạt văn hóa lành mạnh cho các con. Các con được giải trí, được đọc sách, tránh xa được những trò game vô bổ không lành mạnh”.


Chia sẻ về số lượng bạn đọc tìm tới, anh Phùng Bá Hưng, người trực tiếp quản lý thư viện cho biết, trung bình mỗi ngày cuối tuần có khoảng từ 30-40 lượt em nhỏ tới thư viện đọc sách. Cao điểm có thể tới trên 100 lượt. Để tạo điều kiện tối đa cho các em nhỏ ham sách, ngoài việc đọc trực tiếp tại thư viện, các em nhỏ được mượn sách về nhà (trung bình 60-70 lượt/ngày). “Tới thời điểm này, đã có trên 700 thẻ bạn đọc dùng để mượn sách được chúng tôi phát ra”, anh Hưng nói.

Nâng cao văn hóa đọc

Hiện nay, trong khi văn hóa đọc sách đang đi xuống bởi thông tin mạng, sách điện tử cùng nhiều lựa chọn khác để giải trí... thì những thư viện tư nhân như tại Dương Liễu có vai trò quan trọng trong việc kích thích tình yêu sách và văn hóa đọc của các bạn trẻ. Bên cạnh đó, với quy mô nhỏ gọn, lại lập ngay tại địa phương nên các bé được tạo điều kiện tối đa để đến gần nhất với sách. “Hôm nào cuối tuần bọn trẻ cũng kéo đến chật cả ngõ, nhiều hôm chúng nó đến từ sớm chờ ở ngoài cổng. Nhìn con trẻ ham đọc sách mà mình cũng thấy vui”, bà Nguyễn Thị Phấn, nhà đối diện thư viện Dương Liệu hồ hởi nói.

Thư viện Dương Liễu được thành lập ngày 11/9/2013 và mở cửa tối thứ 3, tối thứ 5 và cả ngày thứ 7 và chủ nhật hàng tuần. Chủ nhân của nó là anh Nguyễn Bá Lương, một người con của xã Dương Liễu, Hoài Đức (Hà Nội). Anh Lương cho biết: “Là một người con của địa phương lại vốn có niềm đam mê sách từ nhỏ nên tôi đã thành lập thư viện này với mong muốn phát triển văn hóa đọc cho các em. Dù quy mô còn nhỏ, diện tích chỉ gần 40 m2, số sách chưa nhiều, chưa đồng đều nhưng thư viện đã đầu tư thành địa chỉ tin cậy của các em. Hiện tại và tương lai tôi sẽ tiếp tục mua thêm sách mới, vận động các nguồn để thư viện đáp ứng nhu cầu của các cháu”.

Hiện nay, nhiều em nhỏ, rồi các bạn học sinh các xã lân cận như Minh Khai, Cát Quế... của Hoài Đức cũng tìm tới thư viện. Bên cạnh việc nâng cao văn hóa đọc, thư viện cũng là địa chỉ tốt để giúp các cháu thư giãn sau nhiều giờ học tập căng thẳng. Nhiều phụ huynh khi được hỏi đều cho rằng, mô hình thư viện này rất hữu ích, bên cạnh những kiến thức từ sách, các em cũng được rèn thói quen kỷ luật thông qua nội quy tại thư viện như cách xếp hàng đăng kí mượn sách, giữ trật tự nơi đông người, trả sách đúng hẹn... từ đó, hình thành những kỹ năng sống cho trẻ.

Thư viện Dương Liễu liên tục bổ sung thêm sách mới nhằm phục vụ tốt hơn cho niềm đam mê của các bé. Cùng với đó, hàng tháng thư viện đều tổ chức các hoạt động tập thể cho các bé như: “Mỗi người một cuốn sách” nhằm vận động hiến sách tình nguyện, “Tấm thiệp tặng thầy, cô” nhằm giáo dục các bé luôn ghi nhớ công ơn thầy, cô bằng những tấm thiệp tự tay bé trang trí hay “Thư gửi ông già Noel”, Cuốn sách em yêu”.... đầy ý nghĩa. Những hoạt động này đã kích thích tính sáng tạo và ham học hỏi, thậm chí cả khả năng giao tiếp của trẻ. Chia sẻ về các hoạt động này, em Phùng Thị Út Vân, 13 tuổi (đội 7B, Dương Liễu, Hoài Đức) cho biết, ngoài sách, truyện được mượn đọc, em còn được giao lưu với nhiều người bạn mới, được phát biểu trước đám đông và được tham gia làm nhiều thứ mà bình thường em không biết làm như gói bánh chưng, làm thiệp hay thuyết trình sách...
Anh Đức
Tập đoàn Shinsegae hợp tác xây dựng thư viện đồ chơi
Tập đoàn Shinsegae hợp tác xây dựng thư viện đồ chơi

Tập đoàn Shinsegae sẽ tiến hành thành lập Thư viện đồ chơi Hy Vọng đầu tiên tại TP Hồ Chí Minh với kinh phí xây dựng, điều hành và duy trì hoạt động lên tới 3 tỷ đồng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN