Theo các chuyên gia tâm lý, chưa có một độ tuổi thống nhất thích hợp cho bé đi nhà trẻ; điều này phụ thuộc vào hoàn cảnh gia đình, nhận biết của trẻ và khả năng hòa nhập của trẻ. Tuy nhiên, khi gửi bé ở nhà trẻ, phụ huynh cần phải quan tâm đến các yếu tố như cơ sở giữ trẻ, tâm lý của trẻ, người giữ trẻ...
Chọn nhà trẻ uy tín
Sau khi kết thúc kỳ nghỉ thai sản 6 tháng, chị Trần Thu Hiền (Gò Vấp) phải đi làm, nhưng vào thời điểm này chị lại không thuê được người giúp việc, còn bố mẹ của chị ở dưới quê không thể lên Sài Gòn trông cháu được, chị đành phải xin nghỉ không lương 1 tháng để con cứng cáp hơn rồi gửi con vào nhà trẻ.
"Thật sự tôi cũng không biết gửi bé khi còn rất nhỏ như vậy có tốt không nhưng vì hoàn cảnh nên cũng đành phải mang bé đi gửi. Vì bé nhỏ nên rất ít trường nhận giữ, vợ chồng tôi phải lên mạng tìm hiểu thông tin, nhờ người quen giới thiệu mới tìm được trường. Tiêu chí chọn chỗ gửi con của vợ chồng tôi là chỗ đó có cơ sở vật chất tốt và mình có thể theo dõi được hoạt động của bé qua hệ thống camera. Ban đầu cũng thấy lo lắng nhưng cũng may các cô ở đây chăm cháu tốt nên tôi cũng yên tâm", chị Hiền chia sẻ thêm.
Để chọn được cơ sở giữ trẻ an toàn cho bé, phụ huynh cần phải biết cơ sở đó đã được cấp phép hoạt động của cơ quan chức năng chưa, lớp học có đảm bảo vệ sinh an toàn cho trẻ không, chế độ ăn của trẻ, người giữ trẻ có đủ trình độ chuyên môn không...
Phụ huynh cần quan sát, qua trò chuyện với người trông trẻ để đánh giá thái độ yêu thương và sự quan tâm, các kỹ năng chăm sóc cơ bản của người trông trẻ. Bên cạnh đó, phụ huynh cũng cần phải trao đổi rõ ràng những yêu cầu của mình với nhà trường cũng như những điều đặc biệt mà cô cần biết về cháu khi gửi.
Chưa có một quy định nào nào về tuổi đi nhà trẻ của bé, thế nhưng trước khi cho con đến nhà trẻ, phụ huynh cần phải chuẩn bị tâm lý sẵn sàng cho trẻ. |
Giai đoạn thích hợp để trẻ đến lớp
Việc quyết định đưa trẻ tới trường còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như gia đình không có người chăm sóc, trẻ cứng cáp, dễ thích nghi, ham học hỏi hoặc bố mẹ muốn cho con có môi trường được giao lưu học hỏi và va chạm nhiều hơn.
Theo các chuyên gia tâm lý, từ 1- 3 tuổi là giai đoạn bé bắt đầu phát triển mạnh về các giác quan và nhận thức, vì vậy từ 1 tuổi trở lên là thời điểm thích hợp gửi bé đến nhà trẻ, lúc này bé đã nói chuyện rõ ràng và bắt đầu có nhu cầu kết bạn.
Tuy nhiên, kinh nghiệm thực tế cho thấy, trẻ từ 16 - 24 tháng là thời điểm thích hợp nhất để đi lớp. Lứa tuổi đó các bé đã cứng cáp, ăn uống sinh hoạt tốt, có khả năng thích nghi với môi trường mới tốt, ham thích học hỏi và vui chơi. Còn nếu để 3 tuổi mới đi lớp thì khá muộn vì khi đó bé đã có thể có tư tưởng và hành động "chống đối" việc đi lớp khi phải thay đổi môi trường mới, cũng như việc tiếp nhận các thông tin bên ngoài sẽ khó khăn hơn.
Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm thần kinh bệnh viện Nhi Đồng 1 (TP Hồ Chí Minh), trẻ đi đến nhà trẻ trước 18 tháng thì dễ bệnh vặt, còn đi trễ sau 2, 3 tuổi thì khó hòa nhập và có thể chậm nói. Quan trọng nhất, phụ huynh cần phải chuẩn bị trước khi đưa trẻ tới lớp và quan sát tâm lý sau khi trẻ tới lớp.
Trước khi khi đưa trẻ tới lớp, để tránh những bệnh vặt trẻ có thể mắc phải thì phụ huynh cần phải cho trẻ chích ngừa đầy đủ, vẫn tiếp tục cho trẻ bú mẹ để tăng cường sức đề kháng. Bên cạnh đó, phụ huynh cũng cần phải rèn giờ ngủ, rèn giờ ị, rèn trẻ tự múc ăn, rèn cầm muỗng, giải thích cho bé vì sao nên đi nhà trẻ, nếu cần có thể cho trẻ đến nhà trẻ chơi trước hay đi nửa buổi cho trẻ làm quen.
Khi nào trẻ chưa sẵn sàng đi nhà trẻ?
Mỗi trẻ có một khả năng nhận thức khác nhau nên khi thấy trẻ chỉ thích bám mẹ, ít hoạt động và ít chơi với các bạn bè khác gần nhà hoặc cả người thân khác thì chưa nên cho trẻ đi nhà trẻ sớm.
Bên cạnh đó cũng không nên đưa trẻ tới trường sớm khi trẻ vẫn chưa thể nói bập bẹ, chưa biết kêu mẹ khi đi vệ sinh, chưa biết tự nhai thức ăn đặc vừa, chưa tự ăn bằng muỗng, bé chưa hiểu được rõ những điều người khác nói...
Ngoài ra, cũng không nên tiếp tục cho trẻ đi nhà trẻ khi đi nhà trẻ về, bé có biểu hiện khác lạ. Chẳng hạn như trước đây bé biết chỉ vào quần khi muốn đi vệ sinh nhưng bây giờ lại tiêu tiểu trong quần, hoặc không muốn tiếp xúc với người khác, chỉ chơi một mình, bám vào cô giáo suốt ngày, hay mệt mỏi vào cuối ngày, hay khóc khi đi tới trường...