Đến thời điểm này, Bộ Giáo dục và Đào tạo đang khẩn trương lấy ý kiến của các bộ, ngành, địa phương và toàn xã hội để đưa ra phương án tốt nhất, nhằm giảm tải áp lực cho thí sinh cũng như phù hợp với lộ trình đổi mới. Song, vấn đề còn gây tranh luận với nhiều ý kiến khác nhau đó là số lượng các môn thi bắt buộc.
Theo dự thảo phương án thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông từ năm 2025 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, hai phương án được đưa ra lấy ý kiến. Phương án 1: Thí sinh học chương trình Trung học Phổ thông phải thi 6 môn, gồm 4 môn thi bắt buộc (Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ, Lịch sử) và hai môn thí sinh tự chọn trong số các môn còn lại được học ở lớp 12. Phương án 2: Thí sinh thi 5 môn, gồm 3 môn thi bắt buộc (Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ) và hai môn thí sinh tự chọn trong số các môn còn lại được học ở lớp 12 (bao gồm cả Lịch sử).
Kết quả khảo sát của Bộ Giáo dục và Đào tạo trên phạm vi cả nước với trên 130.000 cán bộ, giáo viên tham gia, có 26,41% lựa chọn phương án 1 và 73,59% lựa chọn phương án 2. Theo khảo sát tại Hội nghị công tác quản lý chất lượng với 205 đại biểu là lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo, lãnh đạo các phòng chuyên môn thuộc Sở Giáo dục và Đào tạo, có 31,2% đồng ý với phương án 1 và 68,8% đồng ý với phương án 2.
Tuy nhiên, trong quá trình khảo sát, nhiều chuyên gia, địa phương lại đề xuất thêm phương án: Thí sinh chỉ thi 4 môn, gồm hai môn thi bắt buộc (Toán, Ngữ văn) và hai môn thí sinh tự chọn trong số các môn còn lại được học ở lớp 12.
Như vậy, hiện có 3 phương án được đề xuất trong Kỳ thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông từ năm 2025.
Bộ Giáo dục và Đào tạo đánh giá, ưu điểm của phương án 3 với hai môn bắt buộc, hai môn tự chọn là giảm áp lực thi cử cho học sinh và giảm chi phí cho gia đình học sinh cũng như cả xã hội (thí sinh chỉ thi 4 môn, hiện nay 6 môn). Phương án này không gây nên sự mất cân bằng giữa các tổ hợp tuyển sinh, phù hợp với định hướng nghề nghiệp của các em. Đồng thời, tạo điều kiện cho học sinh dành thời gian học các môn lựa chọn phù hợp với định hướng nghề nghiệp của mình. Tuy nhiên, nhược điểm của phương án này là làm ảnh hưởng đến việc dạy và học môn Lịch sử, Ngoại ngữ, hai môn này hiện đang là môn bắt buộc phải học trong chương trình cấp Trung học Phổ thông.
Về phía học sinh, với xu hướng ngày càng nhiều trường đại học có phương án tuyển sinh riêng, các em mong muốn chỉ thi 4 môn trong kỳ thi tốt nghiệp (với hai môn bắt buộc và hai môn tự chọn) để dành thời gian ôn tập, tham gia các kỳ thi riêng để xét tuyển đại học.
Em Phạm Phương Linh, học sinh Trường Trung học Phổ thông Việt Đức, Hà Nội chia sẻ: Với phương án 2 + 2, em sẽ được lựa chọn các môn mình yêu thích, từ đó có hứng thú học tập hơn và giảm được áp lực ôn tập, thi cử.
Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, nhiều giáo viên lo ngại, nếu chỉ thi 4 môn sẽ ảnh hưởng đến việc dạy và học môn Lịch sử, Ngoại ngữ. Tại Trường Trung học Phổ thông Việt Đức, Hà Nội, các giáo viên có nhiều ý kiến khác nhau, với phương án 1 và 2.
Cô Phan Vũ Diễm Hằng cho rằng: Các em là thế hệ công dân toàn cầu, cần có ngoại ngữ là chìa khóa để tự tin bước vào một hành trình mới. Do vậy, việc học Ngoại ngữ rất quan trọng với học sinh hiện nay. Cô chọn phương án thi ba môn bắt buộc là Toán, Văn, Ngoại ngữ và hai môn tự chọn nằm trong tổ hợp môn các em đã chọn học trong chương trình Trung học Phổ thông.
Cô Lương Thị Thu Hà lại ủng hộ phương án thi 4 môn bắt buộc và hai môn tự chọn. Bởi môn Lịch sử cung cấp tri thức và hành trang tinh thần tất yếu cho học sinh, nhất là để bồi đắp niềm tự hào dân tộc cho các em, nếu không thi, việc học tập môn học này của học sinh sẽ chểnh mảng. Bên cạnh đó, lứa học sinh theo chương trình Trung học Phổ thông mới đã được đăng ký và lựa chọn những môn học mà mình yêu thích ngay từ đầu nên hai môn tự chọn này không phải thách thức quá lớn với các em.
Một số giáo viên nêu quan điểm: Chương trình giáo dục phổ thông mới hướng tới đánh giá năng lực và phẩm chất của học sinh, mà đánh giá là cả quá trình, không chỉ ở điểm thi tốt nghiệp mà còn có điểm thành phần trong cả một năm học. Vì vậy, không nhất thiết phải học gì thi đó mà nên để học sinh lựa chọn theo năng lực của mình.
Thầy Đinh Đức Hiền, giáo viên Hệ thống giáo dục FPT chia sẻ: Việc chọn tổ hợp học và tổ hợp thi như thế nào phải phù hợp với định hướng nghề nghiệp của học sinh. Do vậy, phương án thi nên hướng tới giảm gánh nặng cho học sinh, gia đình và xã hội. Việc đưa môn Lịch sử vào thi bắt buộc sẽ vô tình tạo áp lực lớn cho học sinh và ngược với định hướng nghề nghiệp ở cấp Trung học Phổ thông.
Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm, Phó Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục học Việt Nam nghiêng về phương án 2 + 2, với hai môn bắt buộc là Ngữ văn và Toán. Theo thầy Lâm, nên nghiên cứu và mạnh dạn triển khai phương án này nhằm giảm áp lực cho học sinh, giáo viên, đồng thời, không gây nên sự mất cân bằng giữa các tổ hợp tuyển sinh. Giảm số môn thi, học sinh sẽ có thêm thời gian học các môn lựa chọn phù hợp với định hướng nghề nghiệp của các em.
Trước nhiều ý kiến tranh luận hiện nay, học sinh, giáo viên trên cả nước mong muốn Bộ Giáo dục và Đào tạo sớm công bố phương án lựa chọn môn thi để các nhà trường chủ động xây dựng kế hoạch tổ chức dạy học, ôn tập và định hướng thi cho học sinh theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018.