Kết quả tổng hợp lựa chọn từ các đơn vị gửi theo công văn của Sở, có 85,56% số trường lựa chọn phương án 2. Tổng hợp lựa chọn từ Bảng lựa chọn thiết lập trên Google form có 72,89% ý kiến của các thầy, cô giáo lựa chọn phương án 2.
Trước khi đưa ra phương án lựa chọn, Sở Giáo dục và đào tạo Nghệ An yêu cầu các đơn vị tổ chức hội thảo nghiên cứu Dự thảo phương án thi và lấy ý kiến của toàn bộ cán bộ quản lý, giáo viên. Bên cạnh đó, các nhà trường tổng hợp số lượng mỗi nhóm lựa chọn môn thi; phân tích ưu điểm, nhược điểm mỗi nhóm lựa chọn khi thực hiện tổ chức thi tại đơn vị.
Theo Hiệu trưởng Trường Trung học Phổ thông Diễn Châu 3, Phan Trọng Đông: Chương trình giáo dục phổ thông 2018 có sự thay đổi khác biệt với Chương trình phổ thông 2006 trước đây. Cụ thể, theo chương trình cũ, học sinh học chung tất cả các môn. Trong khi đó, đối với chương trình mới, học sinh chỉ học chung một số môn bắt buộc như: Ngữ văn, Toán, tiếng Anh, Lịch sử và Giáo dục thể chất, Giáo dục quốc phòng…. Còn lại tùy theo năng lực, học sinh sẽ chọn 4 môn tự chọn trong các môn gồm: Địa lý, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Vật lý - Hóa học - Sinh học, Công nghệ trồng trọt, Công nghệ, Tin học. `
Qua thực tế triển khai, các trường thường định hướng các tổ hợp môn và học sinh sẽ lựa chọn trên cơ sở số môn đã được định hướng. Việc lựa chọn này phụ thuộc khá nhiều vào đội ngũ, cơ cấu giáo viên của các nhà trường để cân bằng thầy cô giáo đứng lớp ở các môn học. Bên cạnh đó, một số trường định hướng tổ hợp môn trên cơ sở nguyện vọng nghề nghiệp tương lai của học sinh. Các môn học sinh đăng ký có sự tương đồng với các tổ hợp khối truyền thống hiện nay.
"Chúng tôi thống nhất chỉ nên chọn 3 môn bắt buộc. Mong muốn của nhà trường là Bộ Giáo dục và Đào tạo giảm tải các môn thi để giảm áp lực cho học sinh. Nên để học sinh tự lựa chọn các môn thi phù hợp với ngành nghề tương lai mà các em theo đuổi", Thầy giáo Phan Trọng Đông nêu rõ.
Chung quan điểm này, thầy giáo Cao Thanh Bảo, Hiệu trưởng Trường Trung học Phổ thông Hà Huy Tập cho biết, việc chỉ chọn 3 môn thi bắt buộc sẽ giảm áp lực cho học trò, nhất là với những học sinh lựa chọn các khối thi Tự nhiên hoặc khối D, tránh cho học sinh phải học quá nhiều môn.
Trước đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có văn bản gửi các nhà trường về việc triển khai lấy ý kiến lựa chọn 1 trong 2 phương án về số môn thi cho Kỳ thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông từ năm 2025. Theo kế hoạch, Bộ Giáo dục và Đào tạo dự kiến sẽ công bố phương án chính thức vào quý IV/2023. Cụ thể: Phương án 1 gồm 4 môn bắt buộc là: Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ, Lịch sử và 2 môn tự chọn trong số các môn đã lựa chọn học; phương án 2 gồm 3 môn bắt buộc là: Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và 2 môn tự chọn trong số các môn đã được học, trong đó có cả môn Lịch sử.
Ngày 5/10, Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp tục bổ sung thêm phương án 3 là: Thí sinh thi 4 môn gồm 2 môn thi bắt buộc (Toán, Ngữ văn) và 2 môn thí sinh tự chọn trong số các môn còn lại được học ở lớp 12 (bao gồm cả môn Ngoại ngữ và Lịch sử).
Phương án 3 này có nhiều ưu điểm là giảm áp lực thi cử cho học sinh và chi phí cho gia đình học sinh và xã hội (thí sinh chỉ thi 4 môn, hiện nay 6 môn).
Đề cập phương án 3, em Hoàng Thùy Linh (học sinh lớp 11A2, Trường Trung học Phổ thông Huỳnh Thúc Kháng) cho biết, nếu có thêm phương án 3, việc học sẽ trở nên thuận lợi hơn. Em và các bạn có thêm thời gian để tập trung đi sâu và nâng cao kiến thức các môn thi.
Theo ông Nguyễn Văn Sơn, Hiệu trưởng Trường Trung học Phổ thông Kim Liên (huyện Nam Đàn), phương án này cũng không gây nên sự mất cân bằng giữa các tổ hợp tuyển sinh, phù hợp với định hướng nghề nghiệp của các em; đồng thời tạo điều kiện cho các học sinh dành thời gian học các môn lựa chọn phù hợp với định hướng nghề nghiệp của các em.