Không khỏi lo lắng
Em Nguyễn Mạnh Cường, học sinh trường THCS Chu Văn An, quận Tây Hồ, Hà Nội cho biết: Buổi sáng em lên lớp học chính, buổi chiều tham gia một số lớp học thêm hoặc tự ôn ở nhà. “Dù được giảm môn thi so với năm ngoái, nhưng em vẫn rất lo lắng vì cạnh tranh vào trường THPT công lập không dễ dàng”, Cường nói.
Đặt mục tiêu cho con vào trường THPT Yên Hoà, nhưng chị Nguyễn Hải Minh (khu đô thị mới Dịch Vọng, quận Cầu Giấy) vẫn có phương án dự phòng: “Trường hợp con không đỗ thì thì vẫn có trường tư thục”, chị Hải Minh cho biết. Chị trao đổi để con rõ hai phương án này, vừa động viên con cố gắng, vừa để giải tỏa bớt tâm lý lo lắng cho con.
Chị Minh cũng cho biết: “Nhìn số bài tập của các con và lịch học thêm cũng đủ biết con căng thẳng đến mức nào. Tôi không muốn con bị những áp lực này ảnh hưởng đến việc thu nhận kiến thức. Do đó, tôi vẫn gợi ý thêm cho con một phương án, giảm áp lực từ phía gia đình để con yên tâm ôn tập.
Một số học sinh chia sẻ, do “sợ thi”, nên các em đã lựa chọn con đường xét học bạ, chấp nhận chỉ vào các trường tư để giảm áp lực. Năm nay Hà Nội có 91 trường ngoài công lập xét tuyển bằng học bạ. Các trường không tổ chức thi đầu vào, nhưng cam kết đảm bảo đầu ra.
Ông Phạm Văn Đại, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Hà Nội cho biết, do nghỉ COVID-19 dài ngày nên Sở phải rút ngắn một số mốc thời gian tuyển sinh. Năm học 2019- 2020, dự kiến, toàn thành phố Hà Nội có 107.246 học sinh xét tốt nghiệp THCS (tăng 6.685 học sinh so với năm học 2018- 2019).
Số lượng học sinh tuyển vào lớp 10 THPT và chương trình giáo dục thường xuyên năm học 2020- 2021 dự kiến như sau: Trường THPT: 90.730 học sinh (tăng 5.776 học sinh so với năm học 2019- 2020. Trong đó, các trường công lập tuyển 66.492 học sinh, tăng so với năm ngoái; Trường công lập tự chủ tuyển 2.788 học sinh.
Các trường ngoài công lập tuyển 21.450 học sinh, tăng so với năm ngoái. Tuyển vào trung tâm giáo dục thường xuyên hơn 8. 000 học viên và vào cơ sở giáo dục nghề nghiệp là 8.473 học sinh.
Như vậy, có khoảng 62% học sinh vào lớp 10 công lập. Ngoại trừ học sinh vào trung tâm giáo dục thường xuyên và các trường cao đẳng liên kết, khoảng hơn 20% học sinh sẽ vào các trường ngoài công lập.
Không nên áp đặt
Nhiều năm tham gia lãnh đạo trường THPT, thầy Nguyễn Quốc Bình (nguyên Hiệu trưởng trường THPT Việt Đức, Hà Nội) cho biết: Bên cạnh áp lực học thì học sinh còn có những áp lực từ phía gia đình. Phụ huynh nên hiểu, lựa chọn trường là theo năng lực các con chứ không phải được đặt ra từ cha mẹ. Ở lứa tuổi lớp 9, học sinh tự nhìn nhận được năng lực của mình và lựa chọn trường.
Ngoại trừ học sinh vào trung tâm giáo dục thường xuyên và các trường được phân cấp như hiện nay: Trường chuyên, trường chất lượng cao, trường top đầu... học sinh có nhiều lựa chọn khác nhau. Nhưng nếu sự lựa chọn của phụ huynh mang tính áp đặt, khiến các em quá lo lắng, thì “lợi bất cập hại”, rất có thể nhiều em sẽ rơi vào căng thẳng hoặc thái cực khác là tự ti.
Thầy Nguyễn Quốc Bình cũng đưa ra lời khuyên: Ở giai đoạn này, phụ huynh không nên ép con đi học thêm nhiều quá, các em sẽ không có thời gian tự ôn tập, nghỉ ngơi. Nếu các em đã học chắc kiến thức, thì chỉ cần học theo thầy cô đang dạy trên lớp là đủ kiến thức để dự thi vào các trường tốp đầu. Điều quan trọng là thí sinh và phụ huynh biết lượng sức mình để không quá kỳ vọng hay thất vọng.
Nhiều thầy cô gợi ý, việc lựa chọn trường phù hợp với năng lực và biết chấp nhận thực tế giúp các em đạt được hiệu quả tốt. Thực tế vẫn còn nhiều cánh cửa sáng cho học sinh tốt nghiệp THCS. Bên cạnh hệ thống trường THPT dân lập, các trường nghề vẫn đang rộng mở với các em. Mô hình 9+ (học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở có thể lựa chọn học văn hóa song song với học nghề) không chỉ giúp phân luồng học sinh mà đang dần góp phần “hạ nhiệt” cho kỳ tuyển sinh vào 10.