Ông Nguyễn Thành Trung, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hải Dương, Chủ nhiệm Chương trình giáo dục di sản văn hóa trong nhà trường năm 2020, cho biết: Chương trình là một trong những nội dung nhằm cụ thể hóa hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về việc sử dụng di sản văn hóa trong dạy học. Sau một thời gian triển khai, Chương trình cho thấy các giá trị di sản văn hóa được tích hợp trong các môn học đã giúp học sinh hiểu về những giá trị di sản văn hóa, về mảnh đất, con người quê hương, tạo ra trong lòng các em tình yêu di sản văn hóa.
Trước đó, từ năm 2015 đến 2019, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hải Dương phối hợp với Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố: Chí Linh, Kinh Môn,Thanh Miện, Ninh Giang, Thanh Hà đưa nội dung này vào các trường học. Ban chủ nhiệm Chương trình giáo dục di sản trong nhà trường cung cấp học liệu là thông tin về các di tích lịch sử, văn hóa của địa phương cho các trường học, tập huấn cho các giáo viên… Đến nay, đã có gần 3.000 học sinh trong toàn tỉnh được hướng dẫn, giảng dạy, học tập và trải nghiệm về di sản văn hóa.
Từ tháng 10 đến nay, hơn 800 học sinh Trường Tiểu học thị trấn Thanh Hà (huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương) đã được tham gia Chương trình giáo dục di sản trong nhà trường năm 2020. Theo cô giáo Lê Thị Chính, Hiệu trưởng Trường Tiểu học thị trấn Thanh Hà, với sự hỗ trợ của cán bộ chuyên môn Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hải Dương, nhà trường đã triển khai chương trình cho toàn bộ các khối lớp thông qua nhiều hoạt động phong phú và hấp dẫn. Học sinh lớp 1 và lớp 2 được tham gia những trò chơi dân gian phù hợp với lứa tuổi. Học sinh lớp 3, lớp 4 và lớp 5 được tham quan, trải nghiệm tại di tích chùa Minh Khánh (Khu 3, thị trấn Thanh Hà) và phường Múa rối nước Thanh Hải). Sau khi tham quan, các em được hướng dẫn cách nặn tượng, xé dán tranh, vẽ tranh theo chủ đề về di tích lịch sử, viết cảm nhận và làm mô hình di tích từ các vật liệu tái chế.
Theo các giáo viên của Trường Tiểu học thị trấn Thanh Hà, học sinh rất hứng thú đối với hoạt động này. Những giờ học trải nghiệm vừa trang bị cho các em kiến thức về các di tích lịch sử, di sản văn hóa vừa giúp các em có cơ hội để phát huy sự sáng tạo qua các tác phẩm tranh vẽ, mô hình, bài cảm nhận. Đặc biệt, các hoạt động này còn tăng sự gắn kết giữa nhà trường với gia đình trong công tác giáo dục.
Em Trần Thị Ngọc Ánh (học sinh lớp 5C, Trường Tiểu học thị trấn Thanh Hà) chia sẻ: Sau khi đến thăm di tích lịch sử và xem múa rối nước, được bác nghệ nhân hướng dẫn tập tiết mục Tễu giáo đầu, em đã hăng say tập luyện để có thể biểu diễn trước toàn trường. Em mong muốn sẽ có thêm nhiều buổi học như thế.
Chương trình giáo dục di sản được lãnh đạo địa phương đánh giá có ý nghĩa tích cực trong việc giáo dục kiến thức và ứng xử với di sản văn hóa cho thế hệ trẻ. Đại diện lãnh đạo huyện Thanh Hà mong muốn ngành văn hóa tỉnh sẽ tiếp tục hỗ trợ để Chương trình được triển khai tại nhiều trường học khác trong huyện, giúp học sinh hiểu thêm về di sản văn hóa trên quê hương mình.
Cô giáo Lê Thị Chính chia sẻ thêm, Chương trình giáo dục di sản là nội dung rất cần thiết và bổ ích đối với học sinh và giáo viên. Thời gian tới, nhà trường sẽ triển khai sâu hơn nữa, lồng ghép nội dung giáo dục di sản phù hợp vào các môn học khác, đặc biệt là môn giáo dục kỹ năng sống. Để chương trình tiếp tục phát triển, nhà trường rất cần được các bên có liên quan cung cấp thêm tài liệu về di sản văn hóa, giúp giáo viên có nhiều thông tin để tích hợp vào các môn học.