Quảng Bình nỗ lực khắc phục khó khăn để học sinh sớm trở lại trường sau lũ

Trận mưa lũ lịch sử vừa qua đã nhấn chìm nhiều trường học trên địa bàn tỉnh Quảng Bình.

Sau khi nước rút, khung cảnh các trường học trở nên tan hoang với những lớp bùn non đặc quánh đọng lại đầy sân trường, lớp học; sách vở, đồ dùng dạy học cùng hệ thống khuôn viên cây xanh, bảng biển, bồn hoa, khu vui chơi… nằm ngổn ngang xen lẫn các loại rác thải, lấm lem bùn đất và nước; nhiều đồ dùng học tập, thiết bị dạy học bị cuốn trôi theo dòng nước lũ. 

Chú thích ảnh
Công tác khắc phục hậu quả mưa lũ được các nhà trường tại Quảng Bình khẩn trương thực hiện. 

Để sớm đón học sinh trở lại trường, các cán bộ, giáo viên và phụ huynh, học sinh tại nhiều địa phương của tỉnh Quảng Bình huy động tổng lực để khắc phục hậu quả mưa lũ. Lặng nhìn sân trường bao vây bởi từng lớp bùn, cô giáo Nguyễn Thị Tý, Hiệu trưởng Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Phú Hải, thành phố Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình, cho biết bản thân cô chưa bao giờ chứng kiến một trận lũ lớn như thế. Nước lũ lên quá nhanh và bất ngờ khiến nhà trường không kịp trở tay. Toàn bộ các dãy phòng học, phòng chức năng và phòng làm việc của Ban Giám hiệu nhà trường tại tầng 1 đều bị ngập khoảng hơn 1 m; bàn, ghế, sách, vở, thiết bị dạy học… tất cả đều bị nhấn chìm trong nước lũ. 

Cô giáo Nguyễn Thị Tý cho biết: “Lũ làm tan hoang hết mọi thứ. Trước mắt, nước đang rút, chúng tôi tập trung lực lượng để thu dọn, cào các lớp bùn nhưng cũng rất vất vả. Lo nhất là số bàn ghế học sinh chìm trong nước lũ giờ đều bị bong tróc, hư hỏng cả. Không những sách vở học sinh mà các thiết bị điện tử, tài liệu, hồ sơ của nhà trường cũng ngậm nước, hư hỏng. Điều này sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến việc đón học sinh trở lại trường cũng như công tác dạy và học của nhà trường”.

Trường Tiểu học số 2 Quảng Văn, thị xã Ba Đồn, tỉnh Quảng Bình, nằm ở vùng cồn bãi thấp trũng, bao quanh là sông nước. Vào mùa mưa lũ, nhà trường thường bị ngập lụt, học sinh rất khó khăn để đến trường. Với kinh nghiệm “sống chung với lũ” trong nhiều năm công tác, cô giáo Đinh Thị Phương Nhạn, Hiệu trưởng trường này cùng các cán bộ, giáo viên nơi đây luôn chủ động trong công tác phòng, chống mưa bão, lũ lụt.

Cô Đinh Thị Phương Nhạn cho hay: "Đợt mưa lũ xảy ra vào giữa tháng 10 vừa qua tuy nước chưa ngập sân trường, nhưng nhà trường luôn trong tư thế chủ động, sẵn sàng mọi phương án. Riêng trận lũ lịch sử xảy ra ngày 18/10 thực sự quá khủng khiếp, dù trước đó nhà trường đã kê cao các thiết bị, di chuyển bàn, ghế từ tầng 1 lên tầng 2 và chằng chống cẩn thận mọi thứ, nhưng vẫn bị mưa lũ làm tan hoang.

Suốt 3 ngày nay, chúng tôi phải nhờ đến sự trợ giúp của các lực lượng như công an, quân đội, đoàn viên thanh niên, đồng nghiệp cùng với sự nỗ lực của tập thể cán bộ, giáo viên, phụ huynh học sinh để dọn dẹp, đẩy được phần nào bùn non ra khỏi sân trường. Nhưng hiện tại, các bồn hoa, bảng biển vẫn đang ngổn ngang với đủ các loại rác thải do nước lũ trôi dạt về, khối lượng công việc cần khắc phục thời điểm này là rất lớn. Với tinh thần đoàn kết, khẩn trương, nước lũ rút đến đâu lau chùi, dọn dẹp vệ sinh đến đó, tất cả vì học sinh thân yêu, chúng tôi sẽ cố gắng hết sức để sớm đón các em trở lại lớp khi trường học sạch sẽ, an toàn nhất”.

Chú thích ảnh
 Sân trường Tiểu học số 2 Quảng Văn, thị xã Ba Đồn, Quảng Bình ngập chìm trong lớp bùn non sau khi nước rút. 

Anh Ngô Lê Duy, Bí thư Huyện Đoàn Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình, cho biết: Những ngày qua, hầu hết các trường học trên địa bàn đều bị ngập lụt sâu từ 1 đến hơn 3 m. Đặc biệt là tại địa bàn các xã vùng rốn lũ như: Tân Ninh, Duy Ninh, Hàm Ninh, Võ Ninh, Gia Ninh… Để hỗ trợ người dân và các đơn vị, với tinh thần xung kích, tình nguyện của tuổi trẻ, Huyện Đoàn Quảng Ninh và các cấp bộ đoàn cơ sở đã bố trí lực lượng, cán bộ để ứng cứu, di dời các hộ dân ra khỏi vùng nguy hiểm, ngập lụt nặng; kịp thời có mặt tại các điểm trung chuyển hàng cứu trợ, hỗ trợ và phối hợp với các tổ chức, đơn vị thiện nguyện phân phối, trao quà cứu trợ đến với bà con vùng lũ. 

"Ngay khi nước rút, các hộ dân thuộc diện chính sách, người già, neo đơn, hộ bị ảnh hưởng nặng và nhất là các trường học, trạm y tế… được các cấp bộ đoàn ưu tiên hỗ trợ khắc phục hậu quả mưa lũ. Các hoạt động dọn dẹp vệ sinh, lau chùi bàn ghế, phòng học, cào đẩy bùn, sửa chữa và sắp xếp các thiết bị, vật dụng tại các trường học khẩn trương được các đoàn viên triển khai thực hiện. Chúng tôi sẽ tiếp tục cố gắng nỗ lực, đồng hành với nhân dân trong mọi hoàn cảnh", anh Ngô Lê Duy nói.

Chị Ngô Thị Huế, xã Cam Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình, có 2 con nhỏ đang theo học. Trận lũ vừa qua, nhà chị Huế bị ngập sâu khiến toàn bộ cặp, sách, vở, bàn ghế học tập của các con chị bị chìm trong nước lũ. Chị Huế thẫn thờ cho biết: “Lũ cuốn đi lợn, gà, thóc gạo trong nhà… Giờ cả nhà tôi chẳng biết lấy chi mà trang trải cuộc sống, nuôi con ăn học. Thiên tai cứ ập đến triền miên, người dân khổ cực vô cùng”!

Cầm trên tay cuốn sách giáo khoa bị ướt sũng, đã nhòa hết các nét chữ, cậu con trai út của chị Huế sụt sùi trong nước mắt: “Đồ dùng học tập và sách vở của cháu hư hết rồi, cháu không biết lấy chi mà đi học đây nữa…”.

Chú thích ảnh
Hành lang trường học được tận dụng để phơi khô sách vở bị ướt. 

Theo Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Bình, hầu hết các trường học trên địa bàn tỉnh đều bị ảnh hưởng do lũ lụt gây ra; 100% học sinh phải nghỉ học để đảm bảo an toàn; nhiều trường học bị hư hại nặng, trong đó có một trường học bị ngập toàn bộ; 3 học sinh bị đuối nước. Ước tính ban đầu, toàn ngành có 334 trường với khoảng 3.000 phòng học và phòng chức năng bị ngập nước; cơ sở vật chất, sách, vở, thiết bị dạy học, đồ dùng, đồ chơi cho học sinh… bị hư hỏng, trôi dạt theo mưa lũ; tổng thiệt hại ban đầu ước tính khoảng 370 tỷ đồng.

Bài và ảnh: Võ Dung (TTXVN)
Quảng Bình vẫn còn khoảng 2.000 ngôi nhà bị ngập
Quảng Bình vẫn còn khoảng 2.000 ngôi nhà bị ngập

Ngày 23/10, toàn tỉnh Quảng Bình còn khoảng 2.000 ngôi nhà ở các huyện: Lệ Thủy, Quảng Ninh, Minh Hóa, thị xã Ba Đồn bị ngập. Trong đó, riêng huyện Lệ Thủy chiếm hơn một nửa số ngôi nhà bị ngập, tập trung tại các xã: Lộc Thủy, An Thủy, Hồng Thủy, Sơn Thủy, Dương Thủy và thị trấn Kiến Giang... Đây là các địa phương vùng trũng nên nước rút chậm. 

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN