Là tỉnh vùng cao biên giới cực Bắc địa đầu của Tổ quốc, mặc dù còn gặp rất nhiều khó khăn, song trong những năm qua, Đảng bộ, chính quyền các cấp của tỉnh Hà Giang luôn quan tâm đến phong trào thi đua khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập, góp phần đưa sự nghiệp giáo dục của Hà Giang đi lên cả về quy mô và chất lượng.
Một phong trào rộng khắp trên các bản làng
Những năm qua, các cấp Hội Khuyến học ở Hà Giang đã đẩy mạnh cuộc vận động xây dựng "Gia đình hiếu học", "Dòng họ hiếu học", "Cộng đồng hiếu học", gắn với cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư" và phong trào "Xóa đói giảm nghèo". Từ các phong trào trên, các cấp Hội đã phối hợp ba môi trường giáo dục: Gia đình, nhà trường và xã hội... từ đó tạo nên những hiệu quả thúc đẩy Phong trào thi đua khuyến học đã phát triển rộng rãi ở khắp các huyện, thành phố, xã, phường, thị trấn, tổ dân phố, thôn bàn và từng gia đình.
Nhờ thực hiện tốt công tác khuyến học, nhiều học sinh trường Phổ thông DTNT tỉnh Hà Giang đã đạt nhiều thành tích cao trong học tập. |
Đặc biệt là ở các huyện vùng cao, vùng sâu, vùng xa hàng ngàn gia đình có đời sống khó khăn, hàng trăm các gia đình do bị thương tật trong chiến tranh hoặc bị phơi nhiễm chất độc da cam, dị tật bẩm sinh, thiên tai... đã vượt qua số phần, khắc phục khó khăn lo cho con cháu trong gia đình ăn học và được các tổ chức đoàn thể lồng ghép các chương trình.
Theo ông Hạng Mí De, Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh Hà Giang: Những năm trước đây, việc xây dựng xã hội học tập ở Hà Giang còn gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng nặng nề của một tỉnh nghèo, trình độ dân trí thấp, ít hiếu học, nhất là ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa, biên giới. Hà Giang không chỉ nghèo về kinh tế mà còn nghèo về thông tin, nghèo về cơ sở vật chất phục vụ cho sự học; nghèo về nguồn lực kỹ thuật cao...
Chính vì thế mà nhân dân các dân tộc Hà Giang rất khát khao được học tập; học để xóa đói giảm nghèo, học để làm người, học để hòa nhập trong cộng đồng. Xác định rõ vai trò của mình, Hội Khuyến học tỉnh Hà Giang đã phối hợp với cấp ủy, chính quyền, đoàn thể các địa phương đẩy mạnh phong trào thi đua khuyến học, khuyến tài, xây dựng tỉnh Hà Giang thành một xã hội học tập.
Dòng họ hiếu học ở huyện vùng cao núi đất phía Tây
Nà Chì là xã vùng cao, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn của huyện Xín Mần. Nằm cách trung tâm huyện hơn 40 km, xã Nà Chì hiện có hơn 5.000 dân, trên 700 hộ sinh sống ở 15 thôn bản. Mặc dù còn gặp rất nhiều khó khăn, song dòng họ Hoàng ở đây dù trong hoàn cảnh nào mọi người cũng đều rất chăm chỉ học tập và đã có nhiều học sinh đạt thành tích cao trong học tập.
Khẩu hiệu học tập của dòng họ Hoàng rất mộc mọc, các cụ thường dạy rằng: thế hệ con cháu phải phấn đấu học tập tốt để phát triển và làm rạng rỡ dòng họ, học để đưa Nà Chì thoát khỏi khó khăn. Sau này, mỗi cá nhân lại có những khẩu hiệu khác nhau tự mình phấn đấu như: "Tất cả cho học tập", "Học để xóa đói giảm nghèo"... Kết quả học tập của dòng họ Hoàng ở đây đã cuốn hút rộng khắp tất cả dòng họ nơi đây trở thành cộng đồng học tập.
Đối với những xã ở các vùng thành phố có điều kiện kinh tế phát triển thì tỷ lệ người đỗ đạt cao trong học tập thì nhiều, song ở một xã vùng sâu, xa của một huyện miền núi vùng sâu, xa của Hà Giang thì một dòng họ có nhiều con, cháu trưởng thành, học tập đạt thành tích cao thì đấy là một thành tích đáng kể. Đến nay, những người con dân tộc thiểu số dòng họ Hoàng ở xã Nà Chì đã có 23 người có bằng đại học, gần 10 người có trình độ thạc sỹ, hàng chục cháu đã và đang học tập tại các trường Đại học, Cao đẳng chuyên nghiệp. Hàng năm có hàng trăm em học sinh, sinh viên được biểu dương, khen thưởng vì có thành tích tốt trong học tập và rèn luyện. Đây cũng là một dòng họ có số lượng và tỷ lệ người hiếu học, gia đình hiếu học và số người có học vị cao đông nhất trong tất cả các dòng họ trên địa bàn huyện Xín Mần.
Nghị lực vươn lên của một gia đình người Mông hiếu học
Nhắc đến bà Giàng Thị Mẩy, SN 1949, dân tộc Mông ở tổ 2 thị trấn Mèo Vạc, huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang thì ở huyện Mèo Vạc ai cũng biết, vì bà là một tấm gương sáng trong công tác khuyến học trên mảnh đất Cao nguyên đá Đồng Văn.
Sinh ra và lớn lên tại xóm Lùng Khố, xã Tùng Vài, huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang, bà lập gia đình năm 1971. Năm 1972 chồng bà đi tham gia công tác tại chiến trường B chiến dịch 30/4 đến năm 1976 thì ra quân phục viên trở về địa phương. Gia đình ông bà sinh được 5 người con trong địa kiện sống còn rất nhiều khó khăn. Vượt qua mọi rào cản hủ tục lạc hậu, trọng nam khinh nữ và các định kiến xã hội trong đồng bào dân tộc Mông, ông bà đã đưa ra những biện pháp giáo dục, nuôi dạy và định hướng cho các con.
Bà Giàng Thị Mẩy cho biết: Hai vợ chồng bà luôn cố gắng dồn hết khả năng, tăng gia sản xuất, chăn nuôi trâu, bò, trồng cỏ để có thêm thu nhập nuôi dạy con cái. Đến nay cả 5 người con của gia đình luôn có trình độ từ Cao đẳng trở lên và có công ăn việc làm tại các cơ quan Nhà nước của tỉnh Hà Giang. Tính cả con dâu, rể gia đình ông bà có 11 thành viên và 8 cháu nội, ngoại. Tất cả các cháu đều ngoan, học giỏi đạt nhiều giải cao tại các kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh.
Theo số liệu thống kê của Hội Khuyến học tỉnh Hà Giang, đến nay tỉnh Hà Giang có 48.226 gia đình hiếu học, trên 500 dòng họ hiếu học tiêu biểu. Các dòng họ hiếu học ở Hà Giang đã thực sự trở thành một các nền vững chắc cho các gia đình hiếu học, các cá nhân hiếu học của dòng họ. Nhiều dòng họ ở Hà Giang rất thành đạt trong công tác, lao động sản xuất và đời sống.
Công tác xây dựng quỹ khuyến học và việc quản lý chi tiêu sử dụng quỹ khuyến học của tỉnh luôn được thực hiện tốt. Đến nay quỹ khuyến học các cấp của tỉnh Hà Giang có số dư trên 4,8 tỷ đồng. Không chỉ thực hiện tốt việc xây dựng quỹ từ sự đóng góp của cán bộ công chức viên chức, nhân dân trên địa bàn, quỹ còn nhận được sự tài trợ của nhiều tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước.
Điều đặc biệt là ở các xã vùng cao, vùng sâu của Hà Giang đã trên 20 năm nay, hàng tháng bà con nhân dân góp gạo, ngô, thực phẩm cho học sinh các lơp bán trú dân nuôi (không phân biệt gia đình có con theo học hay không có con theo học). Tính trung bình mỗi năm nhân dân các xã vùng cao, vùng sâu đã đóng góp trên 45 tấn lương thực, trên 56 tấn rau xanh... Có thể nói công tác xã hội hóa giáo dục đã được nâng cao và đi vào chiều sâu, học sinh đúng độ tuổi đi học ngày càng cao; học sinh bỏ học ngày càng ít và tỷ lệ học sinh trở lại trường học ngày càng nhiều.
Ông Vương Mí Vàng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Hà Giang, là một người con dân tộc Mông trên Cao nguyên đá Đồng Văn đã không ngừng học tập và đã trưởng thành. Ông cho rằng: Có một xã hội học tập phát triển sẽ là nền tảng để đồng bào các dân tộc Hà Giang khắc phục những khó khăn, là động lực chính để nâng cao dân trí từ đó tự tìm cách xóa đói, giảm nghèo một cách khoa học, mang lại cuộc sống đầy đủ hơn cả về vật chất và tinh thần cho đồng bào các dân tộc thiểu số ở Hà Giang.
Đảng bộ và chính quyền tỉnh Hà Giang luôn chỉ đạo các ngành, các cấp, các tổ chức đoàn thể tạo điều kiện thuận lợi cho Hội Khuyến học từ tỉnh đến cơ sở hoạt động. Huy động mọi tổ chức xã hội từ thiện tích cực tham gia phong trào thi đua khuyến học, khuyến tài... góp phần tích cực trong việc phát triển nguồn nhân lực, đẩy mạnh công cuộc xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế-xã hội... rút ngắn khoảng cách của Hà Giang với các tỉnh trong khu vực.
Bài và ảnh: Nguyễn Thị Thanh Ngân (Trường Chính trị tỉnh Hà Giang)