Phối hợp giám sát chất lượng bữa ăn bán trú trong trường học

Trong những ngày qua, một số trường học tại Thành phố Hồ Chí Minh liên tiếp xảy ra các sự cố liên quan đến bữa ăn bán trú trong trường học: từ bữa ăn kém chất lượng, không đảm bảo dinh dưỡng đến ngộ độc thực phẩm…

Điều này khiến phụ huynh không khỏi lo lắng, bất an bởi hiện nay rất nhiều học sinh sử dụng bữa ăn bán trú tại trường.

Chú thích ảnh
Suất ăn với giá 30.000 đồng nhưng chỉ có vài miếng trứng, tô canh và chuối chín. Ảnh PHCC

Nỗi niềm phụ huynh 

Cho rằng bếp ăn nhà trường sử dụng rau củ dập nát, héo, kém chất lượng để chế biến món ăn, thực đơn bữa ăn nghèo nàn không đảm bảo dinh dưỡng… phụ huynh có con theo học tại Trường Tiểu học Trần Thị Bưởi (Quận 9) lo lắng về chất lượng và an toàn thực phẩm bữa ăn của con đã tập trung trước cổng trường học này để phản đối. Các phụ huynh mong muốn nhà trường có giải pháp để đảm bảo chất lượng bữa ăn cho học sinh.

Trong khi đó, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trần Thị Bưởi Nguyễn Thị Thu Hương cho rằng thực đơn hàng tuần được nhà trường công khai tại bảng thông tin ở cổng trường, dán ở nhà ăn theo đúng hướng dẫn; thực phẩm sử dụng để chế biến món ăn đều có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng. Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trần Thị Bưởi cũng cho rằng, trong số thực phẩm nhập vào nhà bếp có một số rau củ bị dập không đảm bảo chất lượng nhưng đã được loại bỏ, không sử dụng để chế biến thức ăn cho học sinh. Những ngày qua, lãnh đạo nhà trường và phụ huynh tiếp tục có nhiều cuộc đối thoại để tìm giải pháp giải quyết triệt để sự việc, đảm bảo an toàn mỗi bữa ăn cho học sinh.

Thời gian qua, trên địa bàn Thành phố đã xảy ra một số sự cố ngộ độc thực phẩm khiến học sinh nhập viện. Thực trạng này khiến các bậc phụ huynh lo lắng, bất an.  Thực tế, ngành giáo dục cũng như các trường đều có chủ trương khuyến khích, tạo điều kiện cho phụ huynh tham gia giám sát bữa ăn của con tại trường. Tuy nhiên, theo nhiều phụ huynh, việc giám sát chưa thực sự hiệu quả, bởi trước khi giám sát đều phải thông báo trước với nhà trường. Để việc giám sát chất lượng, nhà trường cần tạo điều kiện cho phụ huynh giám sát thường xuyên công tác tổ chức bữa ăn của học sinh.

Chị Nguyễn Thị Phượng, có 2 con đang học bậc Tiểu học tại Quận Thủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, do không có điều kiện đưa đón vào buổi trưa nên 2 con của chị đều sử dụng bữa ăn bán trú tại trường.

“Từ đầu năm học tới nay, con gái của tôi cứ năn nỉ mẹ nấu cơm mang lên trường ăn hoặc trưa không ăn ở trường mà về nhà ăn. Tôi cũng chỉ nghĩ con kén ăn, nhưng khi đọc các bài báo về chất lượng bữa ăn bán trú ở trường học, tôi rất lo lắng, bất an. Làm cách nào để phụ huynh có thể biết được bữa ăn của trường có chất lượng tương xứng với số tiền phụ huynh đóng góp hay không, trong khi nhà trường không công khai, minh bạch về nhà phân phối, chỉ nói chung chung là mua nguồn ở siêu thị” – chị Phượng bày tỏ.

Chị Kim Tuyết, có con học ở một trường tiểu học tại Quận 9 chia sẻ, để bữa ăn bán trú của con ở trường đảm bảo chất lượng, an toàn, rất cần cái “tâm” của lãnh đạo nhà trường. Cùng với trách nhiệm công khai, minh bạch mọi thông tin về bữa ăn bán trú, lãnh đạo nhà trường cũng cần cầu thị, lắng nghe ý kiến góp ý của phụ huynh thông qua hoạt động giám sát để có sự điều chỉnh cho phù hợp. Tại trường con của chị Tuyết đang học, thành viên Ban đại diện cha mẹ học sinh có trách nhiệm giám sát thường xuyên công tác tổ chức bếp ăn bán trú cho học sinh tại trường; đồng thời, phụ huynh học sinh cũng được kiểm tra đột xuất bữa ăn của các con.

“Đầu năm học này, trường con của tôi học có sự thay đổi về lãnh đạo nhà trường nên công tác tổ chức bữa ăn bán trú cũng có thay đổi so với trước đây. Thực đơn một số món ăn chưa phù hợp, phụ huynh nhà trường góp ý kiến và được Hiệu trưởng nhà trường lắng nghe, kịp thời điều chỉnh. Thời gian gần đây, các con ăn hợp khẩu vị hơn, phụ huynh đến kiểm tra cũng thấy món ăn đa dạng hơn”, chị Tuyết chia sẻ.

Tăng cường kiểm tra, giám sát

Theo bà Nguyễn Thị Thu Hiền - Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo Quận 9, không phải khi có sự cố xảy ra tại trường học trên địa bàn, ngành giáo dục quận mới quán triệt về công tác tổ chức bán trú, đảm bảo chất lượng bữa ăn bán trú. Ngay từ đầu năm học, Phòng đã có các văn bản hướng dẫn các trường về tổ chức bữa ăn bán trú: từ thành lập ban tiếp phẩm, ban kiểm tra chất lượng bữa ăn, xây dựng quy trình đảm bảo an toàn thực phẩm, đảm bảo chất lượng bữa ăn bán trú. Phòng cũng yêu cầu các trường tăng cường cho phụ huynh cùng tham gia vào công tác giám sát, tổ chức bữa ăn bán trú. “Các trường cần tăng cường tương tác với phụ huynh học sinh hơn nữa để cung cấp thông tin, hình ảnh về bữa ăn của học sinh tại trường, từ khâu tiếp phẩm, thực đơn đến suất ăn của học sinh. Khi thông tin được minh bạch, phối hợp nhịp nhàng giữa nhà trường và phụ huynh thì những sự cố đáng tiếc như tại Trường Tiểu học Trần Thị Bưởi sẽ không xảy ra”, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo Quận 9 Nguyễn Thị Thu Hiền nhận định.

Trong công tác đảm bảo an toàn thực phẩm tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn, Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh là đơn vị chủ trì phối hợp Ban Quản lý An toàn thực phẩm Thành phố triển khai kế hoạch bảo đảm an toàn thực thực phẩm tại các cơ sở giáo dục và đơn vị trực thuộc trong ngành. Mới đây, Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố và Ban quản lý An toàn thực phẩm Thành phố đã ký kết Kế hoạch liên tịch về bảo đảm an toàn thực phẩm tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn giai đoạn 2020-2022.

Theo đó, Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố yêu cầu các bếp ăn tập thể, căng-tin trong trường học thực hiện đảm bảo an toàn thực phẩm đối với cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống theo quy định; 100% bếp ăn tập thể thuê nấu, căng-tin trong trường học được cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện về an toàn thực phẩm; 100% bếp ăn tập thể, căng-tin trong trường học chấp hành các quy định về an toàn thực phẩm, vận hành hệ thống tự kiểm tra an toàn thực phẩm theo 3 cấp trong khối giáo dục.

Bên cạnh đó, Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố cũng yêu cầu tất cả các trường kiểm soát, bảo đảm thực phẩm cung cấp cho các bếp ăn, nhà ăn, cơ sở cung cấp suất ăn cho học sinh, căn tin trong trường học đảm bảo an toàn theo quy định; có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng thông qua hóa đơn, chứng từ của các cơ sở sản xuất, chế biến và phân phối thực phẩm. Mặt khác, nguồn thực phẩm được chế biến trong trường học phải đạt một trong các chuẩn: VietGAP, GlobalGAP, HACCP, ISO22000, "Chuỗi thực phẩm an toàn", Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm hoặc các chứng nhận quốc tế khác về an toàn thực phẩm.

Công tác tổ chức kiểm tra, giám sát việc bảo đảm an toàn thực phẩm trong các trường học được thực hiện với nhiều hình thức như: tự kiểm tra; thành lập các đoàn kiểm tra quận, huyện, liên ngành; đoàn kiểm tra của Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố; đoàn kiểm tra liên ngành của Ban Quản lý An toàn thực phẩm Thành phố… Cùng với các đợt kiểm tra cao điểm, Ban Quản lý An toàn thực phẩm Thành phố sẽ kiểm tra đột xuất nếu xảy ra vi phạm về an toàn thực phẩm, sự cố an toàn thực phẩm liên quan.

Theo Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố, hiện ngành giáo dục Thành phố đang triển khai hệ thống tự kiểm tra an toàn thực phẩm tại các bếp ăn tập thể trường học và duy trì chế độ báo cáo định kỳ 3 tháng, 6 tháng, hằng năm và báo cáo đột xuất tình hình vận hành theo 3 cấp, gồm cấp trường, cấp phòng, cấp sở... Cùng với đó, các trường cùng tăng cường truyền thông đến phụ huynh, học sinh về việc đảm bảo an toàn thực phẩm, phòng chống ngộ độc thực phẩm.

T.Hoài (TTXVN)
Giám sát bữa ăn bán trú và các hoạt động của Trường Tiểu học Trần Thị Bưởi
Giám sát bữa ăn bán trú và các hoạt động của Trường Tiểu học Trần Thị Bưởi

Chiều 5/11, Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh đã có văn bản gửi UBND Quận 9 về giải quyết các phản ánh của cha mẹ học sinh Trường Tiểu học Trần Thị Bưởi, Quận 9 về việc bữa ăn bán trú của học sinh tại trường kém chất lượng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN