Phát triển được công nghệ bán dẫn sẽ nâng tầm được vị thế đất nước

Ngày 19/10, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức Hội thảo "Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao ngành công nghiệp chip bán dẫn từ các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam". Tại hội thảo, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn xác định đây là sứ mệnh và trách nhiệm đặt toàn bộ lên hệ thống giáo dục đại học.  

Cơ hội để hiện đại hóa hệ thống giáo dục đại học 

Phát biểu tại Hội thảo, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Nguyễn Kim Sơn cho biết: "Nếu phát triển được lĩnh vực công nghệ bán dẫn, chúng ta sẽ nâng tầm được vị thế của đất nước. Câu chuyện này không phải của một lĩnh vực sản xuất bình thường. Đây là trách nhiệm, sứ mệnh và không được để lỡ nhịp này. Từ đó chúng ta có diện mạo mới".  

Chú thích ảnh
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: KH

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cũng nêu: "Chúng ta đã nhiều lần đề cập tới việc giáo dục đại học chưa đáp ứng được nguồn nhân lực chất lượng cao cho lĩnh vực phát triển công nghệ, kỹ thuật. Hội thảo  sẽ là cơ hội để chúng ta tìm giải pháp cho vấn đề này. Nếu phát triển được nghiên cứu, đào tạo trong lĩnh vực này, các chỉ số công bố khoa học, phát minh sáng chế, tiềm lực về khoa học và tiềm lực về đào tạo của hệ thống các trường... sẽ gia tăng. Đây là cơ hội hiện đại hoá hệ thống giáo dục đại học, đặc biệt là  các trường kỹ thuật và công nghệ". 

Bộ trưởng nhấn mạnh, Bộ GD&ĐT ý thức sâu sắc trách nhiệm, sứ mệnh của ngành và xác định đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm ưu tiên số 1 trong các chỉ đạo chuyên môn của giáo dục đại học, trước hết là trong năm 2024, tiếp đến là các năm sau đó.

"Đây là ngành mới, chúng ta không thể phát triển bằng kinh nghiệm cũ, thói quen cũ, cách làm cũ mà cần có cách làm và tầm nhìn mới mẻ. Trước mắt là những giải pháp về mặt thể chế: Cần đề xuất những tầm giải pháp cao hơn như Nghị quyết của Chính phủ, của Quốc hội. Với các trường đủ quyết tâm, có khả năng thì sẵn sàng cho tuyển sinh sớm", Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh. 

Bộ GD&ĐT sẽ ban hành Thông tư và quy chế đặc biệt. Cụ thể, thu hút chuyên gia, liên kết đào tạo...; tạo niềm tin, chỗ dựa pháp lý và chỉ đạo các trường thực hiện. Với các thành tố của đào tạo, Bộ trưởng cho rằng, các trường cần nghĩ đột phát hơn nữa. Đồng thời, phải phát triển cả nghiên cứu và đào tạo, hướng đến tương lai có ngành công nghiệp bán dẫn riêng của Việt Nam và cung cấp nguồn nhân lực cho nước ngoài.

Bộ GD&ĐT sẽ chủ trì xây dựng một kế hoạch để phát triển. Tương lai có một bộ phận điều hành để điều phối về nhân lực, cơ sở vật chất chung. Thậm chí cần chia sẻ chương trình đào tạo để giảm bớt thời gian biên soạn chương trình. Bộ sẽ chỉ đạo để trong thời gian sớm nhất hoàn thành chuẩn chương trình đào tạo cho các nhóm ngành đào tạo này theo cơ chế đặc biệt.

Với chủ trương này, trường đại học nào có quyết tâm và giải pháp đúng trường ấy sẽ có sự bứt phá; trường nào tham gia không đủ quyết tâm, giải pháp sẽ bị bỏ lại phía sau và khoảng cách giữa các trường sẽ còn gia tăng.

Hình thành liên minh đại học đào tạo lĩnh vực công nghệ bán dẫn

Thực hiện chủ trương của Chính phủ, sự chỉ đạo trực tiếp của Thủ tướng Chính phủ, Bộ GD&ĐT đang xây dựng Kế hoạch hành động trong toàn ngành để thúc đẩy triển khai đào tạo, gia tăng nhanh số lượng và chất lượng nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực công nghệ bán dẫn, nhất là kỹ sư thiết kế vi mạch. Để thực hiện nhiệm vụ rất quan trọng này, không ai khác chính là các cơ sở giáo dục đại học đóng vai trò chủ yếu.

Theo số liệu thống kê của Bộ GD&ĐT, hiện nay có khoảng 35 cơ sở giáo dục đại học có khả năng tham gia. Tuy nhiên, số lượng cơ sở đào tạo có kinh nghiệm, có truyền thống còn rất ít. Để có thể tăng nhanh số lượng và chất lượng nguồn nhân lực công nghệ vi mạch đáp ứng yêu cầu phát triển, như dự báo của một số cơ quan, tổ chức, sẽ có nhiều việc cần phải làm.

Theo Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn, trước hết, chúng ta cần đánh giá đúng thực trạng, năng lực hiện có, tiềm năng phát triển, cơ hội và thách thức. Từ đó, đặt ra mục tiêu và các kịch bản để xây dựng kế hoạch đào tạo, phát triển nghiên cứu cho ngay những năm tiếp theo và cả giai đoạn tới 2030. Trên cơ sở đó, cùng thống nhất những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu để triển khai thực hiện, làm rõ những gì các trường cần chủ động triển khai và phối hợp triển khai, những gì Bộ GD&ĐT tạo cần làm, những gì cần kiến nghị với Chính phủ và các bộ, ngành địa phương.

Nhiệm vụ đầu tiên và cũng là quan trọng nhất, đó là tăng cường năng lực cho các cơ sở giáo dục đại học, cả về đội ngũ giảng viên, cơ sở vật chất và công nghệ, chương trình đào tạo, công cụ phần mềm…

Tiếp đó là cần có những giải pháp để thu hút những sinh viên đang học các ngành phù hợp, ngành gần; thu hút nhiều hơn nữa những học sinh phổ thông đăng ký vào học những ngành, chuyên ngành này. Cần xây dựng những hợp tác giữa các cơ sở giáo dục đại học, giữa các cơ sở giáo dục đại học với các doanh nghiệp sử dụng nhân lực, với các địa phương nơi các doanh nghiệp đang đầu tư hoặc sẽ đầu tư, nhằm chia sẻ tầm nhìn, kinh nghiệm, tối ưu hóa sử dụng các nguồn lực…

Bộ GD&ĐT đánh giá cao sự chủ động, sự quyết tâm của các cơ sở giáo dục đại học, nhất là 5 cơ sở giáo dục đại học đã có sáng kiến cùng tổ chức hội thảo này và ký kết văn bản hợp tác để hình thành liên minh đại học đào tạo lĩnh vực công nghệ bán dẫn.

Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn nhấn mạnh: "Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao không thể chỉ là nhiệm vụ của các cơ sở giáo dục đại học hay của các bộ ngành. Để thành công cần có sự tham gia, phối hợp của các doanh nghiệp, của địa phương, của các trường phổ thông và của toàn xã hội". 

Lê Vân/Báo Tin tức
Việt Nam tìm hướng cung cấp nhân lực công nghiệp chip bán dẫn
Việt Nam tìm hướng cung cấp nhân lực công nghiệp chip bán dẫn

Ngày 17/10, trao đổi với báo chí về đào tạo nhân lực công nghiệp chip bán dẫn trong hệ thống cơ sở giáo dục đại học Việt Nam, PGS.TS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD&ĐT) nêu quan điểm về đào tạo nhân lực để đáp ứng nhu cầu trong ngành này.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN