Phát triển các trường đại học, cao đẳng ngoài công lập

Ngày 22/12, tại Hà Nội, Hiệp hội các trường Đại học, Cao đẳng Việt Nam phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức hội thảo “Thực trạng và các giải pháp cấp thiết để củng cố và phát triển các trường đại học, cao đẳng ngoài công lập”.

Hiện nay, tại Việt Nam đã có một hệ thống gồm 84 trường (60 trường đại học và 24 trường cao đẳng) ngoài công lập với hơn 13.000 giảng viên và hơn 330.000 sinh viên, chiếm 14% sinh viên của cả nước.

GS Trần Hồng Quân, Chủ tịch Hiệp hội các trường Đại học, Cao đẳng Việt Nam cho rằng: Những chủ trương, chính sách xã hội hóa của Đảng và Nhà nước đã mở lối cho các trường đại học, cao đẳng ngoài công lập lần lượt ra đời. Trong hơn 20 năm, hệ thống trường này không chỉ đóng góp vào việc đào tạo nguồn nhân lực bậc cao, phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước mà còn tạo ra mô hình trường mới mẻ, hiện đại, quản trị năng động hiệu quả, có uy tín về chất lượng đào tạo.

Tuy nhiên, cho tới nay hệ thống trường đại học, cao đẳng ngoài công lập đã và đang phải đối mặt với những khó khăn, vướng mắc, bởi hành lang pháp lý chưa đồng bộ, đã cản trở sự phát triển đi lên của nhiều trường ngoài công lập, dẫn đến nhiều điều bất cập trong quản lý, quy mô sinh viên giảm sút...

Phát triển các trường đại học, cao đẳng ngoài công lậpg. Ảnh: Quý Trung-TTXVN.

Tại hội thảo, các đại biểu là lãnh đạo các trường ngoài công lập đã chỉ ra những hạn chế, yếu kém, nguyên nhân đích thực, nguyên nhân chủ quan và khách quan, cơ hội và thách thức từ thực tế hoạt động của nhà trường. Từ đó, các trường cũng nêu ra một số giải pháp nhằm củng cố, duy trì và phát triển hệ thống này trong mối tương quan với hệ thống các trường đại học công lập, trong điều kiện trao quyền tự chủ đầy đủ cho tất cả các trường đại học, cao đẳng cùng cạnh tranh lành mạnh để phát triển.

Các đại biểu cho rằng: Nhà nước cần tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa xã hội hoá trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo, tạo điều kiện thuận lợi để giáo dục đại học ngoài công lập tiếp tục phát triển, huy động được tiềm năng to lớn của xã hội vào công tác giáo dục. Việt Nam cũng cần tiếp tục ban hành, sửa đổi các văn bản nhằm cụ thể hoá chủ trương xã hội hoá giáo dục và chính sách ưu đãi của Đảng, Nhà nước để khuyến khích, hỗ trợ các trường đại học, cao đẳng ngoài công lập phát triển. Đại diện các trường cũng nêu ra một số hạn chế về xác định chỉ tiêu tuyển sinh, thủ tục mở mã ngành ... để Bộ Giáo dục và Đào tạo xem xét, chỉnh sửa cho phù hợp với điều kiện các trường ngoài công lập.

Theo Giáo sư, Tiến sỹ Khoa học Đặng Ứng Vận (Trường Đại học Hoà Bình, Hà Nội): Bên cạnh việc Nhà nước ban hành các chế độ chính sách phù hợp, các trường cũng phải tự thay đổi, nâng tầm thương hiệu của mình trên cơ sở cuẩn bị cơ sở vật chất đầy đủ, tạo niềm tin cho phụ huynh, người học và xã hội. Các trường cần thực hiện tốt và đầy đủ quyền tự chủ, trách nhiệm giải trình để thể hiện sự trung thực, công khai, minh bạch; xây dựng đội ngũ giảng viên có chất lượng, có sự độc đáo về ngành tuyển để xây dựng thương hiệu và thu hút người học...
Ngọc Anh (TTXVN)
Giáo dục nghề nghiệp hướng tới sự tham gia tốt hơn của khu vực tư nhân
Giáo dục nghề nghiệp hướng tới sự tham gia tốt hơn của khu vực tư nhân

Cả nước có hơn 2.000 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, trong đó có khoảng 1.000 các cơ sở do tư nhân thành lập.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN