Giáo dục nghề nghiệp hướng tới sự tham gia tốt hơn của khu vực tư nhân

Cả nước có hơn 2.000 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, trong đó có khoảng 1.000 các cơ sở do tư nhân thành lập.

Ngày 2/12, tại Hà Nội, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với Cơ quan phát triển Pháp (AFC) tại Việt Nam và Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hiệp quốc (UNESCO) tổ chức hội thảo giáo dục nghề nghiệp hướng tới sự tham gia tốt hơn của khu vực tư nhân.

Theo số liệu của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, tính đến nay, cả nước có hơn 2.000 cơ sở giáo dục nghề nghiệp phân bổ trên cả nước, trong đó có khoảng 1.000 các cơ sở do tư nhân thành lập.

Thời gian qua, Đảng, Nhà nước đã dành nguồn lực đáng kể cho lĩnh vực nghề nghiệp, ban hành nhiều chủ trương, chính sách phát triển lĩnh vực này, đáng chú ý là Luật Giáo dục nghề nghiệp (có hiệu lực thi hành từ 1/7/2015) và Chiến lược phát triển Dạy nghề thời kỳ 2011 - 2020. Theo đó, Chiến lược hướng tới mục tiêu: quy hoạch mạng lưới cơ sở dạy nghề tới nghề đào tạo, theo vùng, địa phương; ưu tiên thành lập mới cơ sở dạy nghề ngoài công lập; khuyến khích hợp tác và thành lập các cơ sở dạy nghề có vốn đầu tư nước ngoài; đẩy mạnh xã hội hoá, đa dạng nguồn lực cho phát triển dạy nghề bao gồm, nhà nước, doanh nghiệp, người học, các nhà đầu tư trong và ngoài nước...

Một lớp dạy nghề công nghệ điện. Ảnh: TTXVN

Các đại biểu đã chỉ ra những hạn chế trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp của nước ta hiện nay: hệ thống cơ sở đào tạo đông nhưng chưa đủ mạnh; năng lực các cơ sở còn yếu, đặc biệt là thiếu về nhân lực quản trị; kỹ năng của người lao động còn hạn chế, chưa gắn chặt các cơ sở đào tạo với doanh nghiệp trong quá trình đào tạo...

Nhiều ý kiến cho rằng để đạt được mục tiêu đến năm 2020 có hệ thống giáo dục nghề nghiệp đạt chuẩn Quốc gia và có nguồn nhân lực tiếp cận được các nước trong khu vực và thế giới, cần tiếp tục đẩy mạnh sự tham gia của các doanh nghiệp tư nhân, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của từng cơ sở và hệ thống giáo dục nghề nghiệp.


Nhằm huy động sự tham gia của khu vực tư nhân vào lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp, các đại biểu kiến nghị về mặt thể chế, Đảng, Nhà nước cần tổ chức các đối thoại công - tư, tăng cường vai trò của các hiệp hội nghề nghiệp, doanh nghiệp vào quản lý dạy nghề; xây dựng chương trình dạy nghề theo hướng đổi mới, hiện đại hóa chương trình giảng dạy, phù hợp với yêu cầu kỹ năng, đào tạo giáo viên; có chính sách hỗ trợ đối với các cơ sở dạy nghề ngoài công lập...



Phúc Hằng (TTXVN)
 1.750 tỷ đồng đẩy mạnh đào tạo nghề nông nghiệp
1.750 tỷ đồng đẩy mạnh đào tạo nghề nông nghiệp

Ngày 29/11, tại Hà Nội, Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) phối hợp với Tổ chức Oxfam tổ chức hội thảo công bố báo cáo nghiên cứu và tham vấn kế hoạch, khung hướng dẫn đào tạo nghề cho lao động nông thôn.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN