Nơi đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Sau 30 năm xây dựng và phát triển, Trường Phổ thông Dân tộc nội trú Trung học phổ thông Kiên Giang đã đạt nhiều thành tích đáng tự hào, đã bồi dưỡng, đào tạo ra các thế hệ học trò là con em đồng bào dân tộc thiểu số có nhiều cống hiến tích cực cho quê hương.

Chú thích ảnh
Trường Phổ thông Dân tộc nội trú Kiên Giang. Ảnh: ptdtnttinhkg.edu.vn

Cô Châu Quỳnh Dao, Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc nội trú Trung học phổ thông Kiên Giang cho biết, trường thành lập trong điều kiện còn nhiều khó khăn thiếu thốn, các nhà sư là những người đặt những viên gạch đầu tiên để xây dựng trường. Năm học 1991-1992, trường tổ chức lễ khai giảng khóa đầu tiên. Thời điểm đó, trường chưa kịp tuyển sinh mới mà tiếp tục dạy số học sinh cũ còn lại của Trường Thanh niên Dân tộc theo dạng vừa học vừa làm. Học sinh năm đó chỉ có 142 em, trong đó chỉ có 2 em nữ, các học sinh nam đa số là sư, học theo chương trình vừa bổ túc vừa phổ thông, cả Trung học Cơ sở và Trung học Phổ thông, từ lớp 8 đến lớp 11, chưa có lớp 12. Số học sinh nữ lúc đó rất ít vì nhận thức của đồng bào Khmer thời điểm đó không muốn cho con gái đi học.

Lần lượt các năm sau, trường bỏ hệ Trung học Cơ sở chỉ còn giữ lại hệ Trung học Phổ thông. Năm học 1993-1994, trường có học sinh tốt nghiệp Trung học Phổ thông lớp 12 lần đầu. Lần lượt qua các năm học, số học sinh được giao chỉ tiêu đào tạo ngày một tăng lên. Từ năm học 2005 - 2006, trường được giao chỉ tiêu đào tạo là 420 học sinh từ lớp 10 - 12 cho đến nay, chủ yếu là học sinh con em đồng bào dân tộc thiểu số (dân tộc Khmer, Hoa) ở vùng sâu, vùng xa, vùng kinh tế đặc biệt khó khăn trong toàn tỉnh.

Nếu như trong năm đầu thành lập, trường chỉ có 11 giáo viên -  nhân viên, đến nay trường có 40 nhân sự; trong đó trình độ thạc sỹ chiếm 25%. Từ năm học 2000 - 2001 trở lại đây, tỷ lệ tốt nghiệp luôn đạt 100%; trên 75% học sinh tốt nghiệp đều vào các trường Đại học, Cao đẳng, trung học chuyên nghiệp.

Hằng năm, trường giữ vững tỷ lệ học sinh đạt giải cấp tỉnh. Các kỳ Hội khỏe Phù Đổng, Hội thao Quốc phòng - An ninh... Trường nhiều lần đoạt giải Nhất toàn đoàn. Trường đã vinh dự được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba; được tỉnh công nhận đạt chuẩn Quốc gia đầu tiên cấp Trung học Phổ thông của tỉnh. Phát huy thành tích đó, tháng 5/2022, trường tiếp tục đón nhận bằng Công nhận Trường chuẩn Quốc gia mức độ I, kiểm định chất lượng giáo dục cấp độ II.

Bên cạnh đó, trường còn bồi dưỡng cho hơn 600 giáo viên dạy Ngữ văn Khmer; tập huấn cho 230 cán bộ, sỹ quan Biên phòng trình độ sơ cấp tiếng Khmer để đủ điều kiện công tác tại địa bàn có đông đảo người Khmer sinh sống. Năm 2012, nhà trường nhận trách nhiệm dạy tiếng Việt, tạo điều kiện cho 40 du học sinh Campuchia nơi ăn ở và phương tiện đi lại trong thời gian 3 năm theo học khóa Y sỹ tại Trường Cao đẳng Y tế Kiên Giang. Điều này góp phần củng cố mối quan hệ hữu nghị Việt Nam - Campuchia.

Hiệu Trưởng Châu Quỳnh Dao chia sẻ, 30 năm qua, điều đáng tự hào nhất là Trường đã cung ứng nguồn nhân lực chất lượng cao cho đất nước nói chung, cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng khó khăn nói riêng. Nhiều cựu học sinh của trường đã công tác trên nhiều lĩnh vực với vai trò là dược sỹ, bác sỹ, kỹ sư, giáo viên, sỹ quan quân đội, cán bộ, công chức nhà nước… Đây chính là động lực quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Nhờ vậy, diện mạo nông thôn ngày nay phần nào được khởi sắc, đời sống bà con không ngừng được cải thiện, nâng lên.

Trong Chiến lược phát triển giai đoạn 2018-2023, tầm nhìn đến năm 2030, trường xác định trở thành ngôi trường chuyên biệt có uy tín về chất lượng giáo dục cho con em đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng kinh tế - xã hội khó khăn; phát triển phù hợp với xu thế của đất nước và thời đại; chuẩn bị tốt mọi mặt để khi các em ra trường thích ứng nhanh với sự phát triển của xã hội.

Lê Sen (TTXVN)
Gia Lai hỗ trợ học sinh dân tộc thiểu số hoàn cảnh khó khăn thiếu sách giáo khoa
Gia Lai hỗ trợ học sinh dân tộc thiểu số hoàn cảnh khó khăn thiếu sách giáo khoa

Ngay sau khi phóng viên TTXVN thông tin về tình trạng thiếu sách giáo khoa tại nhiều địa phương của tỉnh Gia Lai, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Gia Lai Lê Duy Định đã có văn bản đề nghị Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố khẩn trương chỉ đạo việc hỗ trợ học sinh dân tộc thiểu số, có hoàn cảnh khó khăn thiếu sách giáo khoa trong năm học mới, tuyệt đối không để các em phải bỏ học.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN