Bài 1: ‘Nhồi nhét’ kỹ năng, đến hè lại lên
Dành cả mùa hè để… học thêm
Mùa hè là mùa để các con nghỉ ngơi, giảm tải học tập nhưng không thể lãng phí thời gian khi con còn thiếu rất nhiều kỹ năng. Hiểu như thế nên chị Đàm Thu Hiền (Bách Khoa, Hà Nội) nhất định phải cho con đi học thêm các lớp kỹ năng dịp hè.
Học kỳ quân đội, một trong những lớp kỹ năng được bố mẹ kỳ vọng là sẽ giúp thay đổi đáng kể thái độ sống cho trẻ. Ảnh: Kim Phượng/TTXVN |
Đầu tiên, chị đăng ký cho con học lớp bơi ở trường Thể thao 10/10 để con được tăng cường thể chất. Tiếp đó là lớp võ tự vệ buổi tối ở khu vực Cung văn hóa gần nhà. Học bơi xong chị đưa con về gửi ở lớp bán trú tiếng Anh do một thầy giáo người Anh mở lớp.
Trong giáo trình của thầy, các kỹ năng sống được phân bổ khá đầy đủ. Sau nửa ngày học tiếng Anh sẽ là những buổi học đánh cầu lông, tọa đàm chống xâm hại tình dục, kỹ năng sơ cứu cơ bản, khóa học phòng cháy chữa cháy, cách học tự chuẩn bị những món ăn đơn giản…
Như vậy là con tiếp tục học cả ngày ngay trong mùa hè. Thế nhưng chị Hiền chấp nhận điều này và cho biết: “Cả năm học con chỉ học văn hóa cả ngày. Tại trường cấp 1 công lập của con chị học không có bất cứ một lớp kỹ năng mềm nào, thậm chí khi nhà trường dự định mở lớp đào tạo kỹ năng sống cho học sinh thì có chưa tới 10/60 phụ huynh đăng ký”.
Trong khi con dành cả mùa hè để học thêm thì các bậc cha mẹ cũng dành cả mùa hè để đưa đón con. Không khỏi lo lắng về lịch học kín mít của 2 anh con trai lớn, anh Nguyễn Thanh Tùng (Dịch Vọng, Cầu Giấy) khẳng định, công việc là một kiến trúc sư tự do của anh bị ảnh hưởng khá nhiều vì phải bố trí công việc theo lịch học của con.
Cậu con cả học lớp 8 sau 5 ngày đi phụ làm chai nhựa cùng nhóm bạn ở một trang trại tận Sóc Sơn không chịu nổi cảnh xa nhà phải về nhưng lại được vợ anh sắp xếp đi học tiếng Đức cấp tốc. Cậu con cả được định hướng sẽ đi du học nên mỗi ngày sẽ phải học tới 5 giờ ở lớp tiếng Đức nên cũng coi như kín cả mùa hè.
Rút kinh nghiệm với việc thiếu kỹ năng sống của cậu con cả, vợ anh cũng đăng ký cho cậu con trai thứ năm nay học lớp 5 một khóa học kỹ năng sống ngắn hạn. Lớp học diễn ra trong 8 tuần, thời gian từ 8h đến 16h30 các ngày trong tuần với mức chi phí rất cao lên tới trên 20 triệu đồng một khóa học. Ngoài kỹ năng thể thao như bơi lội, võ thuật, cờ vua các kỹ năng cần thiết trong cuộc sống khác là sử dụng tiền một cách hiệu quả, kỹ năng sinh tồn, phương pháp học tập hiệu quả. Bên cạnh đó là cả các giờ học thiền, học về đạo hiếu cùng cha mẹ.
Các trung tâm kỹ năng tung chiêu “câu” học sinhMặc cho ông bà giục đưa con về quê, nhiều cha mẹ chọn cho con việc “bám trụ cùng thủ đô” để rèn tham gia các lớp kỹ năng sống, các lớp ngoại khóa hay thậm chí là trại hè bán trú ngoại ngữ. Theo nhiều bậc phụ huynh, việc cho con về quê khiến con không tham gia được những lớp học trên mà chỉ rong chơi cả tháng khiến cho mùa hè bị “lãng phí”.
Trong khi đó, một mùa hè với nhiều lo lắng khiến các bậc cha mẹ khi đi làm không dám thả lỏng con cái, điều này khiến các em khi bị nhốt trong nhà giải trí cả ngày với các thiết bị điện tử.
Các lớp đào tạo kỹ năng kín lịch hè vẫn được các bậc phụ huynh cho con tham gia bên cạnh việc rèn luyện những kỹ năng sống thiếu hụt là bởi giúp con tránh xa các vật dụng điện tử. Đây là cơ hội cho các khóa học mùa hè lên ngôi.
Có thể dễ dàng tìm được các trung tâm dạy kỹ năng sống giảm giá 4-7 triệu một khóa 2 tuần cho học sinh đăng ký và nộp học phí sớm. Các chính sách giảm giá nếu bố mẹ đăng ký cho cả hai con giống như các trung tâm ngoại ngữ.
Những email quảng cáo trực tiếp được gửi email đến các bậc cha mẹ có quan tâm. Quảng cáo Facebook cũng dễ dàng phân loại nhu cầu tìm kiếm các trung tâm đào tạo kỹ năng sống của phụ huynh để đưa ra những quảng cáo phù hợp.
Tuy nhiên, trao đổi trên một nhóm Facebook chuyên khuyến khích đào tạo kỹ năng sống cho con bằng cách đưa trẻ ra ngoài chơi, nhiều bậc phụ huynh bày tỏ lo ngại trước chất lượng của các khóa học kỹ năng kiểu này. Phần đông các khóa học có hiệu quả hay không, những kỹ năng có chính xác hay không, theo giáo trình nào hoàn toàn chưa được cơ quan nào kiểm chứng.
Thêm nữa là các khoản giảm giá quá lớn càng khiến các bậc cha mẹ lo ngại về các mức giá mỗi nơi một kiểu của các khóa đào tạo này.
Đó là chưa kể các trại hè tiếng Anh, trại hè âm nhạc, trại hè quân đội, khóa tu mùa hè… mà mỗi nơi lại một mức giá, một kiểu quảng cáo hút người học.
Chỉ cần thiếu tỉnh táo trước các chiêu hút “học viên” hay mang nặng những lo lắng thái quá về việc trang bị tất thẩy các kỹ năng sống mà không quan tâm tới con cần gì, các bậc cha mẹ hoàn toàn có thể vướng vào “ma trận” học hè. Như vậy, sau một năm học tập trọn ngày, mùa hè kín lịch học lại tiếp tục chờ đợi các em học sinh.
Bài 2: Xây dựng kỹ năng theo lứa tuổi