Dạy ngôn ngữ ký hiệu cho các học sinh bị khiếm khuyết bẩm sinh tại Trung cấp nghề cho người khuyết tật tỉnh Thái Bình. Ảnh: Thế Duyệt/TTXVN
Gieo yêu thương trên từng con chữ
Hằng năm, Trường Trung cấp nghề cho người khuyết tật tỉnh Thái Bình duy trì khoảng 250-300 học sinh chuyên biệt. Các em đến đây với những khiếm khuyết bẩm sinh như tự kỉ, hội chứng down, thiểu năng trí tuệ hay khiếm thính, trong đó nhiều em có hoàn cảnh khó khăn. Chính vì thế, dạy các em không chỉ là công việc mà còn là hành trình kiên nhẫn, yêu thương và cả sự hy sinh.
Lớp học 1A của cô giáo Hoàng Ngọc Quỳnh có 12 học sinh. Gọi là lớp 1 nhưng có em nhỏ xíu, em thì cao lớn gần bằng cô giáo bởi đây là lớp học của trẻ khiếm thính, không quy định độ tuổi. Cô Hoàng Ngọc Quỳnh chia sẻ, với người bình thường, nói và viết là ngôn ngữ chính, còn với người khiếm thính thì ngôn ngữ ký hiệu là “ngôn ngữ mẹ đẻ”. Vì vậy, các em đến trường bắt đầu học về ngôn ngữ như “trang giấy trắng”. Chưa kể các em tới đây có nhiều em còn nhút nhát, sợ người lạ, có em mắc hội chứng tăng động, tự kỷ…nên cùng với “dạy”, giáo viên còn phải “dỗ” các em, giúp học sinh từng bước hòa nhập môi trường mới.
Dạy ngôn ngữ ký hiệu cho các học sinh bị khiếm khuyết bẩm sinh tại Trung cấp nghề cho người khuyết tật tỉnh Thái Bình. Ảnh: Thế Duyệt/TTXVN
Trong các môn học dành cho trẻ khiếm thính, cùng với ngôn ngữ ký hiệu, Tiếng Việt là môn học khó nhất. Bởi các em phải học phát âm theo khẩu hình của cô, học đánh chữ cái ngón tay để có thể viết, sau đó mới học ký hiệu và phải đọc hiểu được bài học. Thế nên, trẻ phải mất đến cả tuần để học một bài mới và có trẻ đặc biệt, thiểu năng trí tuệ phải học đến 9 - 10 năm tại trường mới sử dụng được ngôn ngữ ký hiệu.
Để trẻ có thể học được, giao tiếp được là hành trình dài của cả thầy cô, gia đình và bản thân học sinh. Cô Quỳnh cũng như nhiều đồng nghiệp khác phải tự mày mò làm đồ dùng học tập, soạn giáo án chương trình và các phiếu bài tập phù hợp đối tượng học sinh của mình. Mỗi bài học, kỹ năng đều phải rèn luyện, thực hành nhiều lần, tăng cường hình ảnh trực quan, sinh động để các em dễ hiểu, dễ nhớ.
Không chỉ đầu tư cho chuyên môn, các thầy cô giáo tại trường còn phải có kỹ năng xử lý những tình huống bất ngờ. Nhiều em bị tăng động, đôi khi không làm chủ được cảm xúc, đập phá, hò hét nhưng bằng sự kiên nhẫn và phối hợp chặt chẽ với gia đình, thầy cô từng bước giúp các em cải thiện hành vi.
Vất vả là vậy nhưng sự tiến bộ, trưởng thành của mỗi học sinh khuyết tật chính là động lực để thầy cô giáo nơi đây tiếp tục hành trình "trồng người" đầy khó khăn. Tại đây, các em được học văn hóa chuyên biệt từ lớp 1 đến lớp 9, mở ra cánh cửa giúp các em có kỹ năng, kiến thức để có thể hòa nhập cộng đồng.
Em Bùi Thị Thanh Hường (thành phố Thái Bình) kém may mắn hơn so các bạn cùng trang lứa khi là trẻ câm điếc bẩm sinh. Với 4 năm theo học tại trường, đến nay, em có thể giao tiếp cơ bản bằng ngôn ngữ ký hiệu và tự tin hơn khi tiếp xúc với người lạ. Đó là “trái ngọt” cho những nỗ lực của cá nhân, gia đình và hơn cả, không thể thiếu vai trò của những thầy cô giáo tại Trường Trung cấp nghề cho người khuyết tật tỉnh ngày ngày kiên trì vun đắp trên hành trình “gieo chữ” bằng tình yêu thương với trẻ đặc biệt.
Hành trang giúp trẻ khuyết tật hòa nhập cộng đồng
Cùng với học văn hóa chuyên biệt, từ ngôi Trường Trung cấp nghề cho người khuyết tật tỉnh Thái Bình, nhiều học sinh khuyết tật được đào tạo nghề, vượt qua khó khăn, vươn lên tìm được việc làm cho bản thân.
Cô Nguyễn Thị Thủy, giáo viên Khoa May có hơn 10 năm gắn bó với học sinh khuyết tật. Lớp sơ cấp nghề may cô đang đứng lớp có 19 học sinh thì có tới 12 em khiếm thính, do vậy, việc dạy nghề phần lớn là ngôn ngữ ký hiệu, “cầm tay chỉ việc” từ những bài học đơn giản về giới thiệu máy, an toàn khi sử dụng máy đến bài học may chi tiết.
Dạy nghề may cho các học sinh bị khiếm khuyết bẩm sinh tại Trung cấp nghề cho người khuyết tật tỉnh Thái Bình. Ảnh: Thế Duyệt/TTXVN
Em Đặng Thị Huyền Trang (sinh năm 2003, ở xã Vũ Chính, thành phố Thái Bình) cho biết, khi đến trường, những kiến thức về nghề may với em gần như bằng “không”. Nhưng sau một thời gian học tại đây, được các thầy cô chỉ bảo từng “đường kim, mũi chỉ”, đến nay, em đã có thể may được những bộ quần áo đơn giản. Đây là hành trang quan trọng giúp em có thể tiếp tục nâng cao tay nghề và tìm kiếm việc làm phù hợp, nuôi sống bản thân trong tương lai.
Thầy giáo Trần Bá Trình, Hiệu trưởng Trường Trung cấp nghề cho người khuyết tật tỉnh Thái Bình cho biết, trường tiền thân là trường dạy chữ, dạy nghề cho người khuyết tật, được thành lập năm 1979. Trải qua hơn 45 năm hoạt động, những năm gần đây, trường được giao thêm nhiệm vụ đào tạo văn hóa từ tiểu học đến bậc trung học phổ thông và đào tạo nghề đến trình độ trung cấp cho đối tượng là người khuyết tật và đối tượng xã hội khác; trong đó hàng năm duy trì từ 250-300 học sinh học văn hóa chuyên biệt. Đến nay, nhà trường đào tạo hàng chục nghìn học sinh tốt nghiệp các nghề điện công nghiệp, may thời trang, chạm khắc gỗ, cơ khí hàn, tin học văn phòng, kế toán doanh nghiệp, học ngôn ngữ ký hiệu và văn hóa trung học phổ thông. Trong số đó có nhiều học sinh khuyết tật có tay nghề tốt, các em có thể tự kiếm sống được bằng nghề đã học hoặc học lên trình độ cao hơn, tự tạo việc làm cho bản thân. Thời gian tới, trường định hướng xây dựng để trở thành cơ sở đào tạo uy tín, chất lượng cho đối tượng là người khuyết tật và đào tạo văn hóa phổ thông cho nhóm đối tượng xã hội và dạy nghề.
Dạy cho học sinh bình thường tiến bộ đã khó song dạy cho học sinh khuyết tật còn khó gấp bội phần. Với những giáo viên Trường Trung cấp nghề cho người khuyết tật tỉnh Thái Bình, họ không đơn thuần là người thầy dạy chữ, dạy nghề mà còn là người cha, người mẹ, bạn đồng hành cùng trẻ kém may mắn. Từng ngày, mỗi thầy cô đang nỗ lực làm tốt công việc của mình để mang đến môi trường giáo dục hòa nhập tốt cho trẻ, đồng thời chia sẻ khó khăn với phụ huynh trong hành trình nuôi dạy con đầy gian nan.