* Cố gắng học hỏi, sáng tạo Càng
gắn bó với trường, với học trò, cô giáo Hồ Thị Thu Hà ở trường Tiểu học
Thăng Long, quận Hoàn Kiếm càng thấy yêu nghề dạy học. Cô Hà tâm sự:
Nghề dạy học đã giúp tôi hoàn thiện bản thân. Tôi yêu công việc này nên
luôn cố gắng học hỏi, sáng tạo để mang lại những tri thức, kỹ năng cần
thiết cho học trò, góp một phần nhỏ bé vào sự phát triển của ngôi trường
đã bước sang tuổi 85, để truyền thống Thăng Long mãi mãi được giữ gìn
và phát huy.
Tốt nghiệp trường Sư phạm năm 1992, cô Hà về công
tác tại trường Tiểu học Thăng Long. Với cô, đây là một sự may mắn lớn,
bởi Tiểu học Thăng Long không chỉ là ngôi trường lâu năm của Thủ đô Hà
Nội, có bề dày truyền thống dạy tốt - học tốt, đã được Bác Hồ về thăm mà
còn là nơi hội tụ trí tuệ, sự đoàn kết, gắn bó, đồng sức, đồng lòng của
nhiều thế hệ cán bộ giáo viên, học sinh…
Cô giáo hướng dẫn học sinh làm bài. Ảnh: Quý Trung - TTXVN. |
Tâm huyết với nghề, năm 1996 cô Hà đạt danh hiệu Giáo viên giỏi cấp Thành phố và giữ vững danh hiệu liên tục cho đến năm 2005, khi cô được bổ nhiệm làm Hiệu phó của trường.
Gần 20 năm gắn bó với nghề, không ngừng nỗ lực học tập và sáng tạo, cô giáo Hà đã có 13 sáng kiến kinh nghiệm cấp thành phố. Các sáng kiến của cô đều có giá trị ứng dụng vào thực tiễn giảng dạy của nhà trường. Giỏi việc trường, đảm việc nhà, cô giáo Hà còn có gia đình hạnh phúc với 2 con gái ngoan ngoãn, học giỏi (cháu lớn hiện là sinh viên Học viện Ngoại giao, cháu bé là học sinh lớp 8 trường Trung học cơ sở Trưng Vương). Cô giáo Hồ Thị Thu Hà xứng đáng được nhận danh hiệu “Gia đình Cán bộ viên chức tiêu biểu” do thành phố trao tặng và tôn vinh.
* Nỗ lực vượt khó Cũng yêu nghề dạy học, mến học trò như cô giáo Hà, cô giáo Từ Thị Bích Nga ở trường Tiểu học thị trấn Quốc Oai A (huyện Quốc Oai) tâm sự: “Giỏi việc trường - Đảm việc nhà”, “Cô giáo người mẹ hiền” là mục tiêu phấn đấu của mỗi giáo viên. Trong suốt quá trình dạy học, cô không ngừng tìm tòi sáng tạo, đổi mới phương pháp giảng dạy đối với từng bài giảng. Cô còn ứng dụng công nghệ thông tin, các phần mềm tương tác trong giảng dạy nhằm tạo hứng thú cho học sinh.
Dạy học sinh ở lứa tuổi tiểu học, cô giáo Nga hiểu rất rõ đặc điểm của lứa tuổi này để có phương pháp giáo dục phù hợp và hiệu quả. Cô chia sẻ: Học sinh lứa tuổi tiểu học rất hiếu động nên khâu tổ chức lớp rất quan trọng. Để có được điều này, ngay từ đầu năm học, cô Nga đã phân loại đối tượng học sinh để có biện pháp bồi dưỡng kịp thời. Cô còn sáng tạo, linh hoạt lồng ghép kỹ năng sống vào các giờ học, giúp học sinh có những cách ứng xử tốt nhất trong mọi tình huống.
Tận tâm với học trò, nhiều năm liền, lớp học của cô giáo Nga chủ nhiệm đã có nhiều học sinh đạt thành tích cao trong các kì thi học sinh giỏi, viết chữ đẹp các cấp. Bản thân cô Từ Thị Bích Nga cũng có hơn 10 năm liền đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở, có nhiều sáng kiến cấp thành phố.
Cùng với giỏi việc trường, cô Nga còn là một trong những điển hình "Đảm việc nhà" dù hoàn cảnh gia đình cô khó khăn hơn so với nhiều đồng nghiệp. Chồng của cô Nga là thương binh, hơn 10 năm qua, anh phải nằm điều trị thường xuyên ở các bệnh viện với nhiều cuộc phẫu thuật liên tiếp. Hai con của cô đều còn nhỏ, nên mọi công việc trong gia đình cô Nga phải gánh vác.
Ngoài giảng dạy ở trường, cô còn mạnh dạn mở thêm cửa hàng kinh doanh nhỏ để có thêm thu nhập cho gia đình. Chịu thương, chịu khó, vừa hoàn thành tốt công việc chuyên môn, cô vừa kinh doanh ổn định, giúp gia đình vượt qua những thời điểm khó khăn nhất. Giờ đây, gia đình cô giáo Nga đã có cuộc sống ổn định, con cái học hành thành đạt, các thành viên trong gia đình hòa thuận, thương yêu nhau. Cô tâm sự: Dù cuộc sống vẫn còn bộn bề khó khăn, nhưng tôi nghĩ mình là người may mắn và hạnh phúc.
* Điểm tựa vững chắc
Luôn nhiệt tình tham gia các cuộc thi giáo viên dạy giỏi và đã giành thành tích cao trong cuộc thi cấp thành phố, cô giáo Nguyễn Thị Thanh Hương ở trường Trung học cơ sở Tây Sơn (quận Hai Bà Trưng) cho biết: Tuy tuổi đã cao, nhưng được tập thể tin tưởng, tôi đã cố gắng hết sức để tham gia các vòng thi. Tôi nghĩ dù mình đã có nhiều năm kinh nghiệm, song sự nghiệp đổi mới giáo dục, đào tạo không cho phép giáo viên tự hài lòng với bản thân mà phải luôn tự học, tự bồi dưỡng, trau dồi kiến thức, nghiệp vụ để làm giàu tri thức cho bản thân và học trò.
Hơn 30 năm gắn bó với nghề, không thể kể hết những kỷ niệm của cô giáo Hương với học trò nhưng kỷ niệm mà cô nhớ nhất là về cậu trò học trò có tên Nguyễn Sáng, từng là học sinh lớp cô chủ nhiệm. Giờ đây, Sáng đã trưởng thành, đang học tại Pháp. Thế nhưng, trước đây khi Sáng đang học lớp 9 thì có một biến cố lớn xảy ra. Gia đình em bị phá sản, cha mẹ ly tán, hai anh em Sáng phải đến nhà người thân sống nhờ. Cú sốc xảy ra vào đúng thời điểm quan trọng nhất với Sáng.
Cô giáo Hương đã thường xuyên gần gũi động viên em. Mặc dù điều kiện kinh tế gia đình không dư dả, nhưng cô đã cố gắng chăm lo cho Sáng cả về tinh thần lẫn vật chất với suy nghĩ nếu mình không giúp em lúc này có thể em sẽ rơi vào tình trạng tiêu cực và sẽ lãng phí đi một tài năng vì Sáng vốn là học sinh giỏi. Khoản học phí cả 3 năm Sáng học trung học phổ thông, rồi các khoản tiền phục vụ thi đại học, cô Hương đều đứng ra giúp Sáng.
Cô Hương tâm sự: Nghề giáo đôi khi có những khó khăn, thiệt thòi. Nhưng, một ngôi trường đoàn kết, một tập thể yêu thương nhau và một gia đình hạnh phúc luôn là điểm tựa để tôi tròn vai dạy học của mình.
Minh Nghĩa (
TTXVN)